Trở thành F0 nhưng không muốn nghỉ
Tốt nghiệp ngành cử nhân ngành y tế công cộng năm 2014, Hoa về làm việc tại Bệnh viện Q.7. Bốn năm sau, cô được điều chuyển về Trung tâm Y tế Q.7, trở thành nhân sự của Khoa Kiểm soát bệnh tật, và là một trong những nhân viên y tế theo sát dịch bệnh từ những ngày đầu tiên.
Tháng 2/2020, khu cách ly F1 Nguyễn Văn Quỳ (Q.7, TP.HCM) thành lập, tiếp nhận những ca F1 đầu tiên trên địa bàn quận, Hoa được phân công về đây. Thời điểm đó, thỉnh thoảng mới xuất hiện một, hai ca F0 trong số những ca F1 đang thực hiện cách ly.
|
Hoa (phải) hỗ trợ chuyển một bệnh nhân trở nặng lên tầng trên trong đêm |
Đến tháng 6/2021, dịch bùng phát mạnh, thành phố mở thêm ba điểm cách ly tập trung: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường mầm non Phú Thuận và tiểu học Phú Thuận. Từ tháng Bảy, lượng F0 ngày càng tăng nhanh, điểm cách ly tập trung Nguyễn Văn Quỳ được bàn giao cho Bệnh viện dã chiến Q.7 với chức năng điều trị cấp cứu và hồi sức, Hoa trở về làm công tác điều phối tại hai điểm trường còn lại - lúc này đã trở thành khu tiếp nhận và điều trị những F0 có triệu chứng nhẹ đến trung bình.
Công việc của Hoa là tiếp nhận thông tin F0 từ các phường, nhận bệnh, khám sàng lọc, lo ăn ngày ba bữa cho bệnh nhân, thăm khám hằng ngày. Công tác nhận bệnh luôn sẵn sàng 24/24, phần lớn vào ban đêm, có những hôm đến tận một, hai giờ sáng. Lúc này, cảm giác lo lắng và sợ hãi đến với Hoa, nguy cơ nhân viên y tế nhiễm bệnh rất cao, vì tần suất tiếp xúc với F0 tăng lên, nhiều bệnh nhân không thể đi lại, tự thay đồ, hay tự ăn uống được.
Đến ngày 8/8, Hoa nhận thấy sức khỏe của cô yếu đi, và có những triệu chứng rõ rệt: mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, đau rát cổ họng. Mặc dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin vào cuối tháng Sáu, nhưng với khối lượng công việc và thời gian tiếp xúc gần với bệnh nhân luôn đặt cô trong tâm lý một ngày nào đó, chính cô cũng trở thành F0. “Đó không phải là tâm lý buông xuôi, mà là sự sẵn sàng. Nên khi biết mình nhiễm bệnh, em thấy không có gì to tát, và đón nhận với tâm lý bình tĩnh nhất”.
Muốn làm nhiều nhất cho người bệnh
“Cả ê-kíp 13 người phục vụ khoảng 120-150 bệnh nhân ở hai điểm cách ly, nếu em xin nghỉ bệnh, thì đồng đội phải gánh thêm lượng công việc của mình. Làm công tác y tế, em hiểu rõ sự thiếu hụt nhân sự hiện đang trầm trọng thế nào. Với lại em cũng quen với công việc rồi, giờ nằm một chỗ thấy vô nghĩa quá. Nên mình ưu tiên bệnh nhân hơn, vì những ca chuyển vô đều nặng, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh”, Hoa tâm sự. Đó là lý do khiến cô quyết định ở lại, tiếp tục công việc và chăm sóc bệnh nhân, dù chính mình cũng đang là một người bệnh cần được nghỉ ngơi, chăm sóc.
Hoa tạm thời tách khỏi ê-kíp của mình, bằng cách điều phối công việc qua điện thoại. Những ngày đầu cô rất mệt, phải tự điều trị bằng thuốc như cách mà mỗi ngày cô thực hiện với bệnh nhân. Có vài điểm khác là giờ đây, khi nhận bệnh hoặc các trường hợp cần cấp cứu, cô luôn là người tiếp xúc đầu tiên, đo sinh hiệu, kiểm tra tình trạng bệnh nhân để đồng nghiệp có thêm thời gian trang bị bảo hộ. Có những bệnh nhân lớn tuổi, lú lẫn, không tự chăm sóc được, phải vừa đút ăn, vừa kể chuyện, trong khi lực lượng y tế quá mỏng, Hoa phải liên lạc người nhà bệnh nhân nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, sợ nguy cơ lây nhiễm với người thân của họ, cô lại cố kham.
Vừa cùng đồng đội lo vòng trong, Hoa còn chạy vòng ngoài, tiếp nhận tiếp tế từ tổ chức, cá nhân gửi đến đội ngũ y tế và bệnh nhân. “Có những bệnh nhân tuổi cao, sức yếu. Chị có thể nấu cháo hỗ trợ tụi em mỗi tuần hai buổi, để bệnh nhân đổi bữa được không?”, Hoa đề nghị khi chị Huỳnh Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội LHPN Q.7, kết nối với mong muốn hỗ trợ khu cách ly. “Không vô được bên trong khu cách ly, nên chúng tôi chỉ có thể thông qua Hoa. Tôi không hề biết Hoa nhiễm bệnh, bởi thấy cô làm việc liên tục, với tất cả nhiệt tâm tuổi trẻ. Cho đến một ngày, nghe giọng nói của Hoa đứt quãng qua điện thoại, tôi gặng hỏi, cô ấy mới xác nhận mình nhiễm bệnh”, chị Huỳnh Nguyệt Ánh cho biết.
Hoa kể, trường hợp tử vong không hiếm gặp tại khu cách ly trong những ngày này. Những câu chuyện buồn, những ánh mắt đầy ám ảnh của người bệnh hay thân nhân của họ, đã khiến cô và đồng nghiệp không thể nuốt nổi cơm. Trước đó, khu cách ly tiếp nhận một gia đình với ba F0, là người bố và cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau. Sức khỏe của chồng và cha đều ổn, riêng người vợ trẻ lúc khỏe lúc yếu. Đến lúc bệnh đột ngột trở nặng, chị ra đi chỉ một giờ đồng hồ sau đó. Người bố ở lại, nỗ lực chống chọi bệnh tật để vài hôm sau xin xét nghiệm rồi về lo hậu sự cho con dâu, đồng thời xoa dịu con trai mình. “Khoảnh khắc anh chồng quỳ xuống khóc, van xin nhân viên y tế cứu vợ anh ấy, và hình ảnh người đầu bạc bước liêu xiêu ra cổng bệnh viện để tiễn kẻ đầu xanh, cảm giác xót xa cứ đè nặng trong lòng”, Hoa nghẹn ngào kể lại.
Từ ngày nhiễm bệnh, Hoa kiêm thêm việc hỗ trợ tìm người thân cho người tử vong. Với Hoa, đó là một công việc vô cùng xót xa: “Khi đầu dây bên kia mừng rỡ vì nối lại liên lạc với người thân, tôi thật sự không biết phải mở lời thế nào. Điều này còn khó khăn hơn cả việc đối diện với một ca F0 nặng. Đến khi người nhà bệnh nhân quá sốc và đau khổ, họ khóc than, thậm chí trách móc, tôi không còn sự chia sẻ nào khác ngoài im lặng lắng nghe”…
Đến nay, đã là ngày thứ mười Hoa nhiễm bệnh. Cô cho biết sức khỏe đã dần hồi phục 70%, và cô gần như trở lại công việc một cách bình thường, vì còn quá nhiều thứ ưu tiên hơn nỗi sợ dịch bệnh. “Tinh thần là yếu tố rất quan trọng. Nếu cứ ủ dột, bi quan, là đã tự đầu hàng con vi-rút. Do đó, em chọn cách “quên hẳn nó đi”, nhìn vào khao khát được sống của người bệnh để có thêm năng lượng tiếp tục công việc”. Hỏi mong muốn của Hoa lúc này là gì, cô nói, trước đây nhiều lắm, nhưng hiện tại chỉ còn duy nhất một điều: cô tha thiết mong dịch bệnh sớm kết thúc, bởi hậu quả của sự kéo dài này sẽ rất khốc liệt.
Thu Lê