Trường cấp III Nông nghiệp (mô hình Nhật Bản) thuộc Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Ngôi trường đơn sơ với phần lớn là những dãy nhà cấp 4. Khu học tập, khu vui chơi, ký túc xá… trong khuôn viên rộng rãi của trường đều phảng phất dấu thời gian nhưng góc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.
Tiên học lễ
Chị Trần Thị Ngọc Anh (ở TP Nam Định) từng đau đầu vì cậu con trai tuổi ẩm ương, ngoài thời gian học chỉ biết chơi điện tử. Chị chia sẻ: “Khi Hào (con trai chị) học lớp Chín, tôi tìm hiểu mô hình Trường cấp III Nông nghiệp và được biết trường sẽ rèn cho các con ý thức và đạo đức trước nên quyết định hướng cho con vào đây”.
Sau học kỳ I, bỗng một ngày chị Ngọc Anh thấy Hào cọ nhà vệ sinh. Quá ngạc nhiên, chị gọi điện khoe ngay với tiến sĩ Phạm Hữu Lợi - Phó trưởng ban Điều phối dự án Trường cấp III Nông nghiệp: “Thầy ơi, có khi mai bão to. Con em vừa cọ rửa nhà vệ sinh. Bao nhiêu năm ở nhà, cháu có làm việc gì giúp đỡ cha mẹ đâu”. Chị hạnh phúc kể: “Bây giờ, nấu cơm, rửa bát, giặt đồ, thu quần áo là Hào làm, tôi không phải làm việc nào cả. Buổi sáng, cháu đặt báo thức, tự ăn sáng rồi đến trường. Nhiều hôm cháu còn sang phòng đánh thức mẹ”.
|
Các em học sinh thưởng thức thành quả lao động của mình - ẢNH: N.T. |
Ông Phạm Hữu Lợi chia sẻ: “Tôi và các giáo viên, các em học sinh cùng học cách làm người trước khi học kiến thức. Hằng ngày, tôi chào các em, cảm ơn các em, điều gì tôi làm sai tôi xin lỗi các em, khi các em cố gắng thì tôi khen. Ở trường, các em học cách ăn xong thì cơm thừa canh cặn để ở đâu, khay để ở vị trí nào, bát đũa để vào đâu chứ không có chuyện ăn xong là đứng dậy đi. Vệ sinh trường lớp cũng do thầy trò chúng tôi phân công nhau làm. Tôi nghĩ học làm người trước hết là từ những điều như vậy”.
Gần 2 tháng sau ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Giang Linh vẫn rưng rưng khi nhắc đến lá thư tay nhận được từ con gái Hà Linh. Đọc thư con gái viết ngay từ dòng đầu tiên - “Con biết, mẹ đã phải khổ cực rất nhiều…” - chị đã bật khóc. Cuối thư, cô bé lớp Mười viết: “Con vẫn đang hoàn thiện bản thân để mẹ thấy rằng mẹ không cần lo lắng về con nữa. Cảm ơn mẹ những ngày qua đã luôn chịu khổ, chịu khó vì con”.
Đào Nhật Đăng (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết gia đình không làm nghề nông nhưng cha em đã tìm hiểu mô hình của Trường cấp III Nông nghiệp và hướng cho em ra Nam Định học nghề này. Ở nhà, Đăng chưa bao giờ lao động nên mẹ em phản đối vì không tin là em làm được việc đồng áng. Đăng cho biết: “Khi cùng ra đây với em, thấy môi trường học và lao động như vậy, mẹ em mới đồng ý cho em theo sự hướng nghiệp của cha”. Sau 2 năm xa nhà, Đăng đã là một chàng trai tự lập, cứng cáp. Viết thư về cho mẹ, Đăng cảm ơn vì mẹ đã đồng ý cho em học tại đây - và xin lỗi mẹ vì những năm ở nhà với cha mẹ em khá lì.
Viết thư tay là hoạt động mà nhà trường tổ chức mỗi dịp 20/10 và 8/3. Với lần đầu, các em được gợi ý viết thư cho mẹ, ghi địa chỉ người gửi, người nhận ngoài bì thư, cách dán tem làm sao cho ngay ngắn. Tiến sĩ Phạm Hữu Lợi trầm ngâm: “Văn hóa viết thư tay ở ta đã chết. Chúng tôi muốn khơi lại nét đẹp này, nhiều chuyện mẹ con không thể nói được trước mặt nhau thì có thể gửi đến nhau qua những cánh thư”.
Mọi nghề đều cần xuất phát từ tình yêu
Học sinh ở ngôi trường này học 3 chương trình: chương trình phổ thông với 8 môn học, chương trình ngôn ngữ văn hóa Nhật Bản với giáo viên người Nhật và chương trình học nghề nông nghiệp. Các tiết kỹ thuật nông nghiệp chú trọng thực hành, thời gian dạy lý thuyết chỉ từ 10-15 phút. Trong thực hành kỹ thuật nông nghiệp, đầu tiên các em được học là ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp như phân bò, heo, gà kết hợp với cám gạo, trấu, vỏ đậu phộng… Giáo trình dạy thực hành của chuyên gia Nhật rất tỉ mỉ, từ cách bố trí gian nhà ủ phân, phối trộn nguyên liệu theo tỉ lệ, cách đảo phân theo phương pháp sử dụng vi sinh vật hiếu khí…
Tháng trước, các em thực hành trồng khoai tây vụ đông. Trước khi ra vườn, thầy cô đã phổ biến cho các em kỹ năng an toàn khi lao động trên đồng ruộng. Nhật Đăng cuốc đất, rải phân, đặt khoai giống rất thuần thục. Em kể: “Những ngày đầu nghe đến bón phân, hình dung ra mùi hôi làm em sợ lắm. Nhưng học cách xử lý phân rồi thì em thấy phân hoàn toàn không có mùi, hoai mục nâu như màu đất. Học làm nông, em thấy rất thú vị”.
|
Học sinh Trường cấp III Nông nghiệp thu hoạch đậu tương - ẢNH: N.T. |
Lò Khánh Đăng (Sơn La) từ nhỏ đã theo cha mẹ phụ các công việc nương rẫy. Em kể: “Cha mẹ em canh tác cà phê, cây ăn trái. Xuống trường, em không lạ gì với cuốc đất, nhưng các kỹ thuật trường dạy thì hoàn toàn mới. Em được học về cách chăm sóc cây, làm đất, canh tác không hóa chất. Ở vườn trường, chúng em bắt sâu bằng tay”.
Trong vườn trường, mùa nào thức nấy. Rau củ được giữ lại một phần để dùng trong bếp ăn của trường, phục vụ cho bữa ăn của các em; phần dư được bán cho các hộ dân xung quanh. Với những nông sản khác như đậu phộng, các em được học cách làm đậu hũ từ đậu phộng, bơ đậu phộng, dầu đậu phộng… Thầy cô còn hướng dẫn các em sáng tạo với chính nông sản từ vườn, như làm bánh bông lan từ bột gạo… Với những sản phẩm chế biến, các em được học cách thiết kế bao bì, tem nhãn sao cho hấp dẫn rồi chào bán đến người tiêu dùng.
Ông Phạm Hữu Lợi chia sẻ: “Cùng với học lễ, chúng tôi truyền tình yêu nông nghiệp đến các em trước, sau đó mới xây dựng triết lý đào tạo lấy học sinh làm trung tâm. Chúng ta vẫn kêu ngày càng ít người chọn học ngành nông nghiệp, nhưng dường như chúng ta chưa tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Với bất cứ ngành nào, yếu tố tiên quyết là phải truyền được cho các em tình yêu.
Khi các em yêu từng cái cây, hòn đất, biết trân quý những người làm ra lúa gạo thì các em sẽ có trách nhiệm. Đồng thời, cần phải có mô hình thực tiễn để các em trải nghiệm, sáng tạo. Khi yêu nông nghiệp, các em sẽ tự tìm tòi, bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề”.
Có thể học tiếp 4 năm đại học Trường cấp III Nông nghiệp là trường cấp III nông nghiệp đầu tiên của cả nước, tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2021. Đây là mô hình liên kết đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao dành cho học sinh học hết cấp II, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định hợp tác thực hiện với Hiệp hội Giáo dục nhân lực Kirishima Sanroku Kasseika (Nhật Bản), được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Mục tiêu là đào tạo 90-100 học sinh/khóa (từ 2021-2023) và 180-200 học sinh/khóa (từ 2024 trở đi) đảm bảo kiến thức văn hóa, chuyên môn và ngoại ngữ. Về văn hóa, các em được cấp bằng THPT. Về chuyên môn, được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) để làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Về ngoại ngữ, được cấp chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT). Hiện, các em đang được tài trợ học phí học nghề, học phí học văn hóa đóng theo quy định của Nhà nước, và học phí học tiếng Nhật là 300.000 đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được đưa sang Nhật làm việc từ 3-5 năm tại các công ty nông nghiệp, chế biến thực phẩm theo dạng tu nghiệp sinh. Sau đó, tùy nhu cầu, các em có thể học tiếp 4 năm đại học tại Trường Minami Kyushu (trường đại học chuyên đào tạo kỹ sư thực hành nông nghiệp), tỉnh Miyazaki. Các em cũng sẽ được giảm 50% học phí khi theo học tại đây. Tỉnh Đồng Tháp hiện cũng đã triển khai mô hình này tại Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. |
Ngọc Minh Tâm