Chuyện ông trưởng khu phố “tự làm khó mình”

02/12/2021 - 06:08

PNO - Kể từ khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban điều hành khu phố 4, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức (TPHCM) ông Nguyễn Văn Thương đã làm nhiều chuyện “không ai tin nổi” khiến người dân nơi này rất xúc động.

Bếp xôi trong mùa dịch

Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Bảy - 62 tuổi, ở tổ 13 - vẫn thường nhắc đến những gói xôi muối đậu thơm lừng: “Chõ xôi nào cũng lẫn lộn nhiều loại nếp, vậy mà thơm ngon lạ lùng. Có lẽ đó là nhờ trong mỗi gói xôi, có cái tình cái nghĩa”.

Đó là những ngày tháng 6/2021, khi dịch COVID-19 hoành hành, TPHCM bước vào những ngày tháng liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách. Người dân được vận động ai ở đâu thì ở yên đó. “Lúc đó, người dân đói lắm. Họ nhắn cho tôi xin thực phẩm mỗi giờ” - ông Nguyễn Văn Thương - Trưởng ban điều hành khu phố 4 - kể. Khu phố 4 xấp xỉ 8.000 người dân, trong đó có khoảng 500 người làm nghề xây dựng, sống tạm trong các lán, trại kế công trình hoặc làm nghề tự do. 

Từ những ngày đầu bùng phát đợt dịch lần thứ tư (tháng 4/2021), ông Thương đã tổ chức một bếp cơm từ thiện, nhưng số suất ăn chỉ đủ để hỗ trợ cho một số ít người thực sự khó khăn. Hai tháng sau, việc giãn cách nghiêm ngặt hơn, nhiều người rơi vào túng quẫn, không thể đi làm nên không có thu nhập. Ông Thương bèn quyết định chuyển từ cung cấp cơm sang xôi muối đậu. Chỉ trong một buổi sáng trình bày ý tưởng của mình lên nhóm (group) cư dân khu phố trên mạng xã hội Zalo, bếp đã được bà con trong khu phố ủng hộ hàng trăm ký nguyên vật liệu gồm nếp, muối, đậu. 

Ông Nguyễn Văn Thương (trái) triển khai công tác an sinh cùng các tình nguyện viên
Ông Nguyễn Văn Thương (trái) triển khai công tác an sinh cùng các tình nguyện viên

Miễu Bà Cây Da - một căn cứ cách mạng trước đây - rộng chừng 300m2 được chọn làm nơi nấu, phân phối xôi đi khắp khu phố. Đầu bếp cũng chính là lực lượng thanh niên, tình nguyện viên đang tự cách ly ở miễu này, với xấp xỉ 50 người. Nhiều người biết nấu xôi nhưng nấu sao cho ngon thì không phải ai cũng biết, đặc biệt là nấu với khối lượng 120 - 150kg nếp/ngày. Vậy là qua điện thoại, ông Thương cùng với các tình nguyện viên được các vị cao niên chỉ cho cách nấu món xôi muối đậu truyền thống để cúng đình. “Ban đầu chưa được ngon, các cụ ăn rồi chỉ dẫn thêm về thời gian ngâm nếp, nêm muối, đổ nước” - ông Thương nhớ lại.

Để xôi đến tay người dân lúc 7g mỗi ngày, ông Thương cùng các tình nguyện viên phải thức dậy từ 3g để nhóm lửa, nấu xôi, phân xôi thành gần 2.000 hộp, gói và tiếp tục chia nhau mang đến các khu nhà trọ, các lán, trại. Nhưng lượng nếp cùng các nguyên vật liệu chỉ đủ để nấu trong khoảng 10 ngày. Ông Thương cũng có ý muốn dừng lại bởi công việc vất vả, bản thân còn phải làm công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, sau nhiều trăn trở, ông quyết định vận động để duy trì bếp xôi: “Người dân phải an lòng mới chấp hành tốt chủ trương giãn cách, nên mình không thể để họ đói”.

Chỉ sau mấy giờ phát đi thông báo trên group Zalo, người dân trong khu phố, nhất là các gia đình khá giả, đã hỗ trợ hơn 100 bình gas, gần 12 tấn nếp, đậu. “Vậy là bếp xôi đã duy trì hơn 100 ngày, cho đến ngày UBND thành phố nới lỏng biện pháp giãn cách. Mình khổ một chút nhưng ai cũng no lòng” - ông Thương khoe. Đặc biệt, tính hiệu quả của bếp xôi đã khiến chính quyền P.Tăng Nhơn Phú A phát triển thành một phong trào lớn của phường, cử thêm người và hỗ trợ nguyên vật liệu để ông Thương cùng đội ngũ duy trì bếp.

Hết lòng với nhiệm vụ

Từ năm 2016, khi được người dân bầu làm khu phố trưởng, ông Thương đã làm nhiều việc ấn tượng. Nhắc đến ông, chị Nguyễn Thị Xuân - nhà ở gần công viên Hồng Ngọc - hào hứng: “Chỗ này nhiều năm trời bị bỏ hoang, thành một điểm ngập rác, nhờ ông Thương mà thành vườn hoa rực rỡ như thế này”. Năm 2018, sau khi được UBND phường đồng ý, ông Thương vận động người dân trong khu phố cùng phát hoang cỏ dại, dọn rác và trồng cây xanh, cải tạo công viên với diện tích 1.500m2 thành vườn hoa và là điểm vui chơi, thư giãn. Ông còn vận động người dân hiến đất để mở rộng, bê tông hóa một số tuyến hẻm.

 Ông Nguyễn Văn Thương đại diện khu phố hỗ trợ cho một sinh viên gặp khó khăn do dịch bệnh
Ông Nguyễn Văn Thương đại diện khu phố hỗ trợ cho một sinh viên gặp khó khăn do dịch bệnh

Năm 2017, nắm thông tin về cuộc thi Bàn tay vàng, ông Thương đã liên hệ với Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM nhờ giảng dạy, rèn tay nghề cho một số thanh niên làm nghề xây dựng trong khu phố. Nhờ vậy, năm đó, Đoàn Thanh niên khu phố 4 giành giải nhất cuộc thi, năm 2018 đoạt giải ba. Nhờ đó, một số thanh niên trở thành thợ có tay nghề, được người dân tin tưởng mời xây sửa nhà cửa, tăng thu nhập.

Ngay từ cuối tháng 4/2021, ông Thương chủ động tạo một group trên Zalo để thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân khu phố về dịch COVID-19, các gói hỗ trợ. Ngoài ông Thương, nhóm quản trị group còn có các thanh niên, sinh viên sinh sống tại khu phố và đội ngũ y tế của phường. Có ngày, nhóm nhận hơn 1.000 câu hỏi của người dân. Ông Thương cho hay, ông cùng đội ngũ quản lý nhóm đã không bỏ sót câu hỏi nào, nhất là tư vấn tâm lý và hướng dẫn “đường đi nước bước” cho những người vừa có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. 
Suốt bốn tháng trời, tiếp xúc nhiều với các ca mắc COVID-19 (F0) và những người tiếp xúc gần với F0 (F1), ông Thương không dám về nhà thăm vợ con. Ông cũng không nói chuyện lâu trên điện thoại với họ: “Khi đó, chúng tôi như đua với thời gian vì quá nhiều việc, nào phát thuốc, lương thực, trả lời tin nhắn, vận động hỗ trợ, đi chợ giùm, nấu và phân phát xôi cho người dân, làm các thủ tục chứng nhận liên quan đến F0, triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ và UBND TPHCM…”.

Nhìn lại quãng thời gian đó, ông tự nhận: “Có thành công, có thất bại”. Theo ông, thành công là được người dân khu phố tin tưởng, ủng hộ, còn thất bại là việc khu phố có tổng cộng năm người qua đời do dịch COVID-19. “Hai trong số họ là người dân tộc thiểu số, sống trong lán trại dựng tạm ở các công trình xây dựng. Khi mắc COVID-19, họ không thông báo dù có bệnh nền nên khi bệnh trở nặng thì không cứu kịp” - ông Thương trầm giọng.

Ông Nguyễn Văn Thương là người rất nhiệt tình, tâm huyết với công tác ở địa phương. Gần như mọi thời gian và sức lực của ông đều dành cho sự phát triển của khu phố 4, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch vừa qua. Với vai trò trưởng khu phố, ông Thương đã chủ động huy động lực lượng, vừa vận động sự đóng góp của người dân để giúp đỡ cho người khó khăn vừa huy động được một lực lượng lớn đoàn viên thanh niên trong khu phố tham gia phòng, chống dịch. Sự chủ động này của khu phố góp phần giúp giảm áp lực rất nhiều cho phường trong công tác chống dịch. Không chỉ là gương sáng của phường, ông Thương còn nhận nhiều bằng khen cấp thành phố trong công tác dân vận, cá nhân tiêu biểu…

Trần Thị Thu Hoài (Chủ tịch UBND P.Tăng Nhơn Phú A)

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI