Chuyện nhỏ như kế hoạch nhỏ

21/02/2019 - 20:32

PNO - Nhiều phụ huynh “quy ra thóc” chỉ tiêu kế hoạch nhỏ, bỏ phong bì tiền cho con mang nộp. Tệ nhất là chuyện những đứa trẻ sạch sẽ, xinh đẹp nơi đô thị phải đến quán xá, ra phố nhặt ve chai để “nộp cho cô”.

Tối, kiểm tra vở dặn dò của con trai, nội dung ghi “Tập chép bài 41. Nộp kế hoạch nhỏ”. Tôi hỏi con, nộp kế hoạch nhỏ là nộp cái gì; con bảo, nộp lon bia hoặc giấy báo. Tôi lại hỏi nộp để làm gì, con bảo: “Con không biết. Cô kêu nộp vậy thôi à”. Đến cơ quan, thấy chị bạn đồng nghiệp đi quanh, hỏi xin giấy vụn của mọi người, tôi hỏi đùa: “Để cho con nộp kế hoạch nhỏ hả chị?”, ai ngờ chị gật đầu, xác nhận.

Từ bao giờ không rõ, học sinh tiểu học đã không còn biết làm kế hoạch nhỏ là làm gì và để làm gì hay vì sao cần phải làm kế hoạch nhỏ. Kế hoạch nhỏ của học sinh tiểu học, từ bao giờ, đã trở thành trách nhiệm của phụ huynh, để nhà trường đối phó với các chỉ tiêu, báo cáo thành tích. Thế mới có chuyện bi hài là có những phụ huynh ra quán nhậu mua lại vỏ lon cho con nộp kế hoạch nhỏ, để đạt danh hiệu “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ”.

Chuyen nho nhu ke hoach nho
Quan trọng các em học được gì từ việc làm những kế hoạch nhỏ này

Nhiều phụ huynh khác “quy ra thóc” chỉ tiêu kế hoạch nhỏ, bỏ phong bì tiền cho con mang nộp. Tệ nhất là chuyện những đứa trẻ sạch sẽ, xinh đẹp nơi đô thị phải đến quán xá, ra phố nhặt ve chai để “nộp cho cô”.

Không có bài học tiết kiệm, tái chế rác thải nào được dạy cho học sinh và tin rằng trẻ em TP.HCM hôm nay cũng không hề biết phong trào kế hoạch nhỏ thực sự khởi phát ở nơi này, từ hơn 40 năm trước, rằng đoàn tàu Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh khánh thành ngày 1/1/1979 chính là từ công sức tiết kiệm của thiếu nhi Việt Nam.

Nhớ thuở bé, tôi đã từng ngồi gấp, dán giấy báo thành những chiếc túi đựng đồ, mang lên lớp làm kế hoạch nhỏ, để “góp phần xây dựng đất nước”. Có năm, vì không đủ số lượng giấy theo yêu cầu, tôi đã lén lấy của bà chị mấy cuốn báo Liên Xô - loại báo chất lượng giấy rất tốt, rất hiếm thuở ấy, mang đi nộp và bị chị đánh đòn.

Kế hoạch nhỏ thuở ấy, với bọn trẻ chúng tôi cũng đã là áp lực, nhưng ít nhất chúng tôi cũng biết được rằng, mình đang tiết kiệm. Chúng tôi còn được thầy cô giáo dạy nên giữ lại vỏ lon, chai nhựa, giấy thừa để bán ve chai. Vỏ lon, chai nhựa, giấy thừa… chẳng phải là những thứ chúng ta đang được yêu cầu phân loại trong chủ trương phân loại rác thải tại nguồn, theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM đó sao?

Chưa kể, thế kỷ nào rồi mà chúng ta lại để trường học phụ trách việc thu gom rác thải tái chế, bán ve chai lấy tiền? Hình ảnh học sinh mang rác thải vào trường, thầy cô thu gom, rồi xe đến chở khỏi trường mà cả thầy lẫn trò đều không rõ mục đích liệu có phải là câu chuyện giáo dục? 

Thành Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI