Chuyện người phụ nữ sống “bên lề” xã hội

26/08/2022 - 07:33

PNO - Nằm còng queo trên chiếc giường giữa tứ bề nước ngập, bà Nguyễn Thị Trinh (56 tuổi) cám cảnh: “Tui như người sống “bên lề” xã hội”. Hiện, bà chỉ ước mơ có ai giúp cho cái thẻ bảo hiểm y tế để được chữa bệnh ít tiền. Nhưng điều đó với bà không dễ.

Hơn 20 năm trước, sau khi cha mẹ mất, anh chị và các cháu không thương, bà Trinh rời huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lên TPHCM làm thuê và sinh sống tại phường Tam Phú, TP.Thủ Đức. Bà dựng một căn chòi ven ruộng rau làm chỗ ở cho mình. Mảnh ruộng sau đó nằm trong dự án xây chung cư. Bà được chủ dự án thương tình, không đuổi đi mà còn cam kết sẽ chỉ lấy lại đất khi bà không còn sống.

Theo thời gian, nhà cửa mọc lên xung quanh, căn chòi của bà Trinh lọt thỏm giữa vùng trũng, hễ mưa là ngập. Bao bận căn chòi như muốn đổ sập, bà lại đi xin bạt, tôn cũ chằm vá lại. Giữa thành phố, nhưng mấy mươi năm qua bà sống trong cảnh điện không có, nước phải đi xin. 

Bà Trinh trên chiếc giường giữa tứ bề nước ngập
Bà Trinh trên chiếc giường giữa tứ bề nước ngập

Khoảng một tháng trước, bà Trinh thấy chân tay mình sưng phù, da và mắt bị vàng, người mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn… Bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm gan cấp, xơ gan do viêm gan, tăng bạch cầu, suy van tĩnh mạch sâu hai chi dưới. Bà Trinh không có tiền làm các xét nghiệm chuyên sâu, dù nghi ngờ bị bệnh ung thư, nên sau tám ngày nằm viện điều trị các triệu chứng, hết tiền, bà đành về nhà. 

Nhìn tờ chứng minh thư được làm từ năm 18 tuổi, đã hết hạn, chưa một lần dùng đến, bà Trinh tủi thân: “Ông tổ trưởng khu phố thấy tui khổ quá, lên phường xin hỗ trợ cho tui cái thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng họ bảo, từ đó giờ tui không đăng ký tạm trú, chứng minh lại quá cũ không còn được định danh nên không làm được hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế”. Thương bà, có người hàng xóm từng đi hỏi mua bảo hiểm y tế cho bà nhưng bà không có giấy tờ tùy thân, họ cũng không bán được. Người ta khuyên bà về quê tìm lại tung tích, trích lục giấy tờ tùy thân ở địa phương, nhưng sức khỏe của bà chỉ còn nằm một chỗ, bà cũng không nhớ đường về, không biết có còn người thân nào.

Mọi sinh hoạt của bà Trinh hiện nhờ vào ông Ngọt, người đang sống cùng bà. Gần mười năm trước, ông Ngọt đi cắt cỏ, chăn bò thì gặp bà Trinh. Ông không vợ con, chung cảnh nghèo khó nên họ đến với nhau, dựa vào nhau đắp đổi qua ngày. Ở tuổi 67, ông Ngọt gầy nhom, ốm yếu và nhiều bệnh tật, miếng ăn cũng dựa vào hàng xóm thương tình…

Phong Vân

Mọi đóng góp của bạn đọc hảo tâm giúp bà Nguyễn Thị Trinh chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ Nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3; hoặc qua đường bưu điện hay tài khoản từ thiện: BÁO PHỤ NỮ TPHCM, số 007.100.1049165 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TPHCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay bà Trinh. Xin trân trọng cảm ơn!
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI