Chuyện phải chuyện trái

22/07/2016 - 15:38

PNO - Đừng coi như người dân không biết, đừng cố tình bưng tai bịt mắt trước công luận, bởi tiền ấy, tài sản ấy, là tài sản quốc gia, là tiền nhà nước, là tiền nộp thuế của dân.

Hôm qua, một bệnh viện ở Hà Nội đã họp báo để nhận trách nhiệm về vụ phẫu thuật nhầm chân, công khai xin lỗi bệnh nhân (BN), người nhà và mong gia đình thông cảm cho sai sót của bác sĩ (BS) phẫu thuật. Vị BS này chỉ có chút nhầm lẫn đơn giản thôi: nhầm lẫn giữa bên trái và bên phải. BN vốn bị liệt chân trái, nhưng BS mổ nhầm chân phải. Hậu quả là chân phải vốn lành lặn, giờ khả năng vận động không thể như trước.

Vậy là thay vì chỉ hư chân trái, bây giờ chân lành cũng thành chân què. Đó là đôi chân của một lao động chính trong gia đình, con còn nhỏ. Mặc dù lãnh đạo bệnh viện trên cho biết các chi phí hiện tại và sau này liên quan đến BN, bệnh viện sẽ miễn phí hoàn toàn, nhưng sau nhầm lẫn chết người này, liệu BN có còn dám nằm lên bàn mổ cho BS phẫu thuật nữa hay không?

Chuyen phai chuyen trai
Lãnh đạo BV Việt Đức công khai xin lỗi bệnh nhân và người nhà - Ảnh: GiadinhNet

Nghe chuyện mà kinh hãi. Sau khi chuyện xảy ra, BS thừa nhận mình đã không đọc bệnh án. Nhưng trong phòng mổ, không chỉ một mình BS phẫu thuật với BN, còn cả ê kíp phẫu thuật, sao không ai phát hiện ra lỗi sai này? Sao phẫu thuật viên cứ cầm dao lên là mổ, bất cẩn đến thế? Có phải là đã quá coi thường chuyện cứu chữa BN, coi nhẹ quy trình nghiệp vụ?

Một ca phẫu thuật sai, một BN gánh chịu hậu quả, tập thể bệnh viện phải nhận trách nhiệm. Nếu cái sai này là của một nhà quản lý, một đại biểu của dân, thì hậu quả đến mức nào? Chuyện nhận thức về trách nhiệm của mình là chuyện... mông lung mơ hồ hơn chuyện cái chân nhiều. Nhưng xét cho cùng, vẫn giống nhau ở bản chất, đó là: những nhầm lẫn này sơ đẳng đến mức khó tin!

Phẫu thuật viên nhầm lẫn chân phải chân trái, cũng như chuyện quản lý doanh nghiệp nhầm lẫn giữa lời và lỗ vậy. Mà doanh nghiệp khổng lồ chứ đâu phải nhỏ. Thông tin về sự thua lỗ của doanh nghiệp này là thông tin công khai trên sàn chứng khoán, nhưng thời điểm đó, cấp bộ quản lý vẫn quyết định nhận người, tạo cơ hội rất lớn thông qua điều động, điều chuyển. Hậu quả là lỗ Nhà nước chịu, bản thân ông vẫn thăng quan tiến chức ào ào. Nghe đâu, bây giờ sau khi chuyện đã ầm ĩ đến thế rồi, vẫn có tỉnh đề nghị ông về làm phó chủ tịch tỉnh!

Chất lượng cán bộ, năng lực quản lý coi như để sang một bên khi guồng máy “quan hệ” quay tít. Hệ thống thông tin quản lý đã ở thời đại nào, dư luận báo chí đã lên tiếng đến mức nào, mà các quan chức địa phương cứ quanh co “trước đó có sai sót như thế nào chúng tôi không nắm được”! Làm nhân sự cấp cao, mà không nắm được năng lực, quá trình công tác của nhân sự, là thêm một chuyện không biết phải biết trái.

Lòng tin của người dân không phải như lòng tin của BN đã bị gây mê trên bàn mổ. “Dân biết, dân bàn” đã là bầu không khí được Nhà nước công phu xây dựng, củng cố, đã thành nếp sống lâu nay. Đừng coi như người dân không biết, đừng cố tình bưng tai bịt mắt trước công luận, bởi tiền ấy, tài sản ấy, là tài sản quốc gia, là tiền nhà nước, là tiền nộp thuế của dân. Một đại biểu quốc hội đã cảm thán rằng đây là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Những chuyện như vậy, những cách hành xử như vậy trong bộ máy quản lý điều hành xã hội sẽ làm cho lòng tin của người dân bị xói mòn, suy giảm. Đã nhận mình là đại diện cho dân, lẽ ra phải nâng niu gìn giữ lòng tin ấy như một lẽ sống còn, sao lại bưng bít giấu quanh, để đến nỗi chuyện càng ngày càng trái.

Nhận thức việc phải việc trái, có khi đơn giản như chân nào là chân phải, chân nào là chân trái, nhưng có khi phức tạp như chuyện lời, chuyện lỗ vậy. Cách giải thích đơn giản nhất là: tùy vào vị trí đứng của mỗi người. Chân phải của tôi nhưng mà là chân trái của anh, thua lỗ của người này là lợi nhuận của người khác! Mất chỗ đứng, quên chỗ đứng, cố tình thay đổi chỗ đứng, đều dẫn tới việc trái thành phải, phải thành trái, nhập nhằng khó phân định. Chuyện nó khó khăn vậy đó, nên càng đòi hỏi chất lượng của cán bộ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, và nhất là phải đứng cùng phía với người dân, như phẫu thuật viên đặt mình vào vị trí của BN, là cách đơn giản sơ đẳng nhưng cũng là cơ bản nhất để phân biệt bên trái bên phải, chuyện lỗ chuyện lời.

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI