Chuyện ở ngã tư quốc tế

27/01/2018 - 07:10

PNO - Không nhiều xung đột, cao trào gay cấn, 'Sài Gòn có một ngã tư' nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc. Ở đó, khán giả sẽ cùng vui, cùng buồn với những cư dân xóm nghèo nhưng nghĩa tình trọn vẹn.

Sài Gòn không chỉ có đèn màu, xe cộ nhộn nhịp mà còn đẹp bởi sự hào sảng, nghĩa tình của con người dành cho nhau. Vậy nên, ở một góc phố nào đó, dẫu những căn nhà có ọp ẹp, dẫu bộ trang phục cô dâu được ghép từ những mảnh vải thừa, tất cả vẫn cứ mang một vẻ đẹp riêng.

Chuyen o nga tu quoc te

Sân khấu Sài Gòn có một ngã tư đẹp như một bức tranh

Ngã tư Quốc Tế cũng như bao nhiêu ngã tư khác ở Sài Gòn, là nơi dung nạp cư dân từ khắp nơi đổ về, bất chấp họ là ai, quá khứ ra sao.

Cư dân ngã tư đó là ông Thông chạy ba gác, cái mặt khó “ó đâm”, thương con chó Lý Lệ Hoa lượm được ngoài đường còn hơn thằng con trai; là Thanh đổ rác, khát khao một cuộc sống yên bình bên cạnh người mình yêu; là anh chàng Nhành hành nghề đấm bóp giác hơi sẵn sàng làm tất cả vì người mình yêu; là thầy Hai tú tài, chuyên làm đơn thư cho mọi người và được trọng vọng như… “chưởng lão” vì là người có học thức cao nhất. Mỗi người một hoàn cảnh, tính cách, đôi lúc có thể cãi cọ, cắn đắng lẫn nhau; nhưng hễ một người có chuyện là cả cái ngã tư lại chạy đôn đáo, coi đó như chuyện nhà mình.

Những câu chuyện về Sài Gòn có thể kể dài đến vô tận, nhưng Sài Gòn có một ngã tư (cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của Trần Kim Trắc) trên sân khấu Hoàng Thái Thanh mang góc nhìn rất khác biệt. Khán giả có thể bật cười bởi tình cảm ngộ nghĩnh ông Thông dành cho con chó mà ông luôn bắt con trai phải kêu là em; hoặc vừa giận, vừa thương kiểu nghĩa hiệp của bà Tám đã vô tình đẩy Thanh vào hàng loạt rắc rối. Ngã tư tưởng rất lộn xộn lại sống có trước, có sau.

Chuyen o nga tu quoc te
 

Không nhiều xung đột, cao trào gay cấn, Sài Gòn có một ngã tư nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc. Ở đó, khán giả sẽ cùng vui, cùng buồn với những cư dân xóm nghèo nhưng nghĩa tình trọn vẹn. Dù cuộc sống của người dân Ngã tư Quốc Tế vẫn còn khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, trong cách kể của tác giả Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Thành Hội, cái nghèo, cái khó, nỗi tủi cực của quá khứ dường như ở đâu đó rất xa. Đọng lại chỉ là hình ảnh những con người Sài Gòn hào sảng, nghĩa tình và luôn khát khao vươn đến những điều tốt đẹp.

Cảm xúc đó, ngoài cách xây dựng tính cách nhân vật, lối dẫn dắt mạch kịch còn ở phần thiết kế sân khấu: một con hẻm nghèo, những mảng tường loang lổ, những ô cửa, vách nhà chắp vá… Nhưng những thứ tạm bợ, chắp vá đó lại sáng đẹp một cách lạ lùng nhờ sự phối hợp của màu sắc. Như những nhân vật trong kịch, dẫu bề ngoài xù xì, gai góc, dẫu có quá khứ đen tối… họ vẫn sống để mơ về những điều tốt đẹp và sẵn sàng làm tất cả chỉ vì một điều giản dị: mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người đang sống quanh mình.

Chuyen o nga tu quoc te
 

Sài Gòn có một ngã tư có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Ngọc Duyên, Thái Quốc, Thế Hải… bắt đầu diễn từ ngày 28/1 tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, Q.10, TP.HCM). 

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI