Bốn giờ sáng, sương lạnh còn len nơi chân giường. Ông nói vọng qua: “Uống trà, chú”. Nhà không đóng cửa, bên kia đường là đèo, mờ mịt sương và hơi đá núi. Nơi ông ẩn cư là lưng chừng đèo An Khê, phía Bình Định.
Ông về đây từ năm 1999, sau khi đã ngán ngẩm chuyện võ thuật bị hành chính hóa nên giã từ đời viên chức ở Sở Thể dục - Thể thao Bình Định, lên đèo dựng nhà, trồng cây kiểng, chuyên tâm nghiên cứu võ thuật.
|
Tuổi 74, nhưng ông vẫn luyện quyền và... chờ đợi |
Người ta gọi ông là “Rồng đen quy ẩn”. Đêm qua, trước khi ngủ, tôi còn được nghe những câu thơ ông cám cảnh phận mình: “Một đời oanh liệt đã qua/ Rồng đen bay lượn quanh ta một thời/ Ngược dòng chẳng chút thảnh thơi/ Vẫn luôn canh cánh chuyện đời, võ lâm/ Đêm nằm lặng lẽ âm thầm/ Mở trang sử võ tím bầm ruột gan”.
“Đến giờ tôi cũng không rõ vì sao mình lại như thế. Cứ nhìn thiên hạ sớm hôm có đôi có cặp, muốn được như vậy lắm, nhưng biết làm sao. Chú nghĩ tại sao?” - ông hỏi. Tôi nhìn ông, 74 tuổi rồi, võ công có cao mấy, sức dẫu dời núi phá non, và dù ông vừa xuất quyền thị phạm còn nhanh, mạnh lắm, thì cũng sẽ đến lúc kiệt. Tại sao ư?
Hôm qua tôi đã tra vấn ông suốt bữa rượu. Ông ở một mình, vui thú với cây kiểng, chim chóc, võ thuật. 12 bà vợ, sáu người con, người tình thì - nói như ông - “nhiều quá trời”, nhưng tiếng thở dài giấu kín sau ly trà như có sương len vào, tựa một cú ra đòn hư ảo, rỗng không, thu quyền về trong nỗi não nề.
|
Võ sư Phi Long cùng bà Cần - vợ thứ 12 và con trai |
Đa tình tự cổ nan di hận
Người ta bảo trái tim có lý lẽ riêng của nó. Trời đất cho người đàn ông này cái số đào hoa. Ông bảo: “Giờ đàn bà còn theo tôi nhiều lắm. Có cô 38 tuổi mê tôi; rồi có bà giàu có bảo tôi bỏ võ về sống với bà, nhưng tôi không chịu. Tôi từng nói thà bỏ vợ chứ không bỏ võ”.
Cái kiểu tuyên bố ghim đinh vậy khiến ông văng từ chốn hoa này đến lầu nguyệt kia. Ông bất bại trên sàn đấu, nhưng thảm hại trong hôn nhân, để đến bây giờ tay trắng giữa sương khuya nắng sớm. Những nhấp nhô tuổi trẻ, 18 tuổi đã yêu, mãi đến bây giờ vẫn còn rong ruổi mộng tình, kẻ cạn nghĩ thì bảo đúng là… tốt số, nhưng người trải đời và ngay cả chính ông lại thấy cay đắng. Ông chẳng có tình sâu đậm với ai cả. Chẳng ai làm ông mất ăn mất ngủ. Đó là phúc hay họa, nên buồn hay vui?
* Vì sao không ai ở được cùng chú?
- Chắc vì không hợp. Một hai người thì còn gọi là bập bênh, chưa khớp, đằng này là 12 bà, còn người yêu, người tình nữa.
* Người tình khác người yêu chỗ nào?
- Tình là thỏa mãn bản năng, yêu là tâm tình chia sẻ, vợ là chọn ăn đời ở kiếp với mình.
* Không có chuyện 3 trong 1 à?
- Không có.
* Vì sao?
- Vì đàn bà theo tôi đông lắm, đếm không hết đâu.
* Nhưng rồi không ai ở được. Bà Cần là vợ thứ 12, chỉ ở với chú được 21 năm, vì sao?
- Bà này thật thà quá. Bả làm hộ sinh, tốt tính, ai cũng thương. Có người quê ở xa, sinh con không có tiền trả bệnh viện, bà nuôi rồi cho tiền về quê. Nhưng bả quá tin người. Bị người ta lừa một hai lần là phải biết chứ, đằng này cứ bị lừa miết. Lúc chia tay, tôi nói: "Anh đi từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau cũng chẳng tìm ra người thứ hai như em, nhưng anh không thể sống cùng em được".
* Thiên hạ giờ loạn đến nỗi chú phải rời chốn võ lâm thế mà chú lại bỏ rơi một người chỉ vì người ta quá tốt bụng, thật thà; có nghịch đời không?
- Ừ, nhưng tôi không chịu được.
Trung Việt
|
“Tôi mau quên đàn bà lắm. Có một cô rất đẹp, ở cùng làng với một ông đã hai lần thách đấu với tôi đều bị tôi hạ gục. Tôi đến tán, thế là bị ông đó cùng đám đệ tử bao vây, đánh gãy chân. Cô ấy đem về chạy chữa, chính lúc đó tôi mới biết cô yêu tôi, nhưng khi tôi về quê chữa trị, là quên. Một lần đưa học trò đi thi đấu ở làng cô, đánh thắng, ra về thấy có người đi ngang, quẹt nhẹ xe, nói: “Thầy giỏi quá hè”.
Tôi nhìn kỹ mới nhận ra, rồi đến nhà chơi. Cô đã lấy chồng vì chờ đợi tôi bao lâu mà chẳng thấy tin tức; rồi lớn tuổi, đành chia tay kỷ niệm. Rồi một người nữa, tên Lý, có mê say nhưng thoáng chốc rồi quên. Mấy chục năm sau gặp lại, cô đã có chồng. Cô nói em có một lon nhôm đựng vàng, anh đi cùng em, em bỏ hết, tôi cũng lơ”.
“Chú mê võ hơn phụ nữ, nghĩa là chú chưa từng yêu” - tôi vặn. “Không, yêu chứ, nhưng không lụy, tôi sinh ra để theo nghề võ”. "Chẳng lẽ chú không nghĩ chuyện họ đến với chú để cuối cùng rước buồn, còn chú thì coi như chẳng có việc gì, nước chảy hoa trôi, tự đến tự đi ở đời là chuyện thường. Chú có biết với cảm xúc đàn bà thì đó là thứ không đùa giỡn được?". Ông im lặng, rồi thì thầm: “Tôi vẫn không hiểu vì sao”.
Ông lục tìm hai bức ảnh. Bức thứ nhất chụp lúc ông còn trai trẻ, ngồi tình tứ cạnh một người phụ nữ phúc hậu, hiền lành. Ông cho biết đó là vợ mình, nhưng không nhớ là bà thứ bảy, tám, chín hay mười. Tôi hỏi sao không nhớ.
Ông đáp: “Bà nào cũng cưới hỏi rồi ra tòa đàng hoàng, nhưng nhớ thì chịu”. Hỏi con cái ông có buồn không, ông bảo: “Tụi nó mong ba có người hôm sớm, để chúng đỡ lo”. Tấm ảnh thứ hai là bà Cần và đứa con trai. Những người đàn bà ấy đều còn sống, không biết họ nghĩ gì về ông.
Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ
“Chú có nghĩ là trời đày chú không?” - tôi hỏi. Ông trầm ngâm: “Tôi hay nghĩ người tài thường chết sớm. Tôi không tài nên còn sống đây”. Tôi thì quả quyết chú có tài, nhưng chú chỉ yêu mình chứ không yêu người. “Ừ, cũng có lý. Có lẽ vì tôi chỉ mê võ, nghĩ phụ nữ cần tiền bạc, áo quần; được sống cùng tôi là mong ước của họ. Tôi quên tình cảm thật sự, những ân cần, chăm chút gần gũi” - ông thừa nhận.
Hỏi giờ ông còn muốn lấy vợ nữa không, ông cười: “Muốn chứ, nhưng biết tìm đâu? Mà tính tôi, hễ có vợ thì phải hai điều kiện: một là phải đẹp - bà sau phải đẹp hơn bà trước; hai là sẵn sàng vì tôi, vì võ mà quên bản thân”.
Đến nước này thì ông đúng là "độc cô cầu bại" rồi. Người phụ nữ cần ở ông cái tình là sau chót và quan trọng nhất. Lẽ nào ông lại nhầm lẫn địch thủ trên sàn đấu - có thể chết vì miếng đòn độc với những cú ra đòn không hình không tiếng từ trái tim. Đó là thứ không thể đỡ nổi, khi vỡ trận chỉ có bại cho tất cả mà thôi.
“Tiền tôi không có, tài thì già yếu, hết sức rồi, nhưng nói thật là tôi phải vậy, không thì ở một mình. Tôi nghe nói có một đứa ở Dầu Giây, bảy lần ra vào tù - mỗi lần ra lại đi ăn cắp cho vợ, vào, lại ra ăn cắp cho vợ, chỉ vì vợ mà thôi, hay thật” - nói rồi ông tiễn tôi ra cổng, vỗ vai: “Chú nói có lý, giờ tôi hiểu ra rồi, nhưng không biết có còn cơ hội rút được kinh nghiệm? Già rồi, một mình đêm hôm đau ốm có ai đỡ đần”.
Sương đã tan, nắng đã leo qua đá núi. Trời đất muôn đời vẫn thế, cái vòng chu chuyển không ngừng, thuận theo lẽ từ khởi thủy. Ông có rút được chút kinh nghiệm gì không trong chuyện này?
Ông nói đó là định mệnh trần ai, còn tôi thì nghĩ, có cái lý nào lớn hơn cái tình; định mệnh hay là cái tôi chất ngất cao xanh, đến lúc ngoảnh lại, thấy bóng đổ chân mình. Xe tôi chạy một đoạn, ông vẫn còn ngó theo, tôi cũng ngoái lại, ô hô, “tuyệt tình cốc” mà tình hoa vẫn nở trong cô quạnh, rồng đen quy ẩn vẫn ngóng chân đèo.
Chuyện võ của ông, sách vở không thiếu, rằng võ sư Phi Long (Trần Quốc Long - Tây Sơn - Bình Định) trước 1975 ở miền Nam đã thượng đài 87 trận, trong đó có 68 trận thắng knock-out, còn lại 19 trận thắng điểm hoặc hòa, một thời là “độc cô cầu bại” xứ Đông Dương.
Trung Việt