Chuyện ông bà T. mất con dâu

03/05/2020 - 18:14

PNO - "Miệng mình như cái túi, thắt mở miệng túi là do mình. Sống với con dâu cũng như sống với cô giáo của con mình. Trong lúc bất bình đừng bao giờ mở cái túi ấy ra, lời nói cay đắng cũng cần "hạ thổ" cho bớt đắng rồi hẵng nói.”

Ông bà T. có cậu con trai năm ấy hai mươi hai tuổi, mặt khôi ngô, mắt luôn sáng bừng, nhưng nhìn một lúc thì biết là có vấn đề vì sự sáng bừng ấy nó như không lúc nào tắt và chẳng có lý do.

Nhà ông T. luôn phải bố trí người đi theo vì sểnh ra là cậu sẽ ôm lấy bất kỳ người nữ nào ở gần. Chỉ ôm thôi, rất hiền lành như trẻ con ôm được con gấu bông, nhưng vì cậu đã lớn, lại là người lạ, nên ai nấy đều sợ, xong nói này nói kia khiến ông bà T. xót lắm, không chịu được.

Ông T. đưa cậu về quê, tìm một gia đình nghèo và đặt vấn đề họ gả con cho. Vợ chồng cậu từ đó sống đời yên ấm ở làng, trong một cái nhà gạch mái ngói gọn gàng của gia đình ông T., bốn góc vườn là bốn cây nhãn cổ thụ, trước nhà là sân gạch lúc nào cũng sạch như lau.

Vợ cậu là H., nhỏ bé và nhanh nhẹn, vừa chăm chồng vừa chăm bà nội chồng đã lòa. Người bà nội lúc nào cũng thoang thoảng mùi phấn rơm, áo thì trắng lốp. Mỗi lần vợ chồng ông T. về thăm mẹ, H. tay năm tay mười nấu toàn món ngon hơn cỗ thành phố. Ba năm đôi, H. sinh hai con, một trai và một gái, ông bà T. đều lấy cớ là đỡ đần chăm cháu và sau này cho học trường tốt mà bốc hết lên Hà Nội, coi như mẹ phải xa con.

Rồi bà nội mất, H. giờ chỉ còn chăm chồng. Anh chồng thì vẫn hiền thế, như cái bóng hớn hở vào ra, ăn rồi ngủ, không phiền ai cả. Hàng ngày H. gọi điện cho con; con đã lớn nói năng càng dễ thương. Một ngày kia, H. đề nghị với bố mẹ chồng cho cô được li dị, lên Hà Nội sống.

***

Thế là náo loạn từ ấy. Sao có thể như vậy được? Rồi biết làm thế nào? Ai sẽ chăm cậu con trai của họ? “Con ấy nó còn muốn gì nữa?” bà T. như rít lên đau khổ.

H. bảo, bà nội mất rồi, con chăm mọi việc cũng chu toàn rồi, bố mẹ đón chồng con lên Hà Nội lại đi; phần con muốn sống cuộc đời khác. Thỉnh thoảng cần gì con lại chạy qua. Hàng tuần con vẫn cho hai cháu về thăm bố với ông bà.

Nghĩ đến việc con trai về lại nhà, ông bà T. ngán ngẩm. Tuy cậu là con trai họ thật đấy, nhưng gánh nặng ấy một khi đã đẩy được sang vai người khác, họ không muốn nhìn lại nữa. Bà T. bảo con dâu, không được. Con dâu căng lại, đòi mang hai cháu đi. Hai đứa bé ấy là báu vật của ông bà T.; ông thà mất một chân, bà thà mất một mắt còn hơn phải xa cháu.

Bà T. gặp ai cũng kể chuyện đấy, rằng H. bây giờ mới “lộ nguyên hình”, rằng “nó chỉ lấy con mình vì tiền, tình cảm quái gì đâu”, rằng “nó biết mình yêu hai đứa bé mà bắt bí mình”. H thành kẻ thù của cả gia đình. Bà T. ngày ngày kể tội cho hai đứa cháu, rằng “con mẹ mày ác lắm, xấu lắm, bạc nghĩa lắm.”

Chỉ mỗi một người nói với bà: “Anh chị ích kỷ với H. đấy. Cứ nghĩ đó là con gái mình thì sao? Đừng nói xấu nó nữa thì có ngày gặp lại.”

Bà T. nghe tới đó ngẩn người ra, thêm phần biết không giữ được bèn đồng ý để H. li dị và được nuôi hai con nhỏ. H. lên Hà Nội thuê nhà sống, cũng không xa nhà ông bà T. cho lắm nên trẻ con gần như ngày nào cũng ăn cơm với bố, với ông bà; tối về với mẹ. Cuộc sống cứ vậy trôi đi, ai rồi cũng quên dần, đợt dịch vừa qua tất cả lại tụ về nhà ông bà T. ở cùng nhau suốt một thời gian, như “chưa hề có cuộc li dị”, riêng bà T. vẫn có phần ngượng ngượng mỗi khi ở một mình với H. trong bếp.

***

“Chị thấy chưa”, người bạn từng nói bà T. ích kỷ nay tổng kết. “Thay đổi nào cũng có một lí do, nhưng người ta cứ hay sợ hãi mỗi khi có một thay đổi. Đâu đấy lại trật tự về đúng vị trí bền vững nhất của quả lắc. Từ nay về sau, sống với "cựu con dâu" chị chỉ cần nhớ nguyên tắc này: miệng mình như cái túi, thắt mở miệng túi là do mình. Sống với con dâu cũng như sống với cô giáo của con mình. Trong lúc bất bình đừng bao giờ mở cái túi ấy ra, lời nói cay đắng cũng cần "hạ thổ" cho bớt đắng rồi hẵng nói.”

Bà T. tâm đắc quá, đem ghi vào quyển sổ con cho nhớ. Mấy hôm nay lạc mất sổ đâm lo, chỉ sợ H. nhặt được mà đọc những dòng trên…

Mạch Nha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI