Chuyện người bỏ phố về quê: Chúng tôi đang bận… hạnh phúc!

29/11/2020 - 05:34

PNO - Bên trái là khuôn mặt chữ điền của Kiệt, bên phải là đôi mắt lấp lánh của Trang. Cả hai cùng cười khiến bức ảnh của cặp đôi bỏ phố về rừng càng thêm rạng rỡ.

Chúng tôi trồng cây, xây nhà

Cũng như rất nhiều trường hợp khác khi chọn bỏ phố về quê, hành trình của đôi bạn Thu Trang và Lê Kiệt (quê Bình Dương) không hề được gia đình ủng hộ. Từng là những bạn trẻ năng động, trải nghiệm và thành công với nhiều ngành nghề khác nhau ở TP.HCM, thế nhưng đến năm 2015, Kiệt chọn ngược phố lên Lâm Đồng mua đất lập nông trại. 

Nơi chưa đến có thể là miền đất hứa, nhưng cũng có thể là ẩn số với nhiều nguy cơ. Mảnh đất mà Kiệt và Trang chọn mua nằm trên một ngọn đồi phía tây nam thành phố Đà Lạt, không điện không nước. Vào những ngày thời tiết cực đoan thì sáng sương dày không thấy mặt, đêm đến gió rít, rét cắt da. 

Cùng ca hát giữa ngàn xanh - Ảnh nhân vật cung cấp
Cùng ca hát giữa ngàn xanh - Ảnh nhân vật cung cấp

Để biến suy nghĩ thành hành động, Kiệt đã nhẫn nại dành thời gian gần bốn năm trời bạt đất, trồng cây, gây vườn. “Ngày đầu nhìn toàn cảnh khu đất, mình cũng có chút hoang mang. Toàn bộ bề mặt ngọn đồi được ken dày bởi đủ loại cỏ dại, cỏ gai, cây dại. Ẩn nấp dưới đó là bao nhiêu rắn, rết, bọ cạp mà mình chưa lường hết… Nhưng đã chọn thì chấp nhận, và kiên trì thôi” - Kiệt nhớ lại.

Anh bắt đầu chia mục tiêu dài hạn thành những mục tiêu ngắn hạn, rồi hoàn thành từng khâu. Đầu tiên là dọn cỏ, làm đất, tiếp theo là đào hố, rải phân. Mỗi ngày Kiệt phải kéo mấy chục bao phân chuồng đến rải đều vào các hố, sau đó mới thuê xe chuyển cây về trồng. Trên diện tích gần hai héc-ta, Kiệt chia thành những sào nhỏ để trồng các loại cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng như mít, bơ, cà phê, chuối… Những rẻo đất nhỏ ở phía rìa, Kiệt trồng rau sạch và hoa.

Đến năm 2019, sau khi phần việc “mở đất, khai canh” đã hòm hòm, Kiệt và Trang bắt đầu tính chuyện dựng nhà để sinh sống lâu dài. Kiệt nói: “Đóng cọc thì dễ, nhưng dựng nhà thì khó. Bởi trước đó, bao nhiêu tiền bạc tích cóp được, bọn mình đều đã gom góp mua đất, mua cây giống, con giống. Chúng mình phải làm nhà với chi phí rẻ nhất, dựa vào những nguyên vật liệu có sẵn hoặc xin được. Mình đã tự tìm hiểu công thức trộn đất để làm nhà từ đầu năm 2016”. 

Chúng tôi tự tay dựng mái nhà mơ ước - Ảnh nhân vật cung cấp
Trang và Kiệt đã tự tay dựng mái nhà mơ ước - Ảnh nhân vật cung cấp

Đất dùng để xây nhà yêu cầu vừa phải có độ sánh mịn, vừa có độ kết dính cao. Kiệt dùng ba nguyên liệu chính trộn nên hỗn hợp cần thiết: đất sét, bùn và trấu. Để tìm ra tỷ lệ thích hợp, anh phải mày mò từng ngày, mẻ này chưa thành, anh lại lấm lem cùng mẻ khác. Lối nhỏ dẫn xuống con suối lấy nước đã chính thức trở thành con đường mòn thông thoáng nhờ những bước chân lên xuống mỗi ngày hàng chục bận của Kiệt và Trang.

Tháng 4/2019, sau ba năm ròng rã mày mò, Kiệt đã có công thức chuẩn để trộn đất. Lúc bấy giờ, họ lại quay sang kiếm vật liệu để làm mái, làm sàn, làm cửa. Họ lên rừng cạo bìa thông, đến nhà dân trong vùng xin tre và gỗ cũ, rồi về gia công lại. Trên những con dốc đất đỏ, dẻo dính bèn bẹt vào những ngày có mưa, cả hai lại hì hục lê, kéo từng thân gỗ lên đồi. Đến cái khoan, cái cưa cũng trầy trật lên xuống vì phải chạy bằng pin. 

Trang lấm lem cùng bức tường đất
Trang lấm lem cùng bức tường đất - Ảnh nhân vật cung cấp

Từ một người tuấn tú, Kiệt dần sụt cân, râu tóc dài ra, xơ xác hệt người rừng. Trang thì đen nhẻm. Lâu lâu về phố, bạn bè hỏi: “Mày hạnh phúc không?”, Kiệt gồng lên: “Tao ổn”. Họ đâu biết hành trình trở thành người nông dân thực thụ phải nếm trải những gì. Suốt thời gian dài, đôi bạn trẻ đã trải qua những ngày lao động cực nhọc kéo dài hơn 10 tiếng vào ban ngày. Tối đến, họ lại phải thắp đèn gọt khoai lang, làm trà, rang cà phê để lo sinh kế. Đã nhiều lần vì cực quá, Trang nức nở òa khóc, Kiệt đau lòng đứng nghiêng mình giấu đi sự tủi nghẹn…

Những đêm dài ấy, từ những căn lều dựng tạm nơi triền dốc, họ chưa từng được nhìn thấy lấp lánh sao trời, bởi đang bận làm quen với từng cơn gió rít…

Cùng nhau đắp bếp 

Khoảng tháng 9/2019, sau năm tháng thi công, ngôi nhà đất cao hai tầng, rộng 50m2 hoàn thành. Kiệt và Trang chuyển đến định cư hẳn giữa chốn mây ngàn. Đôi bạn bắt đầu thiết kế, phân chia không gian phù hợp. Tầng dưới dùng để đồ đạc và sinh hoạt chung, tầng hai là phòng ngủ ấm cúng. Phía ngoài, họ dựng thêm ban-công bằng gỗ, đặt thêm mấy chậu cây để sáng sáng uống trà, ăn bánh. Nắng lên, người tay rựa, người tay cuốc xuống làm vườn.

“Mọi thứ dần ổn, chỉ trừ căn bếp còn trống trải. Có lần trời mưa, củi ướt hết, nên để nhen được lửa, mình phải hì hục mất gần nửa tiếng, mắt mũi tèm lem. Anh Kiệt nhìn mình nửa khóc nửa cười. Sau đó anh ấy quyết định đúc bếp, một cái bếp đất thân thiện với môi trường” - Trang nhớ lại.

Đầu tiên, Kiệt dựng khuôn, trộn đất theo công thức sẵn có. Thế nhưng, đất đắp bếp ngoài độ sánh mịn và kết dính, còn cần phải chịu được sức nóng của lửa. Kiệt cứ mày mò tìm tòi thử nghiệm để có được công thức chuẩn nhất cho loại đất đặc biệt này.

Đến nay, ngoài việc sở hữu một chiếc bếp đất thật xinh xắn, Kiệt còn có thêm nghề mới đó là… bán bếp. Sau khi đăng tải hình ảnh căn bếp gia đình lên trang cá nhân, Kiệt nhận được nhiều lời khen, lời ướm hỏi đặt hàng của những người có lối sống thân thiện với môi trường và yêu thiên nhiên. Để có được một chiếc bếp, họ sẵn sàng bỏ thời gian hàng tháng trời để chờ đợi, sau đó lên tận nơi để vận chuyển bếp về nhà.

Những chiếc bếp đầu tiên Kiệt làm khá to và nặng, thiết kế có phần chân đế cao như hai cây cột, nối ở giữa là phần bếp chính có thể chất củi đặt nồi. Đó là những chiếc bếp cồng kềnh, chỉ thuận tiện cho những gia đình thực sự có điều kiện về không gian. Lượt thứ hai, Kiệt tinh gọn hơn về kích thước, đúc những chiếc bếp rời, có thể đặt ba chiếc nồi nấu cùng một lúc và có ống dẫn để gom khói lên trời…

Những chiếc bếp này sẽ được phủ một lớp đất cao lanh màu trắng xanh mướt mịn, tăng thẩm mỹ và tiết kiệm không gian. Gần đây nhất, Kiệt lại cải tiến, cho ra đời những chiếc bếp dạng tổ hợp, một bên là phần đế đặt nồi nấu, bên còn lại là phần lò nướng như một căn hầm mini có nắp đậy, giúp giữ nhiệt trong thời gian hơn nửa ngày.

Kiệt càng làm, tay nghề càng cao, bếp càng thẩm mỹ và tiện ích. “Mình nghĩ dù sống ở đâu, làm gì, thì cũng cần nỗ lực và kiên trì để tìm ra giới hạn tốt nhất. Một công việc chất lượng là công việc được trải nghiệm những điều mới mẻ, một cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống có đầy đủ mọi cảm xúc” - Kiệt nói.

Chái nhà đầy nắng của chúng tôi - Ảnh nhân vật cung cấp
Chái nhà đầy nắng của hai vợ chồng - Ảnh nhân vật cung cấp

Và, hát ca…

Nếu ở Kiệt có sự quyết đoán, thì Trang lại có sự kiên nhẫn và dịu dàng. Theo lời Kiệt: “Cô ấy đam mê thơ ca múa hát, nghĩa là mình biết cổ thuộc về thế giới đó, hãy để yên cho cổ được tự do. Điều kỳ diệu là dù đam mê ban đầu không giống nhau, nhưng đến giờ mình vẫn biết ơn vì cô ấy đã ở bên mình, cùng đồng hành và bổ trợ. Chúng mình yêu thương ước mơ của nhau. Một lần mình hỏi: “Trang, sao em lại về vườn với anh vậy?”, Trang đáp lời: “Ngày đó em còn làm ở Sài Gòn, anh cứ rủ em về vườn hoài, em thấy mơ hồ lắm, không rõ anh đang hướng đến cái gì, đã vậy anh làm quá trời mà không đủ ăn. Nhưng anh cứ cặm cụi nỗ lực, dần dần em cũng tin tưởng vào giấc mơ của anh. Càng ở, càng làm cùng anh, em càng thấy con đường mình chọn thực sự đúng. Em nghĩ chúng mình cần có một lối sống có trách nhiệm, tôn trọng thiên nhiên hơn”.

Giữa tháng 10/2020, Trang và Kiệt tổ chức lễ cưới. Kiệt cười: “Chúng tôi đã có nhau, đã có một mái nhà. Sau này chúng tôi sẽ không bao giờ đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp đặt vào con cái. Vì chúng tôi là những ông bố bà mẹ bận… hạnh phúc”. 

Năm năm chưa đủ dài để minh chứng hay khẳng định một quyết định bước ngoặt là sai hay đúng. Tuy nhiên, sai hay đúng không phải là khái niệm mà hai bạn trẻ đang kiếm tìm. Cả hai hẳn đã chấp nhận cả nốt thăng lẫn âm trầm, khi họ chọn sống một cuộc đời như cách viết nên một giai điệu. Giữa ngàn xanh có mây bay và gió núi, Trang và Kiệt sẽ tiếp tục ca hát, dâng cho đời những giai điệu về tuổi trẻ và tình yêu. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI