Chuyện người bỏ phố về quê: Về, dựng lại nếp nhà thong thả

09/08/2020 - 18:00

PNO - Trên mạng, các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm “về rừng” ngày một nhiều và sôi động. Ngoài đời thực, dăm ba hôm lại nghe một người thành phố về định cư nông thôn. Thị hiếu xã hội dường như đang dồn về các clip vườn tược, ruộng nương, núi đồi. Có vẻ như những sự kiện xã hội nào đó đã khiến con người có xu hướng quay về những điều chân phương, nhu cầu tối giản.
Xin giới thiệu cùng bạn câu chuyện của người đàn bà sáng lập một công ty sách đã bỏ tất cả để: "về quê như cá về nước".

Một. 

Hồi bà ngoại tôi còn, tức là hồi tôi lớn bằng thằng út bây giờ, về thăm ngoại là về thiên đàng. 

Ngoại tôi ít nói, kỹ tính, hay lèm bèm. Hở một chút là mắng “tổ cha mày”, nhưng tay thì luôn cầm cái gì đó cho cháu ăn. Vì lâu lâu mới được về quê, nên tôi thường quẩn quanh bên ngoại, phụ lặt rau, quét nhà. Giờ mỗi lần ra chợ mà thấy một rổ cá sông, là tôi nhớ ngoại da diết. Ngoại tôi kho cá lạt, kho cá đồng với nghệ là ngon nhứt trần đời. 

Ngày ông bà ngoại mất, tôi là đứa cháu được học đại học duy nhất của ông bà. Tôi bươn chải phương xa, đời cũng qua ba chìm bảy nổi, may mắn được gặp nhiều người hay, ăn nhiều món lạ, được đi khắp nơi từ những làng có vài trăm người đến những thành phố hơn chục triệu người. Tôi không nhớ nổi mình đã ngồi bao nhiêu loại ghế trên khắp cõi ta bà đã đi qua. Nhưng tôi thèm nhất là ngồi trên chiếc ghế đòn nhỏ xíu bằng gỗ nâu ngả màu, trầy xước, bên cái giếng khơi nước đầy ắp ngọt lịm của ngoại. Tôi còn nhớ cái mùi bồ kết, nhớ cây chanh khô quéo trái lưa thưa, mà vắt nước thì đầy mọng thơm lừng. 

Về rừng sống giữa thiên nhiên là giấc mơ của bao người phố thị. Ảnh: M.T
Về quê dựng nhà, sống giữa thiên nhiên là giấc mơ của bao người phố thị. Ảnh: M.T

Bước vào tuổi 40, tôi nhớ ngoại nhiều. Có lẽ mẹ tôi giờ đây đã già bằng đúng tuổi của ngoại khi xưa, và dáng dấp hệt ngoại ngày ấy. Mẹ tôi giờ cũng kỹ tính, lèm bèm, và trên tay luôn có cái gì đó cho mấy đứa nhỏ ăn. 40 năm có ý thức, 15 năm làm mẹ, nay tôi mới bắt đầu hiểu cái tính lèm bèm của người già. Vì tôi thấy mình đã bắt đầu lèm bèm như mẹ, như bà. 

Ở thành phố, có bà chị gốc Quảng bán đặc sản quê. Chị bán dưa gang muối, cái món tôi ghiền. Thành ra đãi bạn bè, tôi hay đãi món gì đó có dưa gang muối. Mà phải “bạn ruột” mới được ăn. Trong quy ước thầm lặng của tôi, khách xã giao làm ăn thì đãi phô mai, ô liu muối, bạn chí cốt thì đãi dưa gang muối. 
Bạn hỏi tôi vì sao về quê sống mà tôi kể dềnh dàng đồ ăn thức uống, nghe cũng kỳ. Nhưng thật tình, tôi thấy mình thèm ăn món quê, mà ăn ở thành phố thì mắc quá!

hèm ăn món quê, mà ăn ở thành phố thì mắc quá!
Tôi thường thèm ăn món quê, mà ăn ở thành phố thì mắc quá! Ảnh minh hoạ.

Hai. 
Tôi nhớ lúa. 
Nhà tôi không làm nông. Tôi lớn lên trong khu tập thể của xí nghiệp lâm nghiệp, nhưng tôi thèm mùi cánh đồng. Tôi chơi với đám bạn nhà quê, trở thành con nhỏ thị dân nửa mùa lọt thỏm trong nhóm. Thành ra, đám bạn dẫn tôi đi lang thang khắp xóm, hái đủ loại trái cây vườn. Nhà tụi nó có trái cây gì chín là tôi được rủ tới chơi.

Có những ngày lội khắp vườn, chạy khắp ruộng, tôi ước gì ba má mình có một cục đất quê. 
Đã từng kẻ đón người đưa, một ly cà phê tôi uống bằng mấy chục ký lúa của ông bà, nhưng tôi vẫn là một con nhà quê từ trên xuống dưới, từ sâu thẳm bên trong. 

Nói vậy là để nói cái này: tôi về quê như cá về nước thôi. 

Tôi nhớ lúa quá nhiều trước khi tôi được gặp lúa mỗi ngày. Ảnh: nhân vật cung cấp
Tôi nhớ lúa, và tôi thu xếp để thực hiện ước mơ phải "gặp" lúa thật sớm. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Ba. 
Nếu không có công nghệ, chắc chắn tôi không dám về. Thiệt. Vì mấy đứa con với chuyện học hành của nó, tôi chẳng biết phải thu xếp thế nào. 

Nhưng giờ đây, thiệt may vì ban ngày con học trường làng, tối về con học các chương trình quốc tế. Có cả ngàn khóa học trực tuyến đang sẵn chờ. Chưa bao giờ chuyện tự học dễ như bây giờ, thầy giỏi ở khắp nơi, muôn hình vạn trạng. Chỉ cần con chịu học thì ở quê cũng như ở thành phố, chẳng khác gì nhiều đâu. 

Những buổi chiều, tôi đạp xe chở đứa con út phía sau, ra biển. Thấy nó nghịch sóng cười rắc rắc, tôi tưởng lòng mình có những cơn mưa tưới ngập bùn sâu. Lúc chở nó qua cánh đồng, tôi hỏi con có nghe mùi lúa không? Nó lặng im không trả lời. Tôi ngoái đầu ra sau, thì thấy nó đang miên man nhìn lúa. Chắc nhiều người cười tôi, nhưng không hiểu sao tôi thương cái mênh mang của nó lúc đó, hơn mấy chục cái bằng khen. 

Nó vẫn là cái đứa thèm gà rán, thèm bánh vòng ở những tiệm bánh ngon nhứt của thành phố. Mỗi lần má con đi chơi, nó cứ nhắc về bánh vòng và ước được ăn gà rán. Lòng tôi thì “âm mưu” giới thiệu với nó món cá đồng kho dưa. 

Những buổi chiều con tôi được ra biển chơi. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Những buổi chiều con tôi được ra biển chơi. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Bốn. 
Tôi mất hai năm để thu xếp việc này. Tôi nói với cộng sự của mình: “Chị xây dựng công ty không phải để sở hữu, mà là để rời đi. Chị xây dựng công ty theo cách mà chị đi bất kỳ đâu, công ty vẫn có thể hoạt động và làm tròn sứ mệnh của nó. Phải nghĩ ra sản phẩm và cách vận hành không phụ thuộc vào chị. Phải xây dựng được con người có thể đại diện cho tinh thần và triết lý công ty”.

Mấy dòng đó viết thì dễ nhưng thực hiện thì khó vô cùng, nhất là trong lĩnh vực mà tính cá nhân chi phối kinh doanh quá lớn như ngành sách. Tôi trả giá rất đắt, sửa sai suốt hai năm ròng rã, có lúc tưởng như không vực dậy nổi. 

Nhưng có hai chữ mà tôi học được trong cuộc đời chìm nổi của mình: chữ “thuận” và chữ “hòa”. Tôi có lần viết về ba lần thuận: thuận tâm, thuận thân, thuận cảnh; và một lần “hòa” với cuộc đời. 

Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của con người tự học, tự thích nghi trước trùng trùng biến đổi, nhưng điều gì làm cho họ vững chãi mà không bị xoay tít mù theo sự kiện nổi trôi? Điều gì giữ cho họ không nhân danh tăng trưởng để triệt phá sự tự nhiên; không nhân danh điều đẹp để triệt phá sự giản dị; không nhân danh giúp đỡ người khác để triệt phá sự hồn nhiên của bản thân mình?

fvfv
Về quê, tôi dựng lại "nếp thong thả". Ảnh: nhân vật cung cấp.

Tôi hỏi những câu đó rồi tự trả lời. Thế kỷ mà sự tự do rao bán bản thân ở hình thức này hay hình thức khác, lại giới hạn sự giản dị hồn nhiên của chính họ, là một thế kỷ giam cầm tâm hồn. Người ta không muốn phơi bày tính “người” lên mạng xã hội, mà chỉ dám phơi bày tính “thánh”, là một thế kỷ đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Mình mà không thương tính “người” của mình thì ai thương?

Tôi nói với cộng sự của mình: “Nếu chúng ta xây dựng được một công ty mà mọi người đều có quyền nói rằng họ đang mệt, cần giúp đỡ, thì chúng ta đã thành công một nửa. Và nếu chúng ta xây dựng được một công ty mà phần lớn những người làm ở đó có thể chọn bất kỳ nơi nào để làm việc, không nhất thiết phải ở văn phòng, thì chúng ta đã thành công hoàn toàn”. Có thể tôi quá tham vọng khi đặt ra tiêu chí đó, nhưng không đi thì sao tới? 

Về quê dựng lại nếp nhà, dựng lại những bình yên . Ảnh: nhân vật cung cấp.
Tôi thích trời thích đất, thích lúa thích sông, thích cả tiếng nhà quê hồn hậu. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Năm. 
Về quê chẳng phải là lựa chọn một nơi chốn để ở, mà là để tôi có thời gian dựng lại nếp nhà. Tôi thích cái nếp thong thả mà chắc chắn của ông bà ngoại tôi. Tôi thích cái mùi chân thật và giản dị của bà ngoại tôi. Tôi cũng thích trời thích đất, thích lúa thích sông, thích cả tiếng nhà quê hồn hậu. 
Hoặc là vì tôi đã ở thành phố đủ lâu rồi, nhường chỗ cho nhiều người trẻ tới đó chơi. 

Ngô Phương Thảo 
(Founder Anbooks)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI