Chuyển phát có phải là công việc “tạm bợ” và chỉ dành cho người trẻ?

12/08/2022 - 08:09

PNO - Bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) và xu hướng mua sắm online gần đây đã khiến chuyển phát hàng hóa trở thành công việc ai cũng có thể tham gia và dễ kiếm tiền. “Dễ đến” và dễ đi”, song trên thực tế, không ít người đã tìm đến nghề, nghiêm túc đầu tư, gắn bó và gặt hái thành công.

Giao nhận hàng hóa trong TMĐT đóng vai trò nòng cốt khi trở thành cầu nối giữa các nhà bán, chủ shop với người mua hàng trong nền kinh tế mở. Không giới hạn tuổi tác, bằng cấp, chủ động thời gian, nhiều người dễ dàng tham gia công việc này và có mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, dễ đến và dễ đi là quan điểm chung của nhiều người khi nghề chuyển phát vẫn còn nhiều nghi ngại khi “không phải là một công việc nghiêm túc”, khó gắn bó lâu dài, thậm chí chưa được coi trọng.

Đến với nghề là điều không khó nhưng gắn bó với nghề để được công nhận nghề nghiệp cần phải có nhiều hơn sự nỗ lực, đó là sự nghiêm túc và đầu tư học hỏi. Qua những chia sẻ của chính những người làm nghề trong cuộc thi “Giao nhận ngàn nụ cười” do J&T Express tổ chức, đã phần nào đưa đến cho xã hội cái nhìn đa chiều hơn về công việc này.

Chỉ có người trẻ mới làm nghề chuyển phát?

Ngành chuyển phát nhanh tại Việt Nam mới chỉ được chú ý nhờ đặc thù theo “xu hướng” và “ứng dụng công nghệ”, nên nhiều người nghĩ công việc này chỉ là “trạm dừng chân” để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác ổn định hơn. Đặc biệt, nó còn bị “gắn mác” chỉ dành cho người trẻ.

Admin bưu cục J&T Express Lê Thị Phương
Admin bưu cục J&T Express Lê Thị Phương

Song, câu chuyện của chị Lê Phương - admin tại bưu cục J&T Express là một trong số minh chứng của việc vượt qua định kiến về nghề nghiệp để khẳng định bản thân.

Chị Phương làm admin bưu cục J&T Express Bắc Ninh khi độ tuổi đã gần tứ tuần. Bước vào một ngành nghề gần như mới hiện nay, cần vận dụng nhiều kỹ năng mềm như chăm sóc khách hàng, kỹ năng thao tác trên hệ thống vận hành, chị Phương gặp không ít khó khăn đã khiến chị từng có ý định nghỉ việc. Nhưng nhờ đồng nghiệp hỗ trợ trong công việc cộng với sự nghiêm túc học hỏi, giờ đây, chị Phương tự tin với các kỹ năng thuần thục sau thời gian dài nỗ lực. Chị còn dự định sẽ tiếp tục gắn bó và nỗ lực trong công việc.

Chú Út có thể chăm lo và trang trải cho cả gia đình nhờ nghề shipper
Chú Út có thể chăm lo và trang trải cho cả gia đình nhờ nghề shipper

Còn với “chú Út”- tên gọi thân mật của Đào Văn Út hiện đang là shipper J&T tại TPHCM. Chú Út từ bỏ công việc cơ khí gắn bó nhiều năm, ổn định khi về hưu chuyển hẳn sang làm shipper. Với thu nhập từ nghề shipper, chú Út có thể chăm lo và trang trải cho cả gia đình. Lạc quan và tràn đầy năng lượng trong công việc theo chú Út là làm nghề nào cũng đáng trân trọng, tuổi tác không phải là vấn đề, chỉ cần mình chăm chỉ, nghiêm túc, sống với nghề không là chuyện khó với.

Trải nghiệm của chị Phương, chú Út là vài “lát cắt” nhỏ trong vô vàn câu chuyện của người làm nghề vận chuyển, giúp tiếp thêm lửa cho không ít người đang hoài nghi về lựa chọn nghề nghiệp, e dè về bản thân để sẵn sàng bước qua vòng an toàn và đạt được mục tiêu cuộc sống.

“Thành công” tìm đến từ những điều giản dị

Với mỗi nghề nghiệp, đích đến thường được tính bằng những thành tựu hay cột mốc to lớn, đáng nhớ. Nhưng sau tay lái của những người làm nghề giao nhận, cách họ thể hiện thành công và lòng tự hào trong nghề nghiệp rất khác.

Chị Phạm T. Hoài Linh - nữ shipper tại bưu cục J&T Express Di Linh chia sẻ: “Đích đến trong công việc là mang đến sự vẹn toàn, nhanh chóng của từng kiện hàng để đổi lại sự hài lòng của khách hàng. Nghề shipper đã giúp tôi có thêm kỹ năng như giao tiếp, biết lắng nghe, lập kế hoạch, quản lý thời gian, xử lý tình huống khó trong công việc”.

Shipper Văn Duy và “niềm tự hào” nhỏ - Ảnh: J&T Express
Shipper Văn Duy và “niềm tự hào” nhỏ - Ảnh: J&T Express

Niềm tự hào của shipper Quách Văn Duy - bưu cục J&T Bắc Ninh lại đến từ việc vinh dự mặc chiếc áo “chiến binh đỏ” của J&T Express đón cậu con trai chào đời. Hồi tưởng lại những ngày cả nước gồng mình chống dịch, shipper là đội ngũ tuyến đầu hàng ngày phải giao nhận hàng hóa, đối mặt với nhiều rủi ro lây bệnh, anh kể có những ngày không về nhà, chỉ sợ mang nguồn bệnh về cho vợ con. Với anh Duy, thành công chính là vượt qua nỗi nhớ nhà, hoàn thành tốt công việc khi giao nhận những kiện hàng tới bà con vùng dịch, khu vực cách ly...

Mỗi công việc đều có những tác động riêng, những giá trị và ý nghĩa nhất định. Xuất phát từ sự nghiêm túc và nỗ lực không nghỉ, đội ngũ shipper và nhân viên giao nhận tuyến đầu luôn mong muốn gửi tới cộng đồng shipper nói riêng và nhiều người lao động nói chung tiếng lòng sẻ chia, trao đi những giá trị tốt đẹp xuất phát từ những công việc mà họ chọn lựa.

Xem thêm những trải nghiệm thú vị về nghề chuyển phát tại đây: https://jtexpress.vn/sinh-nhat-4-nam/

Bích Châu

Nguồn: J&T Express

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI