Chuyện người Sài Gòn 'quỡn'

31/07/2017 - 11:45

PNO - Với một đô thị có hơn chục triệu người, được xếp vào tốp năng động nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế… như Sài Gòn - TP.HCM thì chuyện người dân ngày ngày tất bật là điều đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng cũng thật lạ. Giữa đô thị ồn ào, vội vã này cũng có rất nhiều người quỡn - những người trong độ tuổi lao động nhưng quỡn toàn phần chứ không phải người hưu trí, dưỡng già hay trẻ em.

Chuyen nguoi Sai Gon 'quon'
Nhiều người Sài Gòn quỡn dành thời gian tập Yoga, chơi quần vợt, bù khú với bạn bè, mặc cho thế sự xoay vần (Ảnh minh họa)

Vì sao trong một đô thị hầu hết mọi người phải cắm đầu cắm cổ chạy việc kiếm miếng ăn để sống, kiếm tiền vàng để làm giàu lại có người quỡn rỗi toàn phần? Lạ hơn nữa là số người quanh năm tự cho mình cái quyền nghỉ phép mút chỉ này đang càng ngày càng tăng theo đà suy thoái đạo đức, kinh tế.

Đầu tuần, chúng tôi đi ăn đám giỗ và tình cờ được gia chủ xếp ngồi gần một người quỡn. Chàng tuổi khoảng bốn mươi, nhà ở quận 11; thoạt trông bề ngoài, chàng giống một giáo sư với cặp kính cận và áo sơ-mi được cài măng sét cẩn thận. Khi chúng tôi mời chàng nâng ly, chàng bảo: “Tôi còn sô đám cưới buổi chiều, xin thông cảm; giao lưu với bàn này vài tua thôi”.

Rồi thì cũng ngà ngà, anh kể gia đình anh gốc Bắc di cư - trọng lễ nghĩa họ hàng lắm. Anh cả chàng ở ngước ngoài, “trả lương” để chàng sống và trả cả tiền bao thư đi đám cho chàng mấy chục năm nay. Chàng tâm sự. “Hễ có sô là đi, chẳng cần biết họ xa họ gần nên bây giờ đâm nghiện rượu, nghiện đám tiệc. Người Bắc tôi có đám có tiệc mà họ hàng không mời hoặc được mời mà không đi thì xấu hổ và khó ăn khó nói lắm”.

Một trường hợp được Việt kiều trả lương để quỡn khác là ông Nhân, tuổi ngoài năm mươi.  Ông này sống như “người trên mây” - mấy chục năm không làm gì, nhưng ông may mắn có người chị ở Pháp thương yêu và đều đều chu cấp “lương hưu” để ông sinh sống. 

Chuyen nguoi Sai Gon 'quon'
 

Có người đoán số kiều hối ông nhận được thực ra cũng chỉ bằng số lương hưu của một giáo viên (khoảng gần 200 USD) nên buổi sáng ông xuống quán cà phê bình dân ngồi làm ly cà phê đen, uống hết bình trà này tới bình trà khác cho đến khi mặt trời đứng bóng thì về nhà. Buổi chiều ông ngồi trước cửa nhà nhâm nhi đúng ba lon bia 333. Phần đời sống của vợ con thì vợ con ông tự lo; phần ông cứ quỡn và “thế sự thăng trầm quân mạc vấn”.

Ở Sài Gòn, sống quỡn mà sung túc có lẽ là giới cho thuê mặt tiền nhà kinh doanh và nhà trọ cho dân nhập cư. Trong giới cho thuê nhà chỉ để có tiền sống quỡn chứ không kinh doanh địa ốc thì chỉ cần có một căn nhà mặt tiền thuộc khu quận 1, quận 3 là hàng tháng có thể bỏ túi năm bảy ngàn đô la Mỹ để tha hồ quỡn mà chơi bời, tận hưởng cuộc sống hay ngày ngày lên mạng “chém gió”. 

Một giáo sư toán, trước đây phất lên nhờ nghề dạy luyện thi đại học. Sau đó, ông sợ dạy nhiều đen phổi nên chuyển qua mua nhà mặt tiền để cho thuê. Ông giáo nay sáng đi đánh quần vợt, tối đi nhậu đặc sản với thân hữu. Vợ ông thì sáng đi tập Yoga, tối ngồi quán nghe nhạc rồi hát với nhau; một tuần đi bar vài lần. Cả hai vợ chồng năm nào cũng đi du lịch nước ngoài.

Giới cho thuê phòng trọ phần nhiều là cán bộ về hưu. Tiền tích góp bao năm từ nhiều nguồn giờ chuyển sang đầu tư vào giá trị thặng dư của dân lao động nhập cư. Một cán bộ có cỡ thuộc ngành bưu điện, lúc về hưu thì hai đứa con đi du học nước ngoài cả chục năm trước nay cũng đã định cư ở Đức. Thế là hàng tháng ông chỉ ngồi rung đùi thu tiền thuê nhà, thuê phòng.

Chuyen nguoi Sai Gon 'quon'
 

Mấy khu công nghiệp gần gần Sài Gòn, ông đều có nhà trọ cho thuê. Bên cạnh đó ông còn cho vay tiền góp. Nghe đâu mỗi người chỉ dăm ba triệu, nhưng nhiều người thì cũng nhiều. Ông thường khoe: “Mấy đứa con tui ở nước ngoài chỉ được có cái vỏ bên ngoài, sao giàu bằng tui được”. Tuổi về chiều, ông lại có thú sưu tập rượu ngoại và bù khú ở những quán nhậu. Vợ ông thì lại có thú “sưu tập” thầy bói, thầy bùa; hàng tháng lại tổ chức vài chuyến hành hương đây đó.

Cũng đồng cảnh sống quỡn là một số văn nghệ sĩ. Giới này già có, trẻ có. Bất kể giờ nào trong ngày, cứ “a lô” là hò hẹn cà phê hoặc nhậu vô tư. Thường thì họ thích hòa lẫn trong các quán cà phê vỉa hè ở quận 1, quận 3 hoặc các quán nhậu bình dân bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc...

Cái sự quỡn của họ, tuy cũng chỉ là quỡn, lại ngấm ngầm có khí phách trong chuyện vận nước thăng trầm, văn hóa đảo điên. Hỏi thăm một số người trẻ tuổi thuộc thế hệ 8X, 9X; ta được nghe rằng: “Mấy chú này ngồi quán dài và dai lắm, nhưng chúng cháu thích ngồi nghe lén họ nói. Nhiều chuyện trong trường không dạy, có dịp ngồi bàn kế họ là được học”.

Kể ra, trong thời đại mà Sài Gòn đầy các tờ báo lá cải, giật gân chuyện giết-cướp-hiếp... thì chuyện quỡn của giới văn nghệ sĩ cũng cho thấy là Sài Gòn còn đó những trí thức có chính kiến riêng trước thời cuộc. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI