Chuyện ở ngôi làng có nghề truyền thống là may cờ Tổ Quốc

27/08/2015 - 06:47

PNO - 70 năm qua, các thợ may ở làng Từ Vân đã gắn bó với công việc may cờ Tổ Quốc.

Công việc này không chỉ thiêng liêng, đáng tự hào mà nó còn mang đến cho ngôi làng cuộc sống ngày một ấm no hơn. Đã có biết bao lá cờ Tổ Quốc được may từ ngôi làng này và gắn liền với mọi nấc thang lịch sử của đất nước.

Biết bao kỷ niệm, câu chuyện đầy bi tráng ở ngôi làng từ những ngày may Quốc kỳ chuẩn bị cho ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/2015 cho đến nay, 70 năm đã trôi qua và ngôi làng này vẫn ở đó, tiếng máy khâu vẫn dồn dập để sản xuất ra những lá Quốc kỳ cho đất nước.

Nghề gia truyền… may cờ Tổ Quốc

Cách Hà Nội khoảng 30km, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, tự hào là nơi may những lá cờ Tổ Quốc đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong ngôi làng này hiện có nhiều gia đình đã có 4 đời làm nghề may cờ Tổ Quốc. Chúng tôi tìm đến ngôi làng đặc biệt này vào một ngày cuối tháng 8, cuộc sống nơi đây vô cùng hối hả, nhộn nhịp. Khác với ngày thường nơi đây càng tất bật hơn khi chuẩn bị vào dịp lễ Quốc khánh 2/9.

Chuyen o ngoi lang co nghe truyen thong la may co To Quoc

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ các cụ cao niên thì, làng Từ Vân từ xưa đã nức tiếng khắp nơi bởi nghề truyền thống thêu, dệt. Nghề may cờ Tổ Quốc ở làng Từ Vân bắt đầu từ những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời đó, không ít người dân làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống trên phố Hàng Bông.

Nhiều người trong số họ đã may mắn được trực tiếp tham gia sản xuất tại Tổ Cờ đỏ trên phố Hàng Bông và được giao nhiệm vụ may cờ Tổ Quốc phục vụ Cách mạng.

Cụ Nguyễn Văn Hưởng, xóm 1, thôn Từ Vân, đã có hơn 40 năm làm nghề tự hào chia sẻ: “Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng thu Ba Đình lịch sử. Trong rừng cờ đó, có những lá cờ của thợ may làng Từ Vân của chúng tôi, đó là một niềm tự hào to lớn của người dân chúng tôi từ xưa đến nay”.

Chuyen o ngoi lang co nghe truyen thong la may co To Quoc

Cũng theo chia sẻ của cụ Hưởng, thì vào những năm 40 của thế kỷ trước, cụ thân sinh của cụ Hưởng và các cụ cao niên khác trong làng đã bí mật tham gia may cờ để phục vụ cho cách mạng, công việc may cờ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng chứa đựng rất nhiều hiểm nguy bởi vào thời điểm đó bọn mật thám Pháp dò la ráo riết truy tìm những người may cờ Việt Minh, nếu phát hiện được chúng sẽ bắt giữ người và đốt phá cờ ngay lập tức.

“Ngày đó, phải làm bí mật chỉ lo bọn mật thám Tây phát hiện bắt giữ, tịch thu thì không có cờ để chuyển cho các tổ chức bí mật của cách mạng. Bọn chúng truy lùng ráo riết như vậy mà số lượng cờ hàng tháng vẫn chuyển đến đều đặn không thiếu lá cờ nào”, cụ Hưởng chia sẻ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước giành độc lập như nguồn động lực thôi thúc người dân Từ Vân gắn bó hơn với việc may cờ Tổ Quốc. Có lẽ vì vậy, mà ngay sau ngày đất nước độc lập, một số thợ có tay nghề cao ở Từ Vân đã đi đến các tỉnh khác trên cả nước để hành nghề và dạy may cờ.

Chuyen o ngoi lang co nghe truyen thong la may co To Quoc

Cho đến nay, người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào bởi thế hệ cha ông họ là những người đã may những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hà Nội. Đặc biệt, những lá cờ đỏ sao vàng ở Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công việc thiêng liêng 

Với người dân Từ Vân, những lá cờ Tổ Quốc mang ý nghĩa rất thiêng liêng bởi những ai đã từng gắn bó với nghề may cờ đều tâm niệm, không phải ai cũng may mắn được may cờ và may được cờ.

Gắn bó với nghề may cờ từ gần 20 năm nay, anh Nguyễn Văn Phục - một thành viên trong gia đình có truyền thống bốn đời may cờ Tổ Quốc và may với số lượng nhiều nhất ở Từ Vân luôn trăn trở làm sao để may được những lá cờ đẹp nhất, với chất lượng tốt nhất.

Do đó, từ chỗ chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, anh Phục tự tìm tòi cải tiến các công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh đầu tư vốn mua máy may, máy vắt sổ và nhiều công cụ phục vụ in ấn hiện đại, chia quy trình sản xuất theo từng công đoạn. Riêng những công đoạn chính đều do vợ chồng anh Phục trực tiếp thực hiện.

Bởi theo anh Phục, may cờ khó nhất là khâu đính sao vàng vào lá cờ theo đúng tỷ lệ. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thao tác tỷ mỷ và chính xác tuyệt đối. Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận với nhiều công đoạn phức tạp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI