Chuyến tàu cuối năm

08/01/2016 - 09:37

PNO - Tàu ơi, đừng chạy về nơi quên lãng, xin hãy mãi mãi đồng hành với con người trong những chuyến đi về, hôm nay và ngày sau…

Hàng bánh sắt chạy trên hai thanh ray hắt tiếng động ầm ầm, rầm rập đặc trưng của những chuyến tàu, lạ thay, thường gợi lên tâm tình lãng mạn trong văn chương, âm nhạc. “Ngành đường sắt” là một cái tên rất trung dung, không cảm xúc, nhưng những chuyến tàu thì thường nặng trĩu tâm tư.

Trong phát biểu mới nhất của một lãnh đạo ngành này - ông Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có một câu đầy tâm tư, không giống những báo cáo rút kinh nghiệm dịp cuối năm thông thường. Ông nói “vì đường sắt không chung thủy…”.

Vì sao đến một ngày ngành đường sắt phải ngậm ngùi thừa nhận sự “không chung thủy” của mình? Là bởi, những chuyến tàu chạy trên con đường ấy đã thưa, tàu đã có những toa rỗng, những nhà ga thiếu người lên xuống, những kho bãi, toa hàng đìu hiu…

Chuyen tau cuoi nam
Ảnh minh họa: Internet

Ngoài việc toát lên không khí buồn bã, quạnh quẽ, nó còn bày ra một thực tế: thua lỗ, mất khách, doanh thu èo uột và uy tín giảm sút trầm trọng. Nhiều năm rồi, khách đi tàu ngán ngẩm nghĩ tới cảnh chầu chực, giang hồ con phe đeo đuổi gạ mua bán vé tại ga, cảnh chen lấn kinh hoàng lên tàu, cảnh bẩn thỉu nhếch nhác trên toa mà người đi tàu phải bấm bụng chịu đựng.

Dần dần, khi có điều kiện và thời gian để chọn lựa, hà nh khách tìm đến những phương tiện khác. Những đơn vị muốn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cũng nản lòng sau vài lần lỡ chuyến, đội giá, chi phí tiêu cực, những chuyến tàu hàng cũng thưa thớt theo.

Ngành đường sắt chìm dần trong sự cồng kềnh của mình. Trên con đường sắt truyền thống khó có thể đổi thay, chiếc đầu máy vẫn kéo theo những toa xe chạy ầm ầm. Nhưng nỗi buồn rỗng ở trong lòng, chỉ những người trên chuyến xe ấy mới biết.

Nghe nói, năm 2015, ngành đường sắt đã có những nỗ lực đổi mới để tự cứu lấy mình. Từ cổ phần hóa doanh nghiệp, xã hội hóa một số hạng mục, đến nâng cấp nhà ga, nâng cao chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh việc chăm sóc khách hàng, bán vé điện tử… Nhiều lắm, nhưng vẫn còn và cũng nhiều không kém là những lời than thở, ca thán về chuyện đi tàu, nhất là dịp cuối năm. Nhìn lại những cố gắng của ngành trong năm qua, “Bộ Giao thông tự hào về Đường sắt” (lời Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).

Nhưng để tấm lòng người đi tàu trở lại yêu mến, gắn bó với đường sắt như ngày xưa, hẳn không phải dễ. Những toa tàu hàng đã có thể tốt hơn, doanh nghiệp dùng dịch vụ vận tải đường sắt đã có thể thấy sự cải thiện về mặt giá cả, kho bãi, vận chuyển.

Nhưng hàng hóa không biết nói, cái có thể “nói”, có thể được nhìn được nghe được thấy, là từ những con người trên những chuyến tàu kia. Người ta mong có thể mua được vé tàu về quê với giá cả hợp lý, mong chuyến tàu tết Bính Thân này sạch đẹp hơn, văn minh hơn, an toàn hơn.

Người đứng đầu ngành đường sắt cho biết sẽ “tổ chức các đoàn đến gặp từng khách hàng, nghe họ nói những gì đường sắt làm chưa đúng, tổ chức hội nghị khách hàng để xin lỗi khách hàng vì đường sắt không chung thủy, vì để “con cháu” quấy nhiễu, và xin sửa ngay những lỗi đó”.

Từ những gì nghe được, hy vọng sân ga những ngày cuối năm này cũng sẽ bớt xô bồ, bớt nhũng nhiễu hơn, để dành chỗ cho những hành khách đã trông mong chuyến tàu về quê như phương tiện thuận tiện nhất, rẻ nhất, an toàn nhất.

Bởi đường sắt vẫn là người bạn thân thiết của những cuộc đời nghèo, từ chốn làng quê lên nơi phố thị. Không quá sang trọng, chặt chẽ và chỉ tập trung nơi đô thị lớn như ngành hàng không; không chập chờn, phập phù giá vé như những chuyến xe tốc hành Nam - Bắc, chuyến tàu là nơi gửi gắm cả tâm tư, cả hành trang lỉnh kỉnh những lúc người ta thu gom thành quả của cả năm trời làm việc để về quê, hay khi quyết định một cuộc thiên di đổi đời từ quê lên phố.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI