Chuyện người bỏ phố về quê: Sống ở thành phố 10 năm là đã đủ

10/08/2020 - 09:26

PNO - Trên mạng, các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm “về rừng” ngày một nhiều và sôi động. Ngoài đời thực, dăm ba hôm lại nghe một người thành phố về định cư nông thôn. Thị hiếu xã hội dường như đang dồn về các clip vườn tược, ruộng nương, núi đồi. Có vẻ như những sự kiện xã hội nào đó đã khiến con người có xu hướng quay về những điều chân phương, nhu cầu tối giản.


Một buổi chiều của hơn 3 năm trước, đứng giữa lòng Sài Gòn , An gọi điện cho mẹ, nói “con muốn về quê”. Chỉ vậy rồi “cuốn gói” đi về, bỏ lại mọi ồn ào đô thị sau lưng.

Tài sản chỉ có ba-lô quần áo, một laptop, một xe máy và hai tháng lương. An chia tay bạn bè, đồng nghiệp trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Cô thậm chí không chờ đến cuối năm để nhận tiền thưởng Tết của công ty. Có người nói, Sài Gòn là mảnh đất đầy cơ hội, sao lại dễ dàng từ bỏ như vậy. Nhưng với An, từ bỏ cũng là một lựa chọn. 

12 năm trước, An vác ba-lô vào phố, bắt đầu đoạn đời mới của một tân sinh viên chuyên ngành Đông Nam Á học (trường đại học Mở TP.HCM). Giấc mơ của cô gái nhỏ quê Đắk Lắk ngày ấy cũng nhiều lắm, được học đại học, ra trường đi làm, lập thân, thực hiện những 
hoài bão…

An Đen hạnh phúc với miền quê yên ả cùng những thành viên đặc biệt của gia đình - Ảnh: nhân vật cung cấp
An Đen hạnh phúc với miền quê yên ả cùng những thành viên đặc biệt của gia đình - Ảnh: nhân vật cung cấp

Suốt khoảng thời gian chín năm học tập và làm việc ở Sài Gòn, An trọ trong những căn phòng “nóng như sa mạc” ở Q.4. Phòng thuê cùng bạn học/đồng nghiệp với giá chỉ hơn 300.000 đồng/tháng. Bốn năm đại học qua nhanh, bạn bè An tỏa ra muôn hướng tìm việc làm. Cô cũng vậy, nhưng giai đoạn chập chững “vào đời” ấy chỉ xin được những công việc trái ngành. Lúc đi dạy học ở trường tình thương, khi làm nhân viên phòng quản lý công nợ, trở thành trình dược viên, rồi nhân viên sale của công ty bất động sản... Thu nhập mỗi tháng vẫn đủ để An xoay xở cuộc sống ở Sài Gòn. Những mối quan hệ cũng ngày một đầy lên. 

Nhưng, chỉ riêng An thấm thía cảm giác “thành phố đang bóp teo mình lại”. Đó là sau những ngày làm việc mệt mỏi, áp lực, trở về căn phòng trọ nóng hầm hập, nằm nhìn quanh những bức tường vuông mà cảm thấy nặng nề, bức bối. Là những trưa xách cà mèn cơm ăn một mình hay ngồi đâu đó trong những cửa hàng tiện lợi qua bữa với bát mì tôm. An cảm thấy mình như đang “sống cho qua ngày”, chứ không phải là sống vui khỏe, tràn đầy năng lượng và mộng ước như suy nghĩ của những ngày đầu đặt chân vào phố. 

“Trở về căn phòng trọ hằng đêm, tôi cứ nhớ làng quê mình, thèm cảm giác được ra vườn hái mớ rau, được quây quần bên mâm cơm chiều giản dị với ba má và các em” - An tâm sự. 

An quyết bỏ về rừng. Lúc đó, cô đã thấm những bất an, chật chội của cuộc sống đô thị với một tâm hồn ưa thoáng đãng như mình. Lúc thu xếp để về xã Eatyh, H.Eakar, tỉnh Đắk Lắk, cô chỉ có một hoài bão duy nhất là được về với cỏ cây hoa lá, để hít thở không khí trong lành của đồng quê, được thấy tâm hồn mình trong veo và bình an như những ngày xưa cũ. Lúc đó, cô 26 tuổi - cái tuổi đang độ sung sức để leo lên những con dốc sự nghiệp, An nhận ra mình thuộc về núi rừng.

 “Nhiều người trong làng nói với tôi rằng, học chi cho tốn tiền ba mẹ rồi giờ cũng về, biết thế lúc trước đừng đi thành phố học, tiền đó để dành cho ba mẹ, hoặc còn có vốn làm ăn. Người ta nói nhiều lắm, lúc đầu nghe cũng buồn, nhưng rồi quen dần. Thôi thì, cuộc sống này mỗi người một lựa chọn. Chỉ cần mình vui, hạnh phúc với lựa chọn của mình là được” - An bày tỏ. 

Đến giờ, An bỏ phố về núi đã được hơn ba năm. An Đen đã trở thành cái tên được biết đến như một Youtuber có tiếng.

An và mẹ chuẩn bị cơm chiều. Ảnh: nhân vật cung cấp
An và mẹ chuẩn bị cơm chiều. Ảnh: nhân vật cung cấp

Việc trở thành Youtuber cũng rất tình cờ. Thời gian ở quê nhàn rỗi, chỉ có facebook kết nối với bạn bè ở phố, An quay những clip đơn giản đăng tải lên cho vui. Nhiều sinh hoạt ở quê nhà được An đưa lên clip: cho heo ăn sơ-ri, cho bò ăn cỏ, chở chú chó Gấu đi cắt rau muống gần nhà… Người xem hưởng ứng và tỏ ra thích thú. 

Thời gian đầu về quê, khi An chở thú cưng đi chợ, quay clip, nhiều người thấy lạ. Nhưng giờ thì người quê đã hiểu rồi, khi những video của An Đen (kênh YouTube An Đen kể chuyện đồng quê) trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều yêu thích của cộng đồng. Khi rảnh rỗi, An mở karaoke bằng điện thoại, hát bằng micro bluetooth, cứ ngồi bên hiên nhà mà hát. Xung quanh, chó mèo nằm lim dim. Chỉ vậy thôi cũng đủ để người xem cảm nhận được chút yên bình nơi ấy, mà nhẹ lòng nơi này. 

Nhiều bạn ở phố hỏi: "Sao không sống ở Sài Gòn nữa mà về quê, phí đời?". An nói vui, về quê, đúng là chẳng có tiền ra vô để mua sắm chưng diện, chỉ đủ cơm ngày ba bữa và nuôi "tụi lắm lông" cho mập. “Trừ khi đi đám cưới diện áo dài, còn lại ở nhà nhìn tôi như... bà già. Có vài người quen ba tôi, vô nhà thấy tôi hỏi: "Em mấy cháu rồi?". Trả lời thiệt là chưa chồng mà không ai tin, cứ nghĩ tôi xạo. Ấy mà tôi ăn cơm ngon miệng hơn, không đau đầu nữa, chẳng muộn phiền công việc. Về quê không có thu nhập đều đặn, nhưng rau có sẵn trong vườn, cá trong ao, cây trái sum suê quả ngọt, cuộc sống không phụ thuộc nhiều vào tiền nữa” - An chia sẻ.

Những hình ảnh giản dị, mộc mạc của An luôn nhận được sự cảm mến, yêu thương của cộng đồng
Những hình ảnh giản dị, mộc mạc của An luôn nhận được sự cảm mến, yêu thương của cộng đồng

Sau này, An dần giới thiệu đến người xem những món ăn đặc trưng ở quê nhà, mùa nào thức ấy. Chỉ là những món ăn đơn giản, nhưng sức hút lại đến từ sự bình dị: salad bơ đầu mùa, gỏi xoài cá khô, bông bí chiên giòn, nấm nướng cuộn salad... Tất cả đều là những clip tự biên tự diễn, mộc mạc, giản dị, nhưng lại làm nên sức hút. Những “diễn viên bốn chân” xuất hiện trong các video của An Đen càng chiếm cảm tình đặc biệt với người xem. Chú chó Mập năm nay đã 18 tuổi, An nuôi từ lúc còn chưa lên phố. Rồi chú chó Gấu, ba mẹ con Lùn-Sun-Bạc Xỉu cùng hai “ả” mèo Đắng và Mướp. Những thành viên đặc biệt này là những người bạn gắn bó cho An niềm vui, giúp cô bớt cô đơn. 

 
Những video clip của An đang dần hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh
Video clip của An đang dần đẹp hơn về mặt hình ảnh

Đôi chân của một người trẻ có rất nhiều con đường để đi, nhưng An đã chọn con đường làng để được trở về. Thi thoảng, trong nỗi nhớ xa xôi về Sài Gòn, là những người bạn thân thiết vẫn còn giữ kết nối, là những mối tình đã rơi rụng đâu đó qua năm tháng... “Nếu thời gian có quay trở lại, tôi vẫn chọn như bây giờ. Gần 10 năm trải nghiệm cuộc sống ở Sài Gòn, với tôi như vậy là quá đủ rồi. Về thôi...” - An tâm sự. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI