Chuyến tàu 'thiên hạ đệ nhất... độc' trên đường ray Phnom Penh

06/07/2017 - 08:30

PNO - Campuchia là một đất nước bé nhỏ làm nên những điều vĩ đại - ít ra là trong suy nghĩ của một con nhỏ gốc Việt nguyên quán Nam Vang như tôi.

Campuchia là một đất nước bé nhỏ làm nên những điều vĩ đại - ít ra là trong suy nghĩ của một con nhỏ gốc Việt nguyên quán Nam Vang như tôi.

Có lẽ điều này tạo ra những cái nhìn hơi thiên vị một tẹo về những đặc sản độc đáo ở xứ sở Chùa Tháp. Chẳng hạn như cái “món” xe lửa khắc-nhập-khắc-xuất được làm hoàn toàn từ tre mà tôi sắp kể cho bạn nghe.

Chuyen tau 'thien ha de nhat... doc'  tren duong ray Phnom Penh
 

Bắt đầu là câu chuyện của hơn 50 năm trước, nếu tôi nhớ không lầm là khoảng năm 1964, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường sắt đầu tiên ở Campuchia, một tuyến từ Phnom Penh đi Poipet, tuyến còn lại từ Phnom Penh đi Sihanoukville. 

Poipet là một tỉnh nghèo nằm ở địa đầu mạn Bắc Campuchia, giáp ranh tỉnh Xakeo của Thái Lan. Nhu cầu đi lại của người dân nơi đây không cao, và nếu di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, họ phải đối mặt với hệ thống tàu xe xập xệ, chen chúc, xộc lên mũi những mùi mồ hôi quyện cùng mùi gia súc và hàng hóa đến nghẹt thở.

Sự lạc hậu khiến cho máy móc, kỹ thuật là một cái gì đó xa lạ. Sau một thời gian dài phục vụ, các toa xe lửa hư hỏng nặng và bị vứt xó, bởi không ai ở đây có khả năng sửa chữa một thiết bị văn minh như thế. Nên chẳng có gì bất ngờ khi hiện nay tuyến tàu lửa Phnom Penh đi Poipet đã ngưng hoạt động. Và điều để người ta phải thực sự bất ngờ thì lại nằm ở một chỗ khác. 

Đó là đoạn đường ray từ Phnom Penh đến Poipet vẫn nằm đấy như dấu chỉ của nền văn minh một thời. Không còn chiếc đầu máy, toa xe hiện đại, những thanh ray trên tuyến đường sắt cũng trở nên im lìm. Và rồi, người dân Campuchia khuấy tưng cái bầu không khí u sầu đó bằng việc chế ra những toa tàu khác gần gũi với nhu cầu đi lại của họ hơn. 

Họ chặt tre trên rừng, dựng thành một cái sạp tre có chiều dài tầm 3m, đặt trên bốn cái bánh bằng sắt, rồi gắn thêm một động cơ công nông loại nhỏ, vậy là đã có ngay một toa tàu thô mộc như chính tâm hồn của họ vậy.

Hệ thống hoạt động trực tiếp bằng dây cu-roa, khi muốn lùi lại, họ chỉ cần dỡ máy chuyển về phía đối diện. Một toa tàu như thế có thể cõng trên mình nó khoảng 10 người lớn, với vận tốc tối đa có khi lên đến 50 km/giờ. Người nước ngoài gọi vui chiếc tàu lửa tự chế này là bamboo train, hay tàu tre, còn dân địa phương thì quen gọi nó là Norri. 

Nguyên lý hoạt động cũng như nguyên liệu làm ra một chiếc Norri khá thô sơ, và có vẻ như sự an toàn của du khách vẫn không được đảm bảo khi di chuyển tốc độ cao với một tấm ván bằng tre chẳng khác thời nguyên thủy là mấy. Thậm chí khi hai chiếc tàu tre chạm mặt nhau trên cùng một đường ray, thì chiếc tàu nào có ít hành khách hơn sẽ được kéo ra khỏi ray, nhường đường cho chiếc còn lại đi qua, rồi sau đó lại... lắp vào ray chạy tiếp.

Sau một thời gian dài sử dụng hiệu quả phương tiện này, người dân Campuchia đã khiến du khách tin rằng họ đang làm đúng. Thậm chí Norri còn được đánh giá là an toàn hơn taxi hay xe ôm, vì trong trường hợp khẩn cấp bạn có thể lập tức nhảy ra khỏi tàu. Và nếu thích, bạn còn có thể nằm dài trên tàu, nghe gió thổi vù vù qua tai, ngắm những cánh đồng, đồi núi chạy thụt lùi sau lưng mình. 

Đôi khi những ý tưởng giản dị lại là khởi đầu của những điều phi thường. Nhưng những người dân chất phác ở xứ sở ấy cũng chẳng biết phi thường là gì đâu. Họ chỉ biết rằng, những chiếc Norri giúp họ giải quyết phần lớn khó khăn trong việc đi lại, mang đến cho họ những lợi nhuận khó tin từ công việc lái tàu, cải thiện cuộc sống cơ cực trước đó.

Và chắc chắn, họ chẳng thể nào tin được, những “chuyến tàu” độc nhất vô nhị được làm ra từ bàn tay và khối óc của chính mình đã góp phần khiến ngành du lịch xứ sở Chùa Tháp thêm khởi sắc, khi ngày càng nhiều du khách muốn đến đây để trải nghiệm một hành trình đầy nắng và gió trên chuyến tàu hiền lành này. 

 Hồng Hạnh

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI