Chuyện Sài Gòn: Cây xanh thì thiếu, chiếu sáng thì lỗi

14/08/2019 - 09:04

PNO - Ở TP.HCM, có huyện đất đai bao la nhưng không có cái công viên nào. Cũng ở TP.HCM, hệ thống chiếu sáng rất phập phù, đèn quảng cáo thì mạnh ai nấy bật, nhức cả mắt.

Sáng nay (14/8), UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025”. Tại TP.HCM, đang có tình trạng cây xanh thì thiếu, chiếu sáng thì lỗi. 

Chỉ mới phủ xanh 4,3% diện tích 

Mỗi cuối tuần, từ huyện Hóc Môn, anh Nguyễn Hữu Phong phải chở cậu con trai 10 tuổi đến công viên Lê Thị Riêng ở quận 10 để bé được tự do khám phá.

Anh Phong nói: “Con tôi rất hiếu động, thích khám phá thiên nhiên, nhưng Hóc Môn chẳng có cái công viên nào. Công viên Hoàng Văn Thụ ở quận Tân Bình gần nhà hơn thì con lại không thích, do có nhiều con đường chạy xen vô, xe cộ rất ồn ào”.

Theo anh Phong, mỗi lần chở con vào công viên cũng là dịp để anh được hòa vào thiên nhiên sau một tuần bận rộn. 

Thiếu chỗ chơi, thiếu không gian hít thở cho trẻ con, người lớn là chuyện không lạ với người Sài Gòn. Với cư dân đô thị nhộn nhịp này, nhu cầu về không gian cây xanh luôn bức thiết, để cân bằng cuộc sống và kết nối cộng đồng.

Chuyen Sai Gon: Cay xanh thi thieu, chieu sang thi loi
Cây xanh ở trung tâm thành phố ngày càng èo uột

Theo các chuyên gia, trong bán kính 200m của một cụm dân cư, lẽ ra  phải có một công viên phục vụ cộng đồng; trong một khu đô thị, lẽ ra phải có nhiều công viên đa chức năng với quy mô tương xứng, phục vụ nhu cầu đa dạng theo nhiều độ tuổi cư dân. Thế nhưng, tại TP.HCM, chỉ có lác đác vài công viên như 30/4, 23/9, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng… 

Những công viên này hiện đã xuống cấp, không có nhiều khu vực vui chơi, giải trí nên người dân có đến cũng chỉ hít thở rồi về. 

Là một thực thể không thể thiếu trong đời sống đô thị, nhưng diện tích công viên cây xanh hiện hữu của TP.HCM chỉ chiếm 4,3% so với yêu cầu quy hoạch. 

Cụ thể, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn thành phố là 11.418,47ha, tương ứng chỉ tiêu 7m2/người, theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thế nhưng hiện nay, tổng diện tích công viên tại TP.HCM chỉ 491,16ha, tương ứng tỷ lệ 0,49m2/người. 

Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, trong 7 năm từ 2012-2018, diện tích công viên công cộng đã tăng 10,78ha, tức trung bình tăng 1,54ha/năm nhưng với tốc độ này, TP.HCM sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng hơn 10.000ha đất công viên còn lại, theo quy hoạch. 

Chuyen Sai Gon: Cay xanh thi thieu, chieu sang thi loi
Hệ thống chiếu sáng công cộng ở TP.HCM hiện vẫn theo kiểu "đèn nhà ai nấy rạng"

Tổng diện tích công viên hiện hữu đã quá khiêm tốn, sự phân bổ công viên công cộng của thành phố lại còn bất hợp lý. 

Người dân ở các quận ven, huyện ngoại thành không có công viên để chơi. Muốn đến công viên, họ chỉ có cách đi vào trung tâm thành phố. Trong khi đó, những địa phương này lại có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn. 

Như quận 9 có quỹ đất quy hoạch công viên công cộng là 1.346,48ha nhưng hiện chỉ mới 118,07ha được phủ xanh; huyện Củ Chi quy hoạch 2.869,75ha nhưng hiện chỉ 4,23ha đất được phủ xanh. Tệ nhất, huyện Hóc Môn quy hoạch 863,82ha đất cho công viên nhưng hiện diện tích được phủ xanh là… 0ha. 

Chiếu sáng kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”

Nếu công viên cây xanh bất cập cả chất lượng lẫn số lượng thì hệ thống chiếu sáng của TP.HCM cũng đang khiến người dân ngao ngán. 

Tại nhiều con hẻm, xóm trọ, do lưới điện không tới nên người dân phải tự đấu nối đường điện.

Do lắp tự phát nên người dân đã dùng đủ loại đèn kể cả những loại không phù hợp để chiếu sáng đường phố, tắt mở thủ công và không đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến nhiều khó khăn về giao thông, đường dây chằng chịt tạo sự nguy hiểm. 

Chuyen Sai Gon: Cay xanh thi thieu, chieu sang thi loi
Bê tông hóa làm cây ngay cũng chết đứng

Theo ông Huỳnh Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM - tháng 8/2009, xảy ra sự cố rò rỉ điện tại vị trí cột đèn trên đường Trần Hưng Đạo khiến một học sinh tử vong. 

Sau sự cố này, công ty đã rà soát, tổ chức đồng loạt các giải pháp an toàn về điện, nhưng các điểm mất an toàn vẫn phát sinh. 

“Hiện ở TP.HCM, có nhiều dự án được xây dựng, bán cho người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh. Một số trường hợp chủ đầu tư cố tình không đền bù, giải tỏa phần đất xây dựng công viên hoặc điều chỉnh đất công viên cây xanh thành loại đất khác”.

Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Tính đến tháng 6/2019, TP.HCM tồn tại khoảng 1.099 vị trí vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, các thiết bị bảo vệ không tin cậy do không có chế độ kiểm định sau khi đưa vào vận hành. 

“Trong những năm qua, dù áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến và liên tục đổi mới trong ngành chiếu sáng nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã lập tức lỗi thời” - ông Dũng thừa nhận. 

Đơn cử, năm 2008, TP.HCM áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh đầu tiên của cả nước. 

Đây là dự án do chính phủ Pháp tài trợ, gồm xây dựng một trung tâm điều khiển, trang bị thiết bị và phần mềm chuyên dụng cho trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng, kết nối được 110.000 điểm sáng. 

Thế nhưng, qua hơn 4 năm sử dụng, đã xuất hiện nhiều lỗi gây mất kết nối giữa trung tâm điều khiển với thiết bị ngoại vi. 

Ông Dũng khẳng định: “Có những sản phẩm công nghệ mới, công nghệ hiện đại được áp dụng, nhưng gần như ngay lập tức bị lỗi thời, không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế”. 

Với nguồn vốn được giao, ông Dũng cho rằng, chỉ đủ để triển khai theo hình thức tận dụng tối đa hệ thống sẵn có, hư đâu sửa đó, dẫn đến nhiều nguy cơ về an toàn điện, về tính vận hành ổn định, liên tục của hệ thống…

Chuyen Sai Gon: Cay xanh thi thieu, chieu sang thi loi
Biểu đồ sự cố cây ngã, gãy

Trong các bất cập của ngành chiếu sáng, có sự chỏi nhau giữa ngành điện lực, viễn thông. 

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống chiếu sáng công cộng phải được lắp đặt chung, đi chung với các hệ thống điện lực, viễn thông, thông tin, nhưng trên thực tế, hệ thống chiếu sáng công cộng vẫn còn lạc hậu, chưa được ngầm hóa cùng lúc với các hệ thống kia. 

Theo các chuyên gia, trong việc quy hoạch chiếu sáng của TP.HCM, bên cạnh đáp ứng nhu cầu dân sinh, còn phải tính đến ý tưởng phát triển các sản phẩm du lịch về đêm nhằm biến thành phố trở thành “thành phố không ngủ”. 

Do đó, chiếu sáng nghệ thuật giữ một vai trò quan trọng. Nhưng hiện tại, các hệ thống chiếu sáng này đang “đèn nhà ai nấy rạng”. 

Anh Trần Đức Tài - một người dân sống ở Q.1 - ngao ngán: “Các tòa cao ốc, biển quảng cáo mỗi nơi “rực rỡ” một kiểu. Đêm nào, hễ thành phố lên đèn là tôi mệt mỏi bởi bị chói đủ màu, rất khó chịu. Thậm chí, tôi còn chứng kiến nhiều người đi đường bị lóa mắt do ánh sáng rọi trực tiếp nên chạy xe cứ như người say rượu, rất nguy hiểm”. 

“Cần có sự đánh giá một cách tổng hợp và toàn diện về thực trạng chiếu sáng các đô thị (nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, điện dùng cho chiếu sáng, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng...) và thực trạng năng lực sản xuất, năng lực thiết kế, xây lắp để từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, định hướng nhiệm vụ và có kế hoạch đầu tư xây dựng. 

Tuy đã có một số tiêu chuẩn về chiếu sáng bằng đèn LED, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm chiếu sáng LED để đưa sản phẩm này vào quản lý. Định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức dự toán chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế và chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học, công nghệ”. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI