Chuyện "quái quỷ": Chứng nhận "ruồi an toàn" tại Nhà hát lớn Hà Nội

08/06/2016 - 14:22

PNO - Nếu chẳng may vì tin cậy VINAFOSA, người tiêu dùng gặp phải vấn đề sức khỏe sau khi sử dụng các sản phẩm được chứng nhận thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tối 3/6/2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (VINAFOSA) phối hợp với Viện Thực phẩm & dinh dưỡng gia đình, Hội Nữ trí thức Hà Nội và Công ty CP Tư vấn phát triển thương hiệu & Truyền thông Việt Nam tổ chức lễ công bố thương hiệu thực phẩm an toàn, tin dùng 2016 (Vietnam Good Food). Như được giới thiệu, đây là chương trình nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và “cung cấp thông tin thực phẩm an toàn tới đông đảo người tiêu dùng” (trích phát biểu của GS-TS Lê Thị Kim, Chủ tịch VINAFOSA).

Trong bối cảnh tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, gây lo ngại trong cộng đồng thì một chương trình tôn vinh doanh nghiệp chất lượng, có sản phẩm an toàn lẽ ra sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Thế nhưng lạ thay, khi biết kết quả của chương trình, rất nhiều người bàng hoàng, bày tỏ cảm xúc không thể tin nổi. Lý do: trong danh sách các sản phẩm được công bố là an toàn và tin dùng ấy xuất hiện hai sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (nay là Number One) - doanh nghiệp “nổi tiếng nhất Việt Nam” năm 2015 với “vụ án con ruồi trong chai Number One” mà những tranh cãi còn kéo dài đến nay.

Chuyen
Nhà tài trợ Tân Hiệp Phát - Number One nhận giấy chứng nhận thương hiệu an toàn, tin dùng cho sản phẩm của mình (Ảnh chụp màn hình)

VINAFOSA đã căn cứ vào tiêu chuẩn nào, đã kiểm định ra sao để công bố sản phẩm của các doanh nghiệp kia là an toàn và được tin dùng? Theo lời giới thiệu của MC trong lễ công bố và phát biểu của bà Kim thì đây là chương trình “khảo sát và truyền thông”; theo đó VINAFOSA đã khảo sát trên 5.215 người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng với 1.399 thương hiệu của 315 doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí: dễ nhận biết, chất lượng tốt, dễ mua, dịch vụ tốt.

Xin tạm không bàn đến việc liệu 5.215 người tiêu dùng đó có đủ để đại diện cho sự tin dùng của hơn 90 triệu dân Việt Nam hay không, nhất là khi họ phải đánh giá đến tận 1.399 thương hiệu; điều có thể nhìn thấy ngay là đã không có kiểm nghiệm khoa học nào được thực hiện trên các sản phẩm. Điều lạ hơn nữa là, như lời bà Kim, thì VINAFOSA đã xem xét 250 hồ sơ của 315 doanh nghiệp để chọn ra 132 thương hiệu và công bố đó là những thương hiệu thực phẩm an toàn, được tin dùng. Việc xem xét hồ sơ này thuần túy dựa trên các loại giấy tờ của doanh nghiệp...

Xem lại hình ảnh, video về lễ công bố, các chuyên gia tổ chức sự kiện không khó nhận ra điểm “tế nhị”: Tân Hiệp Phát là một trong ba doanh nghiệp tài trợ chính cho chương trình. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao trong phóng sự về an toàn thực phẩm phát tại chương trình, hình ảnh các thương hiệu của Tân Hiệp Phát - Number One được tô đậm, thậm chí còn trích cả quảng cáo của doanh nghiệp này.

Ngay sau chương trình, thông tin đăng tải trên một số báo đều có nội dung từa tựa nhau với những từ ngữ thuộc nhóm PR cho doanh nghiệp và đều... viết sai tên đơn vị công bố kết quả là Viện Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam. Phải chăng cái tên có chữ “Viện khoa học” sẽ giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm như cách bà chủ tịch VINAFOSA nói là để gia tăng uy tín cho doanh nghiệp?

Với tấm giấy chứng nhận của VINAFOSA, bao nhiêu người sẽ tiếp tục tin tưởng vào độ an toàn và chọn tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp mà họ biết là từng bị phát hiện nhiều dị vật trong sản phẩm? Nếu (mong rằng đây chỉ là giả thiết) chẳng may vì tin cậy VINAFOSA, người tiêu dùng gặp phải vấn đề sức khỏe sau khi sử dụng các sản phẩm được chứng nhận thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI