Chuyện phía sau những nữ chiến binh Ukraine mang giày cao gót khi duyệt binh

10/07/2021 - 16:06

PNO - Việc Ukraine ra lệnh cho các nữ binh sĩ đi giày cao gót diễu hành đã gây ra sự phản đối kịch liệt nhưng nguyên nhân là nó có nguồn gốc quân sự có thể bắt nguồn từ thế kỷ X.

 

Các nữ học viên Ukraine đi giày cao gót tham gia diễn tập duyệt binh ở Kyiv tuần trước - Ảnh: AFP/Cục báo chí Bộ Quốc phòng Ukraine
Các nữ học viên Ukraine đi giày cao gót tham gia diễn tập duyệt binh ở Kyiv - Ảnh: AFP

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố những bức ảnh cho thấy, các nữ học viên sĩ quan trong trang phục quần rằn ri và giày cao gót màu đen diễn tập để tham gia lễ duyệt binh mừng ngày Quốc khánh 24/8 sắp tới.

Những bức ảnh đã gây ra sự phẫn nộ và chế nhạo không chỉ ở Ukraine mà trên toàn thế giới. Inna Sovsun, một thành viên của đảng Golos, cho biết trong một bài tường thuật của hãng tin AFP: “Thật khó để tưởng tượng một ý tưởng ngu ngốc và có hại". Olena Kondratyuk, Phó phát ngôn viên của cơ quan lập pháp Ukraine, đã kêu gọi một cuộc điều tra và nói rằng các nhà chức trách nên công khai xin lỗi vì đã "làm nhục" phụ nữ.

Trước làn sóng chỉ trích, Bộ Quốc phòng không đáp lại nhưng trong một tuyên bố được đăng trên Facebook đầu tháng 7, bộ này cho biết giày cao gót là một phần của quy định về quân phục được áp dụng từ năm 2017. Bài viết cũng đăng hình ảnh phụ nữ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đi giày cao gót trong các sự kiện quân sự.

Mới đây, nhiều tư liệu cũng cho rằng, việc cho nữ binh lính mang giày cao gót duyệt binh của Ukraine có nguồn gốc quân sự, có thể bắt nguồn từ thế kỷ X.

Lịch sử lặp lại?

Giày cao gót trong quân đội có thể bắt nguồn từ Iran vào thế kỷ thứ X, khi những người lính mang chúng để giúp giữ chân của họ trong kiềng vững vàng hơn khi đang cưỡi ngựa và đứng lên bắn cung với tốc độ nhanh.

Ngoài ra, nhiều tư liệu cho thấy, khi giành được danh hiệu Louis Đại đế,  vua Louis XIV của Pháp cũng đã từng mang những đôi giày có đế khá cao. Nguyên nhân được cho là vị vua này không có tầm vóc cao lớn (ông chỉ cao 1,63 mét), chính vì thế, đôi giày cao gót sẽ mang lại cho ông vẻ ngoài tinh tấn hơn - càng cao, càng mạnh mẽ hơn.

Các bức chân dung của Louis XIV của Pháp, người lên ngôi năm 1643 và trị vì trong 72 năm 110 ngày, cho thấy rằng ông cũng là một phần của một đôi giày đế khá cao.
Các bức chân dung của Louis XIV của Pháp, người lên ngôi năm 1643 và trị vì trong 72 năm 110 ngày, cho thấy rằng ông cũng mang một đôi giày đế khá cao.

Đỉnh cao của quyền lực

Không chỉ mang vẻ đẹp uyền chuyển, giày cao gót còn mang biểu tượng của quyền lực. Những năm 1980, có thể cho rằng bộ sưu tập giày nổi tiếng nhất thế giới là của bà Imelda Marcos, cựu đệ nhất phu nhân Philippines.

Năm 1986, khi ông Ferdinand Marcos bị hạ bệ, lúc những người biểu tình xông vào Cung điện Malacanang, dinh thự của tổng thống ở thủ đô Manila, gần 3.000 đôi giày - chủ yếu là giày cao gót được thiết kế riêng đã được phát hiện trong tủ quần áo rộng lớn của bà Imelda.

Ngày nay, hàng trăm chiếc đang được trưng bày tại Bảo tàng giày ở thành phố Marikina, bao gồm cả đôi yêu thích của bà Imelda là những chiếc giày màu đen được đính đá lấp lánh hoặc kết bằng vàng do thợ đóng giày người Ý Beltrami làm riêng cho bà.

Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos xem bộ sưu tập giày của mình tại Bảo tàng giày Marikina. Ảnh: AFP
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos xem bộ sưu tập giày của mình tại Bảo tàng giày Marikina. Ảnh: AFP

Không chỉ là biểu tượng thời trang

Năm 2001, một chiến dịch mang tên Walk a Mile in Her Shoes đã được tổ chức trên khắp thế giới để nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục. Chiến dịch này yêu cầu đàn ông đi giày của phụ nữ theo đúng nghĩa đen là những đôi giày cao gót - như một cách để đối đầu với định kiến ​​giới.

Chiến dịch Walk a Mile in Her Shoes yêu cầu nam giới đặt mình vào vị trí của phụ nữ theo đúng nghĩa đen như một cách để đối đầu với định kiến ​​giới. Ảnh: EPA
Chiến dịch Walk a Mile in Her Shoes yêu cầu nam giới đặt mình vào vị trí của phụ nữ theo đúng nghĩa đen như một cách để đối đầu với định kiến ​​giới. Ảnh: EPA

Mặc dù các tạp chí thời trang luôn cho rằng ngày càng có nhiều phụ nữ thích đi giày cao gót nhưng việc mang giày cao gót ở nơi làm việc là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản.

Năm 2019, Bộ trưởng Y tế và Lao động của đất nước Mặt trời mọc, Takumi Nemoto, cho rằng việc yêu cầu phái nữ mang giày cao gót trên 5cm tại công sở là "cần thiết và thích hợp". Thế nhưng, ý kiến này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ nữ Nhật. Để đáp lại, hàng nghìn người đã tham gia phong trào #KuToo nhằm phản đối lại phong trào này. 

Phong trào #KuToo được bắt nguồn từ Ishikawa Yumi, vốn là một nữ diễn viên, nhà văn tự do và nhân viên phòng tang lễ bán thời gian, khởi xướng vào giữa năm 2019. Khi nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản yêu cầu nhân viên nữ phải đi giày cao gót cao từ 5 đến 7 cm, Ishikawa thấy giày loại này là bất tiện và không thoải mái khi làm việc và phàn nàn trên Twitter về việc mang chúng. Nhận xét của cô đã nhận được gần 30.000 lượt tweet lại và hơn 60.000 lượt thích. Những người phụ nữ khác đã chia sẻ những câu chuyện khó chịu của họ với giày cao gót, đăng những bức ảnh về bàn chân đầy máu và phồng rộp của họ.

Tháng 6/2019, Ishikawa đã tổ chức một sự kiện ở Tokyo, để đàn ông thử giày cao gót và cố gắng đi đứng nhằm minh họa nỗi đau và sự khó chịu của đôi giày gây ra cho nhiều phụ nữ. Phong trào này tạo tiếng vang lớn và kể từ đó, Ishikawa Yumi đã mở rộng phong trào từ giày sang một phạm vi rộng hơn về các vấn đề quyền phụ nữ ở Nhật Bản. Ishikawa thường lên tiếng chống lại sự bất bình đẳng xã hội ở Nhật Bản và mong muốn phụ nữ Nhật không nên im lặng mà hãy lên tiếng chống lại sự bất công này.

Thảo Nguyễn (theo Japan Times, SMCP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI