Chuyện 'người khổng lồ' cao... 1m46

05/08/2019 - 07:40

PNO - Gọi Lê Thị Ngọc Hồng (lớp 11D2, Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9) là “người khổng lồ” có vẻ sai với chiều cao 1m46 của em. Nhưng nhìn vào hành trình chinh phục từng môn học để đạt kết quả giỏi thì em đúng là “người khổng lồ”.

Lọt thỏm giữa tập thể lớp do chiều cao khiêm tốn, Lê Thị Ngọc Hồng (lớp 11D2, Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9, TP.HCM) có cái biệt danh mà bạn bè thân thương dành tặng: “một mét bốn mươi sáu”. Ấy vậy mà, bảng thành tích học tập của Hồng khiến các bạn trong lớp đều xem em là “người khổng lồ”: đứng đầu lớp với điểm trung bình cả năm 9,2.

“Dù tôi không cao”...

Học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 29

Chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” của báo Phụ Nữ TP.HCM đã bước sang năm thứ 29. Qua 28 năm thực hiện, chương trình đã trao gần 8.000 suất học bổng cho học sinh phổ thông các cấp ở mọi miền đất nước... Hằng năm, trung bình có trên 85% nữ sinh cấp III nhận học bổng đậu vào đại học. Chương trình không chỉ cùng chăm lo con đường học hành cho các em mà còn luôn lắng nghe, chia sẻ để kịp thời động viên, khích lệ các em cùng phụ huynh trong cuộc sống còn nhiều nhọc nhằn, gian khó.

Năm học 2019-2020, báo dự kiến trao 600 suất học bổng cho học sinh phổ thông thuộc 24 quận, huyện tại TP.HCM và một số tỉnh, thành vào ngày 24/8/2019 với tổng giá trị chương trình là 1,5 tỷ đồng.

Hồng cho biết, môn học mà em hứng thú nhất là Anh văn. Không có điều kiện để đến trung tâm ngoại ngữ như các bạn, Hồng chỉ biết “cày” thật chắc ngữ pháp, rồi mở YouTube luyện nghe và phát âm. Tự mày mò, nhưng điểm Anh văn của Hồng bao giờ cũng vượt con số 9. 

Giỏi tiếng Anh, các môn tự nhiên cũng thuộc hàng đầu của lớp, nhưng như thế chưa đủ để nói về Hồng. Năm lớp Bảy, Hồng đạt huy chương vàng môn văn cấp quận vì cái môn đó “hợp với một con bé giàu cảm xúc như em”. Tưởng thành công ban đầu ấy sẽ khiến em tiếp tục theo đuổi môn văn, thì ngay năm sau, Hồng lại chuyển hướng sang môn địa, là “cái môn mà em dở nhất”.

Hồng nói vui, “cách để học môn mình không giỏi là phải ghét nó. Khi đó, em không chấp nhận để nó khuất phục mình”.

Thế rồi Hồng đăng ký tham gia đội tuyển học sinh giỏi địa cho “bõ ghét”. Cuối cùng, với quyết tâm, cùng với cách truyền đạt thu hút từ giáo viên, Hồng phát hiện hóa ra “kẻ thù” cũng có nhiều điều hay nên “em vui vẻ làm bạn với nó”. Kết quả, năm 2017 và 2018, Hồng liên tiếp đoạt hai huy chương vàng môn địa trong kỳ thi Olympic cấp thành phố.

Chuyen 'nguoi khong lo' cao... 1m46

Lê Thị Ngọc Hồng (thứ hai từ trái sang) trong buổi phát thưởng của nhà trường

Điều đó cũng diễn ra tương tự với môn hóa. Vào lớp Mười, Hồng nhận “cú sốc lớn” là điểm 3 bài kiểm tra hóa. “Em khóc bù lu bù loa. Khóc xong em gấp bài lại, không phải để phóng máy bay như các bạn mà kẹp trong quyển tập hóa để làm kỷ niệm và nhắc nhở mình”, Hồng kể.

Rồi em lao vào học môn hóa bắt đầu từ kiến thức cơ bản ở những năm trước. Hơi chật vật, nhưng dần dần em đã khắc phục được điểm yếu của mình. Ngay học kỳ II năm lớp Mười, Hồng giành được giải nhì môn hóa trong kỳ thi Rung chuông vàng do nhà trường tổ chức. Cuối năm lớp 11, điểm trung bình môn hóa của Hồng đạt 9,3.

Nếu đủ cố gắng sẽ không thua kém ai

Cha bỏ đi từ lúc Hồng mới lên năm. Trở thành người đàn bà đơn thân nuôi con nhỏ trong khi cuộc sống trước đó cũng chẳng có gì ngoài hai chữ “gian nan”, chị Bạch Tuyết, mẹ Hồng, kể: “Nhiều khi tôi muốn bỏ hết mà đi. Nhưng nghĩ đến con, lại phải cố gắng”.

Mở tiệm uốn tóc tại nhà nhờ cái nghề học được từ thời trẻ, nhưng thu nhập thất thường, vì chỉ phục vụ những nhu cầu đơn giản như gội đầu, làm móng. Do đó, hễ không có khách là chị chạy xe ôm, rồi rảnh nữa thì nhận hàng về gia công. Nghỉ hè, hàng gia công nhận về nhiều hơn bởi có Hồng giúp một tay.

Dễ hình dung, hoàn cảnh sống sẽ khiến Hồng trở thành nữ sinh hiền lành có phần khép kín. Nhưng không, đậu lại nơi nụ cười có phần tinh nghịch là một cô bé Hồng đã sống với một “thanh xuân rực rỡ” - như cách em diễn tả.

Cũng không ngoa khi bạn bè đưa những nhận xét ngắn nhưng đầy đủ khi nói về Hồng: “không có mâm nào không có mặt nó”, “chưa thấy đứa nào học giỏi mà mê game, chơi giỏi như nó”.

“Cái chính là trong lớp phải chăm chú nghe giảng, nghe hiểu rồi mới được phép thả lỏng. Chỉ khi nào đã chắc chắn nắm được kiến thức thì mới chơi”, Hồng lý giải nguyên nhân tại sao mình “giỏi đều” như vậy.

“Khởi đầu của em không may mắn với tuổi thơ kém hạnh phúc, nhưng em nghĩ, nếu đủ cố gắng mình sẽ không thua kém ai cả. Hoàn cảnh khó khăn là động lực thúc đẩy em cố gắng nhiều hơn để cải thiện cuộc sống”, Hồng nói.

Nhìn hoàn cảnh theo chiều hướng tích cực, cho nên ước mơ của Hồng không chỉ gói gọn trong ngôi nhà nhỏ với vài món đồ làm nghề cũ kỹ của mẹ, mà mở ra đến “tận cùng thế giới” khi em nói em vẫn đang nỗ lực trau dồi ngoại ngữ cho một ngày ước mơ du học trở thành hiện thực. 

“Thế giới có biết bao điều kỳ lạ, quan trọng là em muốn thử thách chính mình”, cái suy nghĩ lấp ló trong Hồng từ những ngày mới vào cấp II, đến nay vẫn kiên định từng ngày bằng cách mày mò tự học tiếng Anh qua mạng. Cô gái 17 tuổi, với tầm nhìn xa và ý chí luôn muốn chinh phục cái khó sẽ vượt qua nghịch cảnh mà bay cao, bay xa đến những chân trời mới. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI