“Đêm hành quân nghe tiếng chim bắt cô trói cột hót, mà bộ đội ta cứ nghe ra thành “quyết tâm khắc phục”. Tiếng chim hót tìm nhau, theo chân bộ đội cho đến khi trời sáng”. 65 năm sau, trong ký ức kể lại của đại tá Trần Thế Đề - Chính trị viên đại đội, Chánh văn phòng Đoàn chuyên nha Bộ Quốc phòng - là tiếng chim hót trong niềm lạc quan, tinh thần hăng say chiến đấu, bất chấp hiểm nguy, gian khó.
Buổi giao lưu Chuyện những người làm nên lịch sử diễn ra đúng ngày 7/5. “Ngày đi bộ đội, tuổi mười tám đôi mươi, bây giờ chúng tôi đều đã gần bước sang tuổi 90 cả rồi. Vẫn nhớ những năm tháng vào chiến dịch, đều không để tâm đến chuyện mình sẽ sống hay chết, tất cả đều chỉ hướng về mục tiêu giành chiến thắng” - đại tá Hoàng Ngọc Thương - nguyên Trung đội trưởng trinh sát C91 - nói. Ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ như vẫn tươi ròng, trở lại trong nỗi nhớ không phai của những người cựu chiến binh.
(Thứ hai từ phải sang) Các đại tá Trần Thịnh Tần, Hoàng Ngọc Thương, Trần Thế Đề trong buổi giao lưu Chuyện những người làm nên lịch sử, sáng 7/5
“Hồi đó, tôi thuộc Sư đoàn 304, nhận nhiệm vụ đánh sang phía Nam Lào (trong khi Sư đoàn 308 đánh sang phía Bắc Lào). Mục tiêu nhằm co cụm và phân tán lực lượng địch trên chiến trường Đông Dương. Ngay sau đó, có lệnh hành quân về Điện Biên Phủ, chúng tôi từ Lào đi bộ về Nghệ An, Thanh Hóa, rồi lên Điện Biên. Cuộc hành quân mất rất nhiều thời gian, nhưng tinh thần ai cũng hừng hực cho trận chiến cuối cùng. Địch cho rằng, ta không thể có pháo binh, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhất định sẽ nhanh chóng thương vong, tiêu hao lực lượng. Có tên còn tuyên bố: “Nếu pháo binh Việt Nam nổ hai phát thôi thì sẽ bị chúng tiêu diệt hết”. Vậy mà khi có lệnh đánh, ta pháo ra, địch lại không biết. Có bài hát có câu “hò dô ta nào kéo pháo…” cho vui vậy thôi, chứ ngày xưa bộ đội ta kéo pháo hoàn toàn trong im lặng. Vất vả vô cùng, nhưng cũng tràn đầy quyết tâm” - đại tá Hoàng Ngọc Thương hồi tưởng.
Trong ký ức của những người làm nên lịch sử, lạ thay, phần gian khổ, hiểm nguy như thể “chỉ là chuyện nhỏ”. Điều quý giá ở lại là tình cảm quân dân, tình đồng đội và tinh thần chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao cả. “Cuối năm 1953, tình hình lương thực ở Tây Bắc rất khó khăn. Vậy mà khi chuẩn bị chiến dịch, đồng bào Tây Bắc đã ủng hộ ngay 10.000 tấn lúa nếp. Bà con không có kho dự trữ gạo, mỗi ngày giã 1, 2kg gạo bằng cối nước. Đoàn dân công thồ gạo từ Thanh Hóa lên Điện Biên, mỗi người lãnh 30kg, vận chuyển cũng mất cả tháng trời. Vậy là ta đóng cối xay, lập công trường xay xát gạo ngay tại chiến trường. Sau chiến dịch, số gạo, nếp còn dư cũng để lại cho đồng bào Tây Bắc” - đại tá Trần Thịnh Tần - nguyên cán bộ Tổng cục Cung cấp tiền phương, hiện là Cục trưởng Cục Quân nhu Bộ Quốc phòng - kể.
Thật ra, “56 ngày đêm vắt núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non…” với những gian khổ, nguy hiểm, chiến thắng và mất mát đã được kể trong cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 (nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, cùng rất nhiều ấn phẩm khác về chiến dịch Điện Biên Phủ). Nhóm biên soạn sách đã đi tìm lại hàng trăm nhân chứng lịch sử: những người lính, dân công, thanh niên xung phong, dân địa phương… đã tham gia chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Chưa bao giờ người Việt Nam ra trận nhiều như vậy” khi nói về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 27.000 tấn vật phẩm (gạo, muối, đường, thịt, đồ ăn khô, quân trang quân dụng…) được chuyển ra mặt trận. Hàng chục vạn đồng bào tham gia các đội dân công, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ… Có người qua chiến dịch nên vợ nên chồng, nhiều người còn sống sót trở về, nhưng rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Tây Bắc.
Các đầu sách ra mắt nhân dịp giao lưu
“Anh em đi lấy nước cũng bị thương vong vì hỏa lực của địch. Lương thực hạn hẹp và việc vận chuyển thương binh khó khăn, nhưng tinh thần không hề nao núng. Chúng tôi thấy đồng đội hy sinh, càng quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Nhiều anh em, sau khi được sơ cứu, xung phong ở lại trận địa chứ không về tuyến sau” - đại tá Hoàng Ngọc Thương kể. Còn ông Lê Hải Bằng - Đại đội trưởng C312 - kể: “Tối hôm giải phóng, không có bom đạn, tôi cho bộ đội ở ngay trên đồi A1. Hôm ấy trăng sáng rất đẹp. Chúng tôi được lệnh, nếu Hồng Cúm không hàng thì đi đánh. Không ai ngủ được, anh em vui quá, pha cả chậu cà phê, nói với nhau: “Chắc chuyến này mình sẽ về giải phóng đồng bằng”.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - cho biết, sau đó từng gặp lại Đờ Cát khi đoàn làm phim Liên Xô ghi lại hình ảnh bộ chỉ huy Pháp bại trận. “Tôi ngồi đối diện với Đờ Cát. Một cán bộ chỉ vào tôi và hỏi ông ta: “Ông có biết anh này không?”. Tướng Đờ Cát nghĩ một hồi, rồi nói: “Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh ấy. Tôi sẽ rất vinh dự được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Tôi nghĩ ông ta chân thành, nhưng tôi không biết phải trả lời sao. Cuối cùng, tôi đáp: “Ông làm sao mà chỉ huy được tôi. Chính tôi là người đã bắt ông. Sau đó, tôi hơi ngượng vì đã nói vậy…” - trích Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.