Chuyện Sài Gòn từ những chú chim non gặp nạn

31/12/2018 - 11:30

PNO - Ở Sài Gòn, có một người chuyên nhận nuôi những con chim non gặp nạn, huấn luyện cho chim tự săn mồi rồi thả chúng về với tự nhiên.

Anh cũng là tay mê chụp ảnh chim với hàng ngàn bức ảnh giàu tính nghệ thuật và nhân văn: cảnh cả nhà chim quây quần bên chiếc tổ trong gốc cây cổ thụ còn sót lại ở Sài Gòn, cảnh một con chim thoát bẫy bị cụt chân, cảnh chim mẹ tận tụy tha mồi nuôi chim con khôn lớn. Các bức ảnh và tình yêu chim của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người; họ lập thành nhóm chuyên săn ảnh chim trời ở thành phố khô khốc bê tông, người xe tấp nập.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan
 

"Bà đỡ" của chim

Ngày cuối năm, nhóm công nhân thoát nước đang tranh thủ nạo vét nốt những mảng bùn còn sót lại trong miệng cống ở góc đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) thì bất chợt khựng lại. Một con chim non không biết từ đâu rơi xuống chỗ họ làm. Người công nhân lớn tuổi cúi xuống nhặt con chim nhỏ bỏ lên lòng bàn tay, anh công nhân trẻ tuổi kế bên cũng dừng tay, chống xẻng, đứng nhìn, đầy âu yếm.

Một con chim non lông mới lú ra, lại rơi từ trên cao xuống, liệu có thể nuôi sống không? Tự dưng tôi thấy lo, bèn gọi điện hẹn gặp anh Trịnh Minh Nhựt - nhà ở đường Lê Văn Khương, Q.12, TP.HCM, thường được những người mê chụp ảnh chim trời ở TP.HCM gọi là “bà đỡ của chim”, “người hùng cứu chim”. Chỉ cần nhìn qua bức ảnh, anh Nhựt nói đó là chim cu và có thể sống được nếu người nuôi thật sự yêu quý nó. Rồi anh lấy chiếc iPad lục tìm một lúc, đưa cho tôi xem những bức ảnh chụp cặp chim sẻ lúc mới sinh còn đỏ hỏn đến lúc mọc lông, sắp trưởng thành, nói tiếp: “Mình từng nuôi sống chim non cỡ này nè”.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan

Công nhân thoát nước nhặt được con chim non trên đường phố Sài Gòn vào ngày cận tết dương lịch - Ảnh: Trung Thanh

Anh Nhựt kể, mấy năm trước, một hôm đi làm về, thấy tổ chim trên cây trụ điện trước nhà rớt xuống đường, trong tổ có hai con chim đỏ hỏn, anh nhặt vào chăm sóc: “Lúc đầu, mình cũng canh chừng xem chim mẹ có quay lại tìm con không, nhưng không thấy nên quyết định nuôi luôn. Sau một thời gian chăm sóc, chim trưởng thành, mình thả về tự nhiên”. Anh lại lục trong iPad, đưa tôi xem bức hình ba con diều trắng lớn như đang chơi đùa với một phụ nữ, giải thích: “Mấy con chim này được mình cứu sống, đang chơi đùa với bà xã mình. Lúc chim lớn, sắp thả ra, bả quyến luyến nó lắm”.

Anh Nhựt cho biết, ba con diều trắng cũng được anh nuôi từ lúc còn đỏ hỏn, mất hơn hai tháng mới biết bay. Anh nhớ lại: “Người ta đốn tràm ở xã Bình Mỹ, H.Củ Chi thì thấy có tổ chim rớt xuống, chim chưa mọc lông nên không biết chim gì. Họ gọi cho mình vì mình hay chụp ảnh ở khu vực đó và có cho số điện thoại. Khi mang tổ chim về nhà, mình cũng hơi lo vì chưa hiểu biết về loài chim to này, nhưng vợ chồng tập trung chăm sóc, chim cũng lớn nhanh. Khó nhất là lúc nó sắp trưởng thành, do là loài săn mồi nên mình phải tập cho nó ăn như cách bản năng. Khi thấy khả năng săn mồi của nó thành thục, mình mới thả về tự nhiên”.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan
Ảnh: Trung Thanh

Nuôi sống được cả diều trắng lúc còn đỏ hỏn không phải là kỳ tích của anh Trịnh Minh Nhựt, vì anh đã từng ấp được trứng chim bói cá cho nở, nuôi đến lúc lớn để thả về tự nhiên. Cách đây hai năm, một người lái xe ủi đất ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai ủi trúng một tổ chim bốn trứng, không rõ chim gì. Khi nhận được tin báo, anh Nhựt tức tốc xuống ngay và mang ổ trứng về.

Nhà sẵn có bình gỗ lớn, anh Nhựt dùng nó để ấp trứng. “Mình tìm hiểu thông tin, biết được trứng chim thích hợp với nhiệt độ từ 36 - 380C nên gắn một cái bóng đèn nhỏ gần chỗ ấp để giữ nhiệt. Có đêm, vợ chồng mình thức đến 5 lần để trở trứng cho ấm đều. Ấp đúng 16 ngày, chim mới nở. Rồi nuôi tiếp hơn cả tháng, tập cho nó ăn, săn mồi thành thục rồi mới thả ra. Nói thật là do vợ chồng mình chưa có con nên cũng xem tụi nó như con, mới làm được những chuyện như vậy. Vợ chồng mình đặt tên lũ chim là Nhóc. Lúc mang ra ruộng thả, nghe gọi Nhóc, Nhóc, bà xã mình cứ rơm rớm nước mắt”.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan

Cảnh ở Sài Gòn mà cứ ngỡ như ở Tràm Chim - Ảnh: Trịnh Minh Nhựt

Thành phố sau cánh chim trời

Dù từng cứu sống nhiều con chim non trong tình cảnh éo le nhưng anh Trịnh Minh Nhựt thật sự không thích nuôi chim. Anh nói, chuyện mình làm là bất đắc dĩ, nhằm cứu chim chứ không phải muốn sở hữu chúng. “Con người ai cũng muốn tự do, muốn đi đây đi đó, sao bắt con chim phải ở một chỗ trong lồng? Chim trời phải được tự do bay lượn. Đó mới là cuộc sống của nó” - anh bày tỏ.

Làm nghề sửa ô tô nhưng hơn 30 năm qua, anh Nhựt dành rất nhiều thời gian để săn ảnh chim ở TP.HCM và đã chụp được hàng ngàn bức ảnh đẹp. Nhờ những bức hình của anh mà tôi mới biết, phía sau những khu phố tấp nập trên đường Lê Văn Khương (đoạn thuộc H.Hóc Môn) cũng có một cánh đồng cò bay về nườm nượp chẳng khác nào ở Tràm Chim (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); hay ở H.Nhà Bè, H.Cần Giờ cũng có những con chim rồng rộc vàng, chim gõ kiến, chim ốc mít… có màu sắc tuyệt đẹp.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan
 

Không phải là dân chụp ảnh chuyên nghiệp nhưng mỗi bức ảnh chụp chim của anh Nhựt thường gắn với một câu chuyện thú vị. Đó là cảnh đẹp hoang sơ, yên bình giữa chốn thị thành tấp nập, là cảnh cả nhà chim quây quần bên chiếc tổ trong gốc cổ thụ còn sót lại ở Sài Gòn, là một con chim thoát bẫy bị cụt chân, là cảnh chim mẹ tận tụy tha mồi nuôi chim con khôn lớn… Từ chỗ ngưỡng mộ các bức ảnh chim và tình yêu chim của anh Nhựt, nhiều dân tay ngang ở Sài Gòn cũng mày mò đi chụp ảnh và trở thành những tay săn ảnh chim cự phách. Dần dần, họ thành lập một nhóm, có hàng chục thành viên tham gia.

Mê chụp ảnh chim trời đến nỗi lặn lội sang Mỹ chụp đại bàng, sang châu Âu chụp chim ruồi hút mật, nhưng anh Tiếng Hồ (nhà ở Q.1, TP.HCM) vẫn dành sự yêu thích đặc biệt đối với những bức ảnh chụp ở Sài Gòn. Anh tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng không rành địa bàn bằng anh Nhựt. Cũng nhờ anh Nhựt mà mình mới biết thành phố này còn những nơi đẹp hoang sơ, có nhiều loài chim trú ngụ. Mình đi nhiều nơi để chụp chim nhưng vẫn thích chụp ảnh ở Sài Gòn vì đây là nơi mình sinh sống, gắn với nhiều kỷ niệm. Chỉ tiếc là thành phố quy hoạch, phát triển đô thị chưa tốt, cảnh quan tự nhiên mất đi nhiều, chim quý cũng ngày càng hiếm gặp”.

Chuyen Sai Gon tu nhung chu chim non gap nan

Mới đây, chim thiên đường xuất hiện làm cả Sài Gòn xôn xao - Ảnh: Tiếng Hồ

Với những người mới đam mê chụp ảnh chim trời, sự xuất hiện của chim thiên đường, chim hồng hoàng tuyệt đẹp thời gian gần đây ở khu vực nội thành TP.HCM là một tín hiệu vui. Nhưng lớn lên ở TP.HCM từ nhỏ, anh Nhựt lại cảm thấy bùi ngùi: “Chim thiên đường, hồng hoàng đã từng hiện diện ở Sài Gòn từ nhiều năm trước. Theo mình biết, từng có hai con chim hồng hoàng làm tổ trong hốc cây cổ thụ ở gần công viên Tao Đàn. Loài chim này chỉ làm tổ ở những tán cây rất cao. Vì thế, khi những hàng cây cổ thụ như ở đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đình Chiểu không còn thì nhiều khả năng chim sẽ bay đi nơi khác. Chim thiên đường cũng vậy, phải có quang cảnh hoang sơ, nó mới ở. Thành phố mà mất dần mảng xanh thì chim đẹp cũng sẽ ít dần”.

Chơi chung với nhóm chụp ảnh chim trời, kiến trúc sư Quang Thanh (đang làm việc cho một công ty nước ngoài) cũng cùng quan điểm: “Phát triển đô thị làm mất dần cảnh quan tự nhiên là điều tất yếu, nhưng thành phố cũng cần có quy hoạch hợp lý để tạo ra mảng xanh tương xứng, hài hòa. Như hiện nay, ở khu vực Phú Mỹ Hưng, do có nhiều mảng xanh nên rất nhiều loài chim về đây sinh sống. Người dân ở đó rất văn minh, họ không đánh bắt, xua đuổi nên chim tụ về cũng tự nhiên. Thành phố rất cần những không gian như thế”. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI