Chuyện phía sau bức chân dung của Đại tướng

14/10/2013 - 14:01

PNO - PN - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là danh nhân có nhiều ảnh chân dung đẹp, từ lúc còn trẻ đến lúc cao niên. Tuy nhiên, chọn một bức ảnh để làm bìa sách không hề dễ, khi những người làm sách muốn có một hình ảnh Võ Nguyên Giáp thật...

Những ngày hàng người xếp hàng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có những cậu bé và người dân cầm một bức ảnh màu Đại tướng đang cười rất tươi, mái tóc trắng như mây. Đó chính là bức ảnh phụ bản tặng độc giả kèm trong cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm của Trần Thái Bình (Nhà xuất bản Trẻ). Bức ảnh cũng chính là hình bìa cuốn sách, do nhà nhiếp ảnh Catherine Karnow, con gái nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow chụp. Nhà báo sử gia này đã gọi Võ Nguyên Giáp là “ngọn núi lửa phủ tuyết”.

Chuyen phia sau buc chan dung cua Dai tuong

Bức ảnh đến với những người làm sách rất tình cờ. Trước đó, số ảnh tư liệu do gia đình và văn phòng Đại tướng cung cấp có đến hàng trăm tấm, nhưng nhiều tấm đã quá quen, hoặc chất lượng in ấn không đảm bảo. Một hôm, những người làm sách tìm thấy một bức chân dung Đại tướng ở tuổi cao niên, rất phù hợp với tên sách và nhất là chưa xuất hiện ở một cuốn sách nào. Nhưng, nguồn gốc bức ảnh thế nào? Sau khi tìm hiểu thì được biết tác giả ảnh vừa có một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ. Điều tuyệt vời là tác giả đã nhanh chóng đồng ý cho NXB được sử dụng làm bìa sách với phí tác quyền theo mức Việt Nam. Bức ảnh được chọn nằm trong loạt ảnh C. Karnow chụp năm 1994 nhân 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bà nói: “Phu nhân Đại tướng từng nói với tôi bà thích ảnh của tôi về Đại tướng vì tôi thể hiện được một góc rất nhân văn của ông. Thậm chí có lần bà nói hay là tôi giúp bà chụp cho ông một tấm ông mặc quân phục. Ấy vậy mà khi chụp ảnh, Đại tướng lại mỉm cười trước ống kính của tôi. Trông ông thật ấm áp, không giống với những bức chân dung chụp ông trang nghiêm như đang ở trong chiến tranh” (trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ 12/10/2013). Đó chính là bức ảnh mà NXB Trẻ đã chọn làm bìa cuốn sách dày dặn và đầy đủ nhất các sự kiện cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo phong cách biên niên, bên cạnh 101 câu hỏi đáp ngắn gọn theo tiến trình thời gian. Bức ảnh vẫn chụp Đại tướng mặc quân phục, nhưng đầu trần với mái tóc trắng như vầng sáng, đôi mắt cười và đôi môi tươi. Bức ảnh đầy tính hiện đại, nhẹ nhõm và thanh thoát trong góc nhìn của một nhà nhiếp ảnh nước ngoài.

Vẻ hiện đại của bức ảnh đã khiến những người làm sách suy nghĩ: không thể để nội dung vẫn theo cách làm cũ, vẫn khô khan hoặc tràng giang đại hải. Cuốn sách phải trẻ, phải cuốn hút, phải sinh động. Với các tiêu chí đó, NXB đã chấp nhận in lại toàn bộ để đảm bảo mọi chi tiết trong đó là chuẩn xác. Cho đến giờ, đây vẫn là cuốn sách được những người cố vấn nội dung, những người gần gũi với Đại tướng hài lòng nhất.

Chuyen phia sau buc chan dung cua Dai tuong

Thật ra, đây không phải là lần đầu NXB Trẻ bỏ công cho việc thiết kế bìa sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều NXB khác cũng vậy. Cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng của nhà văn Hữu Mai - Không phải huyền thoại, sau lần in đầu tiên ở NXB Quân đội nhân dân, đã được in lại ở NXB Trẻ. Sau khi tham khảo một số sách về danh nhân thế giới, đa phần đều lấy một chân dung đẹp của họ làm bìa, những người làm sách nghĩ nên chọn một tấm ảnh đẹp của Đại tướng.

Tình cờ trong lúc tìm lại bài phỏng vấn Đại tướng vào năm 1998 của nhà báo John F. Kennedy Jr., con trai của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người biên tập nhìn thấy bức ảnh đẹp một cách giản dị được dùng minh họa trong cuốn tạp chí George do Kennedy Jr. làm chủ bút. Bức ảnh chụp Đại tướng đang đứng nói chuyện cùng một số chiến sĩ và sĩ quan vào khoảng những năm 60 - 70, đề nguồn VNA (Thông tấn xã Việt Nam). Nhân vật chính mặc bộ quân phục giản dị, nụ cười hiền hậu, cộng với màu thời gian của tấm ảnh đã khiến những người làm sách nghĩ: đã chọn được chính xác.

Có lẽ bức ảnh bìa đẹp đó đã góp phần giúp cuốn tiểu thuyết được đông đảo độc giả quan tâm, đến giờ đã được tái bản lần thứ sáu, dù khuôn khổ khá đồ sộ và đòi hỏi người đọc phải có kiến thức tương đối về lịch sử, về cuộc chiến đấu những năm tháng đã lùi xa, nhất là khi đối tượng độc giả chính của NXB là thế hệ trẻ.

Làm sách về danh nhân luôn là thách thức. Hình ảnh nào cho bìa sách tương xứng với phẩm cách, vị trí và vai trò của họ là việc đòi hỏi những người làm sách phải đặt ra từ rất sớm. Trong nhiều trường hợp, hình ảnh đó tự thân là một giá trị thúc đẩy nội dung bên trong cũng vận động để đạt tới chất lượng tốt nhất có thể.

 TRƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI