Chuyện nữ biệt động Sài Gòn và nỗi day dứt suốt nửa thế kỷ

26/04/2025 - 19:07

PNO - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về người đội trưởng anh dũng ngã xuống tại trận đánh Dinh Độc Lập mùa Xuân Mậu Thân 1968 vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa.

Trận đánh lịch sử và lời trăn trối ám ảnh

Dù đã gần 80 tuổi, cô Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) vẫn nhớ như in ký ức hào hùng nhưng thấm đẫm đau thương trong trận đánh lịch sử vào Dinh Độc Lập mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Sinh ra và lớn lên giữa vùng đất thép Củ Chi - nơi mảnh đất nhuốm máu bao thế hệ, từ năm 12 tuổi, bà Nghĩa đã theo mẹ đưa cơm cho cán bộ cách mạng, bắt đầu cuộc đời gắn bó với cách mạng.

Chân dung nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) - Ảnh: NVCC
Chân dung nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) - Ảnh: NVCC

Những ký ức đau lòng sớm in hằn trong tâm trí cô gái nhỏ khi ấy: cảnh dân lành bị giết hại dã man, những ngôi nhà cháy rụi, tiếng khóc than giữa đêm tối... Đỉnh điểm của sự phẫn nộ trong lòng bà là vào năm 1964, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn sau khi thực hiện nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

“Kể từ thời khắc ấy, trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi luôn mang trong mình một ý chí sắt đá: phải trực tiếp cầm súng tiêu diệt giặc, góp một phần sức lực cho cách mạng, quyết tâm giành lại độc lập cho quê hương dù có phải hy sinh, mang thương tật hay chịu cảnh tù đày” - bà Nghĩa xúc động.

Năm 16 tuổi, bà chính thức được tuyển chọn vào Đội 5 Biệt động Sài Gòn. Đến đêm Giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, bà nhận nhiệm vụ đặc biệt: trực tiếp tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi ấy.

"Ngày đó, tôi vừa tròn 18 tuổi, chưa từng cầm súng chiến đấu. Cảm xúc vừa hào hứng, vừa lo lắng, nhưng lòng tôi chỉ có một suy nghĩ: phải chiến đấu đến cùng cho lý tưởng" - bà nhớ lại.

Nữ chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa (giữa) trong đợt trao trả tù binh cách mạng tại Lộc Ninh, tháng 4/1974 - Ảnh: NVCC
Nữ chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa (thứ hai, từ phải qua) trong đợt trao trả tù binh cách mạng tại Lộc Ninh, tháng 4/1974 - Ảnh: NVCC

Đêm ấy, đội 15 người nhưng chỉ một mình bà là nữ, cùng ba chiếc xe tải nhỏ chở gần 200kg thuốc nổ, vũ khí, thẳng tiến về Dinh Độc Lập, xuyên thẳng vào giữa lòng địch.

Vừa tiếp cận mục tiêu, đội biệt động đã vấp phải làn đạn dữ dội từ quân địch. 5 đồng đội ngã xuống ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Theo kế hoạch, họ sẽ cố thủ 30 phút để đợi quân chi viện, nhưng thời gian cứ trôi đi, lực lượng chi viện vẫn bặt vô âm tín. Máu nhuộm đỏ đất, đồng đội lần lượt hy sinh trước mắt bà.

Trong tình thế nguy hiểm ấy, đội trưởng Tô Hoài Thanh bị thương nặng. Bà Nghĩa vội tìm băng gạc để cầm máu nhưng chỉ còn một cuộn duy nhất. Thấy vậy, đội trưởng Hoài Thanh nói trong hơi thở đứt quãng: "Em hãy chừa phần băng gạc cho những đồng đội khác, đừng dùng cho anh, rất uổng phí vì vết thương của anh nặng lắm!".

Dù cố gắng cầm máu, bà bất lực nhìn người chỉ huy trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay mình. Trước lúc hy sinh, ông còn dặn: "Nếu anh hy sinh, các em phải bám trận địa, quyết không rút lui!". Những lời trăn trối ấy, hơn nửa thế kỷ sau vẫn khắc khoải trong tâm trí bà.

"Đến giờ, tôi vẫn day dứt, bởi khi đó tôi làm nhiệm vụ cứu thương, nhưng lại không có nổi một viên thuốc để giữ người chỉ huy thêm được một chút sự sống" - bà Nghĩa nghẹn ngào.

Những năm tháng tù đày và bản lĩnh sắt đá

Sau 2 ngày chiến đấu đến kiệt sức, nhóm còn lại quyết định rút lui trong đêm tối. Tuy nhiên, quân địch đã phát hiện và truy bắt. Bà Nghĩa bị bắt giam, trải qua những đợt tra tấn tàn bạo ở Tổng Nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa, rồi đày ra "địa ngục trần gian" Côn Đảo.

6 năm 2 tháng bị giam cầm, bà đối mặt với những đòn roi man rợ nhất, nhưng tuyệt nhiên không hé môi một lời về tổ chức, đồng đội.

"Địch muốn tôi khai? Chúng chỉ nhận lại sự im lặng" - bà khẳng định với ánh mắt kiên cường.

Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn gặp lại đồng đội nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất - Ảnh: Thanh Tâm
Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa gặp lại đồng đội nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất - Ảnh: Thanh Tâm

Năm 1974, nữ chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa được trả tự do. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bùng nổ, bà tiếp tục được giao nhiệm vụ tham gia lực lượng tiến vào Dinh Độc Lập. Nhưng lần này, trước khi súng nổ, tin vui lớn đã đến: chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ngày hôm nay, bà Vũ Minh Nghĩa sống an yên bên con cháu. Dù tuổi cao, mỗi năm, bà vẫn dành thời gian đến Dinh Độc Lập, thắp nén nhang tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống.

Trong căn phòng nhỏ, bà cẩn thận lưu giữ những bức ảnh cũ, những kỷ vật còn sót lại từ một thời bom đạn. Trong lòng bà, ký ức về những người đồng đội năm xưa vẫn luôn hiện hữu như lời nhắc nhở, như lời tri ân. Trong ánh mắt người nữ chiến sĩ năm xưa, vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ, vào tương lai tươi sáng của đất nước đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI