Sáng nay, mở báo điện tử Phụ Nữ ra, đọc bản tin về việc người phụ nữ dìm chết đứa trẻ con mình chỉ mới vừa 33 ngày tuổi, tôi chưa qua hết được cơn bàng hoàng, đau xót của một người cũng là một phụ nữ, là mẹ thì còn bàng hoàng và kinh hãi hơn khi nhìn tấm hình chụp một đám đông quần chúng đứng bu lấy cửa căn nhà la hét đòi đánh người phụ nữ kia. Hình dung đầu tiên của tôi là bi kịch đang nối tiếp bi kịch và tất cả có thể chỉ do một nguyên nhân lớn hơn hết: sự thiếu hiểu biết.
|
Ảnh: Internet |
Cách đây nhiều năm, tôi cũng từng là một người mẹ. Tôi sinh con ở nước ngoài và ngày đó, bệnh viện nước ngoài khá nghiêm ngặt với các quy định về vô trùng. Chính vì thế tôi cũng như nhiều người mẹ khác không có được cái cảnh có người nhà xúm xít xung quanh chăm sóc như ở Việt Nam.
Chúng tôi được ở trong những căn phòng đẹp đẽ, rộng rãi, sáng sủa. Con chúng tôi được các y tá chăm sóc riêng và chỉ được đưa đến cho chúng tôi vào những giờ cho bú. Vì sinh mổ nên tôi đã phải uống thuốc giảm đau và tác dụng phụ của thuốc đôi khi làm tôi rơi vào trạng thái lờ đờ khá mệt mỏi.
3 ngày sau sinh, các bác sĩ mới cho phép chúng tôi tự chăm sóc con. Con tôi không quấy khóc, thế nhưng chẳng hiểu vì sao buổi tối cháu không chịu ngủ. Cháu cứ nằm mở mắt nhìn trần nhà, nhìn xung quanh. Chỉ thế thôi mà tôi đã rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ.
Tôi cũng không thể ngủ và thấy rất hoảng hốt, sợ hãi. Buổi chiều, khi chồng được vào thăm, tôi đã thể hiện sự hoảng loạn của mình, đến mức vì thương tôi, đêm đó anh đã trèo hai tầng lầu bệnh viện, cạy cửa sổ vào phòng tôi để ngồi bên cạnh tôi và con…
Anh bị bảo vệ bắt được, bị đuổi ra, rồi lại tìm cách trèo vào. Tất cả những can đảm, tận tình và sau này là sự chăm sóc của cả nhà khi tôi xuất viện đã đưa tôi trở lại trạng thái bình thường.
Tuy vậy, thỉnh thoảng, khi chỉ có một mình mà con kêu khóc, tôi lại thấy cảm giác mệt mỏi khó tả bao trùm. Có khi tôi còn từ chối cho con bú, ngồi khóc. Những lúc đó, chồng tôi đã vừa ôm tôi, an ủi tôi, vừa pha sữa cho con bú…
Tất cả những chuyện đó đã trôi qua hơn 20 năm, thế nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một. Nhớ cảnh mình lang thang ra hành lang, yêu cầu bác sĩ cho uống thuốc ngủ hay bất cứ thứ gì. Nhớ cảnh mình nắm vành nôi của con đến đau cả tay và đầu óc u u như bị xoay mòng mòng.
Ngày ấy, tôi hoàn toàn không hiểu rằng mình bị làm sao. Chỉ lờ mờ nghĩ rằng mình căng thẳng do không quen với vị trí mới, trách nhiệm mới và mình sợ hãi. Hàng chục năm trôi qua, tôi mới bắt đầu nghe tới cụm từ "trầm cảm sau sinh" và hàng loạt những câu chuyện về thương tâm khi những người mẹ trẻ đã không tự mình vượt qua được căn bệnh này.
|
Ảnh: Internet |
Và bây giờ đây, lại một vụ nữa, người phụ nữ chưa tới 20 tuổi vừa phạm một điều tày trời mà đám đông gọi là tội ác. Tôi không biết cô đã trải qua những giời phút kinh hoàng như thế nào, nhưng tôi biết chắc là cô đã chỉ có một mình, ngay lúc đó.
Lý do có thể ở chính cô, cô không hiểu được mình và không chịu chia sẻ với người thân. Cũng có thể ở chính người thân: họ không hiểu điều đang diễn ra với cô, có khi còn bực dọc, tức giận vì nghĩ cô không yêu con, không biết chăm sóc con, không chịu được vất vả một mình… Biết đâu chừng đã có những câu nói không được nhẹ nhàng, không được chia sẻ thốt ra với cô khi mà mọi người không hiểu hết được vấn đề… Tất cả những điều đó đẩy người mẹ trẻ đến với hành động mà chính cô cũng không ý thức được mình làm gì.
Rời trang báo, tôi theo thói quen lang thang vào facebook và bất ngờ gặp một vài status của bạn bè. Họ là những trí thức. Họ là những người có hiểu biết. Ấy thế mà tôi đã gặp những dòng viết đầy kinh ngạc, đầy trách móc, đầy… tự hào về chính bản thân mình: “Ôi, ngày mình sinh con, mệt thì có mệt, nhưng mà yêu con lắm cơ”; “Ôi, chỉ có tâm thần chứ trầm cảm sau sinh làm sao như thế”; “Sao có thể hận thù người lớn mà giết con mình”… Tôi liên tiếp choáng váng.
Bạn có thể có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Bạn có thể có những may mắn (như chính tôi), được thương yêu, được giúp đỡ. Nhưng bạn đừng nghĩ rằng điều đó là dành cho tất cả mọi người.
Bạn có thể nào hiểu hết điều người mẹ trẻ kia đã trải qua hay không? Và bây giờ tâm trạng cô ấy đang trải qua như thế nào? Có thể nói người mẹ trẻ ấy đã đang ở dưới nấm mồ của mình, cùng với đứa con rồi, đâu cần bạn phải ném thêm những viên đá tảng lên người, góp thêm những chửi bới cuồng nộ của đám đông lên người cô ấy!
Hùm dữ không ăn thịt con. Điều ông bà nói chắc chắn là đúng, luôn luôn đúng. Vì thế, hãy để cho pháp luật và khoa học làm việc với trường hợp của người mẹ này.
Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là làm sao để hiểu biết đến được với mọi người, để tránh bớt đi những bi kịch quá đau lòng như thế này xảy ra thêm nữa.
Ném thêm gạch đá, chuốc thêm thuốc độc lên một con người có thể là đã chết, thì bạn sẽ được gì?
Thanh Hà