Chuyện ở ngôi làng có lễ tôn vinh các nàng dâu

14/09/2016 - 14:45

PNO - Ở ngôi làng xứ Huế có pha chút chất giọng Quảng (Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có câu chuyện Việt kiều đưa con về làng học làm dâu, chuyện tôn vinh nàng dâu, được nhiều người biết đến.

Con một nhà, dâu cả họ

Đôi bàn tay rắn rỏi của trưởng tộc Lương Thêm đang thoăn thoắt chăm sóc hàng cây dẫn vào cổng từ đường, dừng lại bấm máy điện thoại: “Tôi điện thoại vào báo mấy bác, nhất là bác Lương Xênh ở trong Đồng Nai. Bác ni nằm trong ban liên lạc họ Lương. Không phải là tôi khó khăn chi, nhưng làm trưởng tộc cũng khó như làm dâu trăm họ. Tôi không thông báo làm việc với phóng viên, đôi lúc các bác trong họ tộc cho tôi ăn nói tự tiện, thông cảm hí!”.

Trưởng tộc Lương Thêm kể vanh vách về dòng họ từ đời bác trưởng này sang bác trưởng khác. Trong câu chuyện ông Lương Thêm kể, ấn tượng nhất là chuyện bác Lương Xênh, Lương Thuận, Lương Hoài Thông... cùng đưa ra ý tưởng về việc tổ chức lễ vinh danh nàng dâu đầu tiên vào ngày 12/8 âm lịch năm 2013, đúng ngày tảo mộ của họ Lương.

Ông Thêm nhớ lại: “Ngày đó nếu không có ý kiến của bác Xênh và của mấy anh em, việc tôn vinh nàng dâu ở làng này khó thực hiện. Không dễ gì có được buổi lễ tôn vinh đầy ý nghĩa cho 158 bà làm dâu từ 30 năm trở lên, trong đó có 56 cụ bà trên 80 tuổi. Rồi các bà được họ tộc tặng một bộ áo chữ thọ màu đỏ với bằng khen tuyên dương”.

Trưởng tộc Lương Thêm nói sự việc này ở làng Mỹ Lợi từ trước nay chưa có tiền lệ, ngay trong thời các chúa Nguyễn vào khai khẩn đất Thuận Hóa-Phú Xuân: “Ý tưởng được lớp trẻ chúng tôi đưa ra lúc đầu vấp phải sự phản đối dữ dội từ các cụ cao niên. Theo các bác, đã là con dâu thì khi bước chân đầu tiên vào nhà chồng đi đứng, ăn ngủ phải tuân theo gia phong, tuân thủ triết lý tam cương, ngũ thường “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử ”.

Phận làm dâu luôn phải biết mình chỉ “là vật trang trí trong nhà” nên chẳng cần tôn vinh gì cả”. Quyết tâm thay đổi nhận thức của lớp trẻ trong ban liên lạc họ tộc đã thuyết phục được các bác trưởng ở sáu chi phái họ Lương đồng ý để lễ vinh danh nàng dâu được diễn ra tôn nghiêm, trang trọng.

Ông Thêm kể , suốt gần một năm trời “nhóm tiến bộ” trong họ tộc bôn ba khắp nơi, cuối cùng cũng định hình tìm ra tiêu chí chọn lựa dâu thảo. Nàng dâu được vinh danh phải là người phụ nữ về làm dâu họ Lương đủ 30 năm trở lên. Có những hy sinh thầm lặng, không so đo hơn thiệt, luôn đảm đang, trung thực, làm vợ hiền dâu thảo. Không phải chân yếu tay mềm, công dung ngôn hạnh hay chỉ nghĩa vụ sinh con mà phải cùng chồng gánh vác việc gia nương vun bồi hạnh phúc. Khi cha mẹ chồng lớn tuổi, những nàng dâu họ Lương được chọn lựa tôn vinh vẫn vui vẻ cơm lành, canh ngọt mời dâng rồi chăm sóc, thuốc thang cận kề mà lòng vẫn thảnh thơi.

“Vì có nhiều tiêu chí nên rất nhiều nàng dâu trong tộc họ Lương chưa được xét duyệt. Trong số đó có cả vợ tôi vì làm dâu họ Lương chưa đủ 30 năm. Cái hay nhất của họ Lương trong buổi lễ vinh danh nàng dâu là chúng tôi còn soạn cả bài văn tế tôn vinh những người mẹ, người vợ, những nàng dâu họ Lương đã qua đời”, ông Lương Thêm chia sẻ .

Ông Lương Xênh, đại diện Ban liên lạc họ Lương, xã Vinh Mỹ cho biết: “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức lễ vinh danh nàng dâu lần thứ hai. Các mẹ, các bà được vinh danh là những nàng dâu của toàn tộc họ Lương Việt Nam. Tiêu chí chọn lựa không thay đổi. Điều vui mừng nhất là sau khi lễ vinh danh nàng dâu đầu tiên được tổ chức, trong làng, xóm không còn chuyện vợ chồng cãi vã đánh nhau. Ai cũng thấy được vị trí và trách nhiệm của mình. Dâu, con không còn nói năng hỗn ngược với bố mẹ, anh em trong nhà chồng. Đối với các mẹ, các bà sau khi nhận bằng khen tôn vinh luôn cố gắng sống chuẩn mực làm tấm gương sáng để con cháu học hỏi, noi theo”.

Phúc đức tại mẫu

Để minh chứng các nàng dâu họ Lương đã thay đổi sau lễ vinh danh, trưởng tộc Lương Thêm đưa phóng viên đến thăm gia đình ông Lương Hoài Thông - một trong những “ngư dân đặc biệt” ở làng Mỹ Lợi. Trong căn nhà cấp 4 ở cuối đường làng, người đàn ông 65 tuổi tâm sự rằng đã thấm thía nỗi gian truân của cuộc đời. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao của ông là được nhìn thấy năm người con học hành đỗ đạt rồi tự kiếm việc làm nuôi thân. Có được niềm vui đó, ông Thông luôn biết ơn người mẹ quá cố của mình là bà Hầu Thị Thiếp.

Lúc sinh thời, từ làng trên xóm dưới, cụ Thiếp có tiếng là người đức hạnh, mẫu mực. Chồng cụ là liệt sĩ Lương Trường, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp lúc cụ vừa sinh hạ ông Thông tròn ba ngày tuổi. Cụ Thiếp đã thay chồng gánh vác việc nhà. Bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa, cụ không những làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ chồng mà còn nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Không những thế, cụ Thiếp còn dạy các con dâu của mình sống hòa thuận, phải giữ nếp nhà bằng cách “lạt mềm buộc chặt”.

Tiếp bước mẹ chồng khi về làm dâu nhà họ Lương, bà Trần Thị Bê, vợ ông Thông học tập đức độ và tấm lòng bao dung của mẹ chồng, rồi đến lúc bà Bê đi cưới dâu về lại tiếp tục “truyền lửa” cho chị Huỳnh Thị Bông. Ông Thông khoe: “Mình muốn dạy con, dạy dâu tốt thì bản thân ông bà cha mẹ trong gia đình phải rộng lượng bao dung, là tấm gương để dâu con học hỏi. Khi về làm dâu, lúc đầu cháu cũng không hài lòng gia đình tôi. Qua thời gian, con dâu trưởng thành. Thái độ sống thực dụng ích kỷ chỉ biết con và chồng đã thay đổi. Bây giờ cháu nhiệt tình, biết tôn trọng thương yêu anh em, lễ phép với bố mẹ chồng”.

Người làng Mỹ Lợi vẫn tự hào về người con gái tiến cung, là bà Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Con cháu làng Mỹ Lợi và dòng họ Lương luôn ghi nhớ phận làm con, làm dâu, noi gương các cụ ngày xưa sống hiếu thuận, gìn giữ nền nếp gia phong.

Như bà Hoàng Thị Biên năm nay gần 90 tuổi, quê ở thôn Hà Úc, xã Vinh An, về làm dâu họ Lương đến nay hơn 62 năm và đã có tám người con, 40 cháu nội ngoại, 22 chắt nội ngoại. Những khi có bà con Việt kiều về nước nhờ chia sẻ kinh nghiệm làm dâu, bà đều vui vẻ nhận lời.

Chuyen o ngoi lang co le ton vinh cac nang dau
Bà Hoàng Thị Biên tự hào khi được về làm dâu họ Lương hơn 62 năm

Bà Biên nói về bí quyết trở thành con dâu tốt của dòng họ: “Chi rồi cũng không bằng lạt mềm buộc chặt. Từ thực tế của bản thân, tôi thường nói với các cô gái trẻ những việc mà họ nên làm khi về nhà chồng. Ðó là hiếu thuận với bố mẹ chồng. Biết làm việc nhà và dạy dỗ con cái, trân trọng hạnh phúc gia đình. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng chung quy lại là mình phải sống tốt. Không nhà nào hoàn hảo mô. Bây giờ làm dâu cũng khác rồi, nhưng muốn dâu hiền, rể thảo, phận làm cha mẹ, ông bà phải làm gương cho các cháu”.

Cách đây hơn một năm, trong lần từ Đăk Lăk về thăm quê chồng ở Mỹ Lợi, vợ chồng cháu Lương Xá con ông Lương Lệ mới cưới nhau hơn một tháng đã xảy ra xích mích, cháu dâu giận chồng chạy tuốt ra biển toan tự tử. Bằng kinh nghiệm hơn 62 năm làm dâu, bà Biên đã làm “chuyên gia hòa giải” dàn xếp êm xuôi mọi chuyện, tiếp tục xây dựng hạnh phúc cho cháu con.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI