Chuyển nhầm nửa tỷ đồng
Tháng 8/2022, anh Nguyễn Duy Khanh, ngụ P.16, Q.8, TPHCM đã chuyển nhầm 1,5 triệu đồng tiền mua vật liệu xây dựng cho bà N.O.T., ngụ tỉnh Bình Dương. Bốn ngày sau, khi phát hiện đã chuyển nhầm, anh Khanh đến ngân hàng làm các thủ tục sao kê và liên hệ với người nhận tiền là bà T. để “xin” lại thì bà T. ra điều kiện anh phải đến nơi bà cư trú với sự chứng kiến của ngân hàng và công an địa phương. Nhận thấy 1,5 triệu đồng chẳng đáng là bao mà phải đi lại, liên hệ với nhiều nơi rất nhọc công nên anh Khanh không “xin” lại nữa. “Tôi cho rằng ngân hàng cần có trách nhiệm trong việc này. Bởi lẽ, tôi chuyển tiền nhầm vào tài khoản cùng hệ thống ngân hàng. Do vậy, ngân hàng có thể xác minh đôi bên và chuyển trả lại cho tôi” - anh Khanh nói.
|
Ông Võ Văn Dân - người chuyển nhầm nửa tỷ đồng cho bà Trịnh Thị Mai và đang bị bà này chiếm giữ trái phép 300 triệu đồng |
Có trường hợp đã chuyển nhầm số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng thì việc đòi lại là vô cùng gian nan. Ông Võ Văn Dân (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, ngày 6/4/2022 anh đặt cọc 500 triệu đồng tiền mua đất với một người tên Đặng Thị Mai. Nhưng khi thao tác, anh lại chuyển nhầm tiền vào tài khoản của Trịnh Thị Mai, là người thuê nhà của anh và có tên trong lịch sử giao dịch.
Phát hiện mình chuyển nhầm, ông Dân đã liên hệ với bà Trịnh Thị Mai để “xin” chuyển lại. Bà Mai cho biết, bà đã chuyển số tiền trên cho một người khác và cam kết sẽ trả lại. Tuy nhiên, sau đó bà chỉ chuyển trả 200 triệu đồng. 300 triệu đồng còn lại, đã 5 tháng trôi qua, bà vẫn chưa trả dù ông Dân đã nhiều lần tìm gặp. Cho rằng bà Trịnh Thị Mai có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của mình, ông Dân làm đơn tố cáo vụ việc đến Công an Q.Tân Bình từ ngày 19/5, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.
Gian nan việc "xin" lại
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 579 của Bộ luật Dân sự năm 2015, người nhận số tiền người khác chuyển nhầm phải hoàn trả cho chủ sở hữu. Trong trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không hoàn trả sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc “sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác” sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng và buộc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép.
“Cùng với đó, người không trả lại tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại điều 176 Bộ luật Hình sự. Việc phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị xử phạt từ 1-5 năm tù” - luật sư Trần Minh Hùng cho hay.
|
Thông tin giao dịch thể hiện ngày 6/4, khi nhận 500 triệu đồng chuyển nhầm từ ông Dân, bà Mai đã lập tức chuyển cho một người khác - Ảnh: Sơn Vinh |
Luật sư Hùng lưu ý, người chuyển nhầm tiền cần phải lưu lại các bằng chứng chứng minh đã chuyển nhầm như: chụp ảnh giao dịch, liên hệ với ngân hàng để thực hiện các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.
Về mặt thực tế và pháp lý, khi ngân hàng đã liên hệ với chủ tài khoản yêu cầu chuyển hoàn lại số tiền đã chuyển nhầm mà không thực hiện thì phải có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền là cơ quan cảnh sát điều tra. Do đó, người chuyển tiền nhầm cần làm đơn tố giác tội phạm kèm theo các chứng cứ về việc chuyển khoản có xác nhận của ngân hàng và chứng cứ về việc đã liên hệ nhưng người nhận không phản hồi, hoặc từ chối trả lại tiền gửi cơ quan công an và viện kiểm sát về hành vi chiếm giữ tài sản. Quá trình điều tra sẽ xác định tội danh cụ thể của người nhận tiền.
“Với vụ việc ông Võ Văn Dân chuyển nhầm 500 triệu đồng cho bà Trịnh Thị Mai, ông Dân tố cáo bà Mai có dấu hiệu chiếm giữ tài sản của mình đến cơ quan công an là đúng. Căn cứ theo điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì: Nếu vụ việc không có các tình tiết phức tạp phải kiểm tra thêm, sau 20 ngày cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ sẽ kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Nếu thấy cơ quan tố tụng xử lý không thỏa đáng thì ông Dân có thể thực hiện quyền khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định tại chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự” - luật sư Trần Minh Hùng tư vấn.
Lòng tham làm vướng vòng lao lý Thời gian gần đây đã xảy ra không ít các trường hợp nhận được tiền chuyển nhầm nhưng không chịu trả lại, nên bị khởi tố. Cụ thể là vào đầu năm 2022, Công an TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã bắt giữ T.T.T. để điều tra về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép. Theo đó, T. được anh L.Q.T. chuyển nhầm 70 triệu đồng, nhưng không chịu trả lại mà cố ý tiêu hết số tiền trên. Khi bị tố cáo đến cơ quan công an thì T. bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Trước đó, Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm và tuyên chín tháng tù với N.V.C. về tội chiếm giữ trái phép 178 triệu đồng của công ty chuyển nhầm để tiêu xài cá nhân mà không chịu trả lại. |
Sơn Vinh