Người đưa ra hình phạt này là cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh. Trong giờ học của cô, học sinh đầu tiên nói chuyện phải tự tát hai cái, em thứ hai sẽ tự tát bốn cái, em thứ ba sẽ là sáu cái và cứ như thế… Có học sinh đã bị phạt tự tát vào mặt 32 cái ngay trước mặt bạn bè trong lớp.
|
Học sinh Trường tiểu học Trần Văn Ơn |
Phương pháp giáo dục không có trong “từ điển”
Bắt một học sinh (HS) chỉ mới mười tuổi phải tự tát vào mặt mình mỗi khi nói chuyện trong giờ học là một hình phạt quá tàn nhẫn, phản sư phạm. Phương pháp giáo dục này không thể tìm thấy trong “từ điển” giáo dục hiện đại. Thế mà ở lớp 5/2 Trường tiểu học Trần Văn Ơn, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh vẫn vô tư áp dụng với học trò của mình.
Em đầu tiên nói chuyện, tự tát vào mặt mình hai cái, em kế tiếp sẽ tăng lên gấp đôi và kế tiếp sẽ tăng gấp ba… cho đến hết buổi học. Ngày 15/10, một nữ sinh là người thứ 16 nói chuyện trong buổi học và đã phải tự tát vào mặt mình 32 cái, dù là lần đầu vi phạm.
Sự việc này đã kéo dài một thời gian. Rất nhiều HS đã cam chịu hình thức xử phạt kinh khủng này. Một phụ huynh tá hỏa khi biết con của mình phải tự tát vào mặt 16 cái. Một phụ huynh khác nói: “Mấy đứa nhỏ về kể có bạn phải tự tát cả trăm cái, nghe khủng khiếp không thể tin được. Chúng tôi không hiểu nghiệp vụ sư phạm và tình thương yêu trẻ của cô giáo ở đâu? Có HS sau khi bị phạt cảm thấy sợ hãi, sợ đi học, phụ huynh phải đưa trẻ đi khám tâm lý và tạm cho nghỉ học”.
Chưa dừng ở hình phạt quá quắt trên, cô chủ nhiệm lớp 5/2 còn bị phụ huynh tố có những lời lẽ mắng mỏ HS rất nặng nề. Ngoài ra, cô còn bị phản ánh có cách dạy… “không đụng hàng”. Một phụ huynh kể lại, trong một ngày, cô cho HS làm bốn bài tập làm văn thì trẻ con lấy đâu ý tưởng để mà viết! Nhưng các em vẫn phải làm. Làm xong, nộp cô, bài hay thì cô lấy con dấu “love you” đóng vào mà không hề có lời phê hay nhận xét. Nhưng khốn khổ hơn là những bài được đóng dấu “love you” HS sẽ phải chép lại năm lần nữa cho nhớ. Với hình thức đánh giá này, HS và phụ huynh không thể biết là các em đang được yêu thương hay bị trừng phạt.
Một phụ huynh lớp 5/2 phản ánh, cô Thanh rất hạn chế đưa ra lời nhận xét mà thường xuyên đóng dấu rập khuôn. Ở môn toán, thời khóa biểu học năm ngày thì cô lấy ngày thứ Hai dạy trước bài cho cả tuần.
Không chịu nhận sai
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 30/10, bà Nguyễn Thị Hồng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn - khẳng định: “Sau khi nhận được nội dung phản ánh, trường đã tiến hành xác minh và xác nhận những gì phụ huynh phản ánh là đúng và tạm đình chỉ công tác giảng dạy 15 ngày (kể từ ngày 29/10) đối với cô Thanh. Chúng tôi đã làm báo cáo gửi lên cấp trên.
Bước tiếp theo sẽ thành lập hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức kỷ luật chính thức, nhưng phải tìm hiểu kỹ, xem xét mức độ nặng nhẹ và làm đúng trình tự trước khi xử lý”. Bà Yến cũng cho biết thêm: trước đó, trường hoàn toàn không nghe phụ huynh hay HS phản ánh điều gì. Một phần là vì trường có hai cơ sở mà ban giám hiệu chỉ có hai người phải chạy qua chạy lại.
Cũng theo bà Yến, cô Thanh cho biết chỉ mới bắt đầu đưa ra hình phạt trên 1-2 tuần gần đây do HS nói chuyện nhiều. Hình thức xử phạt và cách dạy của cô Thanh hoàn toàn sai và cô cũng đã nhận lỗi, xin lỗi phụ huynh. Cô Thanh là giáo viên giỏi chuyên môn, chăm chút cho học trò, nhưng đã quá cứng rắn trong cách xử phạt. Hiện tại, cô Thanh không đứng lớp nữa nên trường thiếu giáo viên, hiệu trưởng và hiệu phó thay phiên nhau dạy tạm lớp 5/2.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc trước đó, cô Thanh không thừa nhận những phản ánh của phụ huynh. Biên bản làm việc của cuộc họp liên tịch (ngày 27/10) đã thể hiện điều này. Theo đó, sau khi có phản ánh từ phụ huynh, nhà trường đã yêu cầu cô Thanh làm bản tường trình về những nội dung phụ huynh nêu như: thu quỹ lớp, giao cho cán sự lớp quản lý lớp khi cô nghỉ, dùng lời lẽ và ngôn phong thiếu chuẩn mực, dạy trước chương trình, cho HS tự tát vào mặt khi nói chuyện; nhận xét rập khuôn.
Thế nhưng, trong bản tường trình của mình, cô Thanh cho rằng những phản ánh của phụ huynh là vô căn cứ. Hiệu trưởng đã cử giáo viên xuống lớp 5/2 xác minh sự việc. Tiếp đó, ngày 22/10 lại có thêm phụ huynh đến phản ánh con mình chịu hình phạt tự tát vào mặt. Sau đó, cô Thanh thay đổi hình thức xử phạt bằng cách gọi phụ huynh vào ký xác nhận lỗi của con mỗi khi HS vi phạm.
Trong buổi làm việc với hiệu trưởng, chúng tôi có đề nghị được gặp cô Thanh để trao đổi thêm. Tuy nhiên, bà Yến cho biết, cô đang bị sốc.
Trao đổi qua điện thoại ngày 30/10, ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình - cho biết, ông vừa nghe thông tin và đã mời phụ huynh đến làm việc. Sự việc nếu đúng như phụ huynh phản ánh thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
|
Gia Tuệ