Chuyện “ông Ba Mươi” và bài học sống cùng muôn loài

03/02/2022 - 06:34

PNO - Bắt sống được cọp thưởng 30 quan, lỡ tay giết chết phạt 30 trượng, tục cúng hổ cũng diễn ra vào ngày 30 tháng Chạp… - từ xa xưa người Việt đã ý thức sống cùng muôn loài như thế.

Đừng xem hổ… ban ngày

“Nhiều khách tham quan trách chúng tôi sao vào chuồng hổ mà không thấy hổ”, ông Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc bộ phận động vật thuộc Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn (TCVSG) - kể vui.

Theo ông, hổ có tập tính hoạt động ban đêm, ban ngày thì ngủ, nên khách đến tham quan TCVSG vào ban ngày khó gặp được hổ. Hiện TCVSG có nuôi ba con hổ Bengal, ba hổ trắng và hai cá thể hổ Đông Dương. Trong đó, quý hiếm nhất phải kể đến là hổ Đông Dương - hiện chỉ có ở TCVSG và vườn thú Hà Nội. 

Lứa hổ con đầu tiên từ công tác nuôi bảo tồn ở Thảo cầm viên Sài Gòn - Quốc Ngọc
Lứa hổ con đầu tiên từ công tác nuôi bảo tồn ở Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: Quốc Ngọc

Tại TCVSG, hổ có khẩu phần ăn từ 4 - 5kg/ngày. Thức ăn của chúng là thịt gà, trâu, heo, bò… Hổ chỉ ăn một buổi là buổi chiều tầm 15g - 15g30. Nhân viên trông hổ phải kéo rê thức ăn qua lại để hổ giữ được tập tính săn mồi. Để “phục vụ” tám chú hổ này, TCVSG bố trí hai bác sĩ thú y và bảy nhân viên. Mỗi năm, hổ được cho uống thuốc xổ hai lần để phòng các bệnh nhiễm ký sinh trùng và tiêm ngừa FIV (nhiễm virus suy giảm miễn dịch). 

Bên cạnh đó, nhân viên chuồng thú phải trông nom và ghi chép lại sổ sách khi bắt gặp hổ “phối” với nhau. Hổ Đông Dương và hổ trắng chỉ đẻ một lứa trong năm, còn hổ Bengal có thể đẻ ba lứa. Hổ mang thai từ 102 - 112 ngày. Tuy được gọi là “chúa sơn lâm” nhưng hổ có đời sống khá ngắn, chỉ thọ 12 - 13 năm trong tự nhiên (trong khi vượn, khỉ có vòng đời 30 năm). 

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, hiện nay, TPHCM có hai cơ sở nuôi nhốt hổ là TCVSG và Công viên nước Củ Chi (ấp 4, Tỉnh lộ 8, xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi) với tổng cộng 12 cá thể hổ (5 cá thể hổ đực, 7 cá thể hổ cái), có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, chấp hành tốt các quy định quản lý của pháp luật.

“Ông Ba Mươi” và câu chuyện bảo tồn 

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp. Tuy nhiên, PanNature cũng cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều, bao gồm cả các cá thể hổ được nuôi bất hợp pháp. Điều đáng quan tâm là không ít nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ dính líu mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu.

Báo cáo tội phạm động vật hoang dã (ĐVHD) năm 2020 của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định “hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”.

Báo cáo của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) trong năm 2019 cũng cho thấy có đến 58% số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 30% hổ thu giữ ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2018 được xác định từ nguồn nuôi nhốt.

Chính từ mối lo ngại hổ nuôi nhốt có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực bảo tồn cũng như dung dưỡng cho tội phạm ĐVHD, từ năm 2007, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, nhiều trang trại tại các châu lục, đặc biệt là châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn vi phạm lệnh cấm nhằm thu lợi bất chính.

Vụ tịch thu 17 con hổ tại nhà hai hộ dân ở xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) vào tháng 8/2021 và trước đó là tịch thu bảy hổ con đang vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh sang Nghệ An tiêu thụ làm dấy lên thảo luận về hoạt động nuôi hổ nói riêng và ĐVHD nói chung tại Việt Nam.

“CITES không cấm nuôi hổ mà cấm nuôi vì mục đích thương mại. Đối với mục đích trưng bày, toàn thế giới đều nuôi, thậm chí nuôi nhiều hơn Việt Nam. Theo chúng tôi, có thể nuôi nhưng quản lý chặt để đảm bảo không buôn bán mẫu vật hổ cho mục đích thương mại, tiêu dùng” - tiến sĩ Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, chia sẻ.

Loài hổ trắng đang được nuôi bảo tồn tại Thảo cầm viên Sài Gòn  - Ảnh: Quốc Ngọc
Loài hổ trắng đang được nuôi bảo tồn tại Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: Quốc Ngọc

Đánh giá tác động của hổ nuôi đối với bảo tồn hổ trong tự nhiên, theo tiến sĩ Vương Tiến Mạnh, quốc tế cũng tranh cãi nhiều và chưa có báo cáo nào đề cập đến vấn đề này. Người ta phỏng đoán nuôi nhốt hổ sẽ tạo điều kiện cho việc trà trộn hay “rửa hổ” tự nhiên vào các trang trại. Chưa kể, theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà, nếu nuôi nhốt ĐVHD với mục đích bảo tồn thì điểm cuối của việc nuôi nhốt này phải là tái thả tự nhiên.

Tuy nhiên, việc tái thả đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất phức tạp. Tương tự bài học về cá sấu được gây nuôi thương mại tại nhiều quốc gia, ông Vương Tiến Mạnh cho rằng hiện chúng ta có thể chọn cá thể tốt trong quần thể cá sấu nuôi nhốt để tái thả. Thế nhưng, hổ lại khác. Trung Quốc đã cố gắng tái thả nhưng hàng chục năm nay không thành công dù họ đưa cả hổ sang châu Phi để huấn luyện bản năng sinh tồn. 

Trước đại dịch COVID-19, sự quan tâm của thế giới dành cho các vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột, hòa hợp thiên nhiên… là rất ít. Giờ, có lẽ ai cũng đã tin rằng COVID-19 là một trong những mối đe dọa khủng khiếp nhất hành tinh. Chính trong sự bối rối, hoang mang đó, trỗi lên dấu hiệu mạnh mẽ hơn bao giờ hết về ý thức sống cùng nhau, không chỉ giữa người với người.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ulrika Modéer mới đây đã đánh giá một số xu hướng “hậu đại dịch”. Trong đó, COVID-19 buộc chúng ta phải xem xét thái độ sống trên hành tinh này: sống cùng với muôn loài. 

Năm con cọp, bàn chuyện bảo tồn loài hổ mà nhớ chuyện cũ. Xưa, vua ban lệnh cấm giết hổ. Kẻ nào lỡ tay giết chết bị phạt 30 trượng, bắt sống hổ được thưởng 30 quan tiền. Còn có tục cúng hổ vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là ông Ba Mươi. Tục truyền của người Việt đã thấm đẫm chân lý sống cùng muôn loài là như vậy. 

Có chín phân loài hổ trên thế giới, trong đó có ba phân loài đã tuyệt chủng. Hổ hiện phân bố ở 13 quốc gia, số lượng tự nhiên chỉ còn khoảng 3.890 cá thể. Hổ nuôi chiếm khá nhiều và được nuôi với nhiều mục đích khác nhau. Hổ nuôi nhốt sinh sản nhanh hơn nên số lượng lớn hơn nhiều so với tự nhiên. 

Về quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam, dữ liệu điều tra năm 2010 - 2011 cho rằng Việt Nam còn dưới 50 cá thể. Tuy nhiên, theo IUCN, con số này chỉ là dưới năm cá thể. Hiện không có số liệu cập nhật. Bức ảnh cuối cùng về hổ tự nhiên ở Việt Nam là vào năm 1999 tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). 

Hiện có rất nhiều hạn chế khiến công tác quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam gặp khó khăn: các cơ sở chưa được quản lý, truy xuất đồng bộ (gắn chip, lấy mẫu DNA) dẫn đến rủi ro hổ bị thay đổi nguồn gốc; một số cơ sở nuôi chưa đáp ứng điều kiện an toàn, điều kiện sống phù hợp; còn hiện tượng nuôi trái pháp luật với các thủ đoạn tinh vi, thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương; Việt Nam nằm bên cạnh các quốc gia có nguồn hổ nuôi nhốt nhiều như Lào, Thái Lan…

(Nguồn: Cơ quan quản lý CITES Việt Nam)

Nông Khắc Ý - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI