Chuyện người bỏ phố về quê: Buông 10 năm thành thị để lên núi sống tối giản

29/09/2020 - 15:34

PNO - Sống ở vùng núi heo hút, thiếu thốn đủ đường, 2 người trẻ đang xây dựng nên một khu vườn đẹp và giấc mơ thực phẩm hữu cơ giá rẻ.

Gia đình có nhiều thế hệ làm nông, cho học đại học để mong con thoát ra lũy tre làng là ước mong của bố mẹ chị Trần Thị Tuyến (quê Thanh Hóa). Đùng một cái, từ Hà Nội nghe con gái điện thoại về: “Con sẽ nghỉ việc để lên vùng miền núi tỉnh Nghệ An cuốc đất trồng cây”.

Từ nhà ngoại cho đến nhà nội điện thoại liên lục cháy máy “người ta cố gắng bám trụ ở thành phố không được, tụi bay lại làm điều ngược  lại. Chuyện một đời người chứ không phải ngẫu hứng để “cả thèm chóng chán” nghe con”.

Niềm vui bên thành quả đổ mồ hôi và cố gắng chứng tỏ bản thân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Niềm vui bên thành quả đổ mồ hôi của đôi vợ chồng trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cách đây 2 năm, vợ chồng chị Tuyến và anh Dương Minh Hùng đã nghe rất nhiều điệp khúc “rồi được mấy hôm”, “sao 2 đứa dại thế”… Bây giờ, khi những những sản phẩm trái cây sạch của khu vườn anh chị vun trồng được mang ra thị trường, gia đình mới đỡ lo nhưng bố chị Tuyến vẫn canh cánh “trong các anh chị em, cái Tuyến vất vả nhất”.

Không xót sao được khi chị Tuyến từng cân nặng 47 kilôgam chỉ còn 43 kilôgam và đen nhẻm. Chồng chị chưa từng cuốc đất làm nông thì bàn tay bây giờ chi chit vết chai sần. Lại nghe đồn vùng này có nhiều vấn đề nhạy cảm, điện đường chưa có… 

Đang có công việc khá ổn định trên thành phố, bỗng một ngày họ chọn về rừng mà không máy đắn đo (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đang có công việc ổn định ở thành phố, bỗng một ngày họ chọn bỏ tất cả để về rừng (Ảnh nhân vật cung cấp)

Kể về quyết định táo bạo này, chị Tuyến chia sẻ: "Việc trồng trọt hay chăm sóc cây cối, chăm sóc khu vườn nó không phải ngày một ngày hai, nên không do phút bốc đồng mà nhào lên núi. Tôi cũng không nghĩ mình già, mình hưu trí rồi thì lấy làm vườn làm thú vui, càng không thể vì mệt mỏi với thành phố hay áp lực công việc mà về vườn, bởi mang những khó nhọc, ấm ức, vớt vát ấy về thì khó lòng chăm sóc cái vườn, chăm từng cái cây cho tốt được”.

Thời điểm mà chị Tuyến cho rằng phù hợp là vào đầu năm 2018. Sau hơn 10 năm học tập và làm việc ở thành phố, cuộc sống của chị cũng chỉ ở mức đủ sống chứ chưa thật sự thoải mái. Với bản tính thích xê dịch, lại gặp người yêu và sau này là chồng yêu thiên nhiên cùng những trăn trở: “Chúng mình làm lĩnh vực thực phẩm hữu cơ mà cũng chưa dám dùng vì giá thành còn cao”, thế là cần một gợi ý nhỏ của chồng “hay là mình tìm vùng đất mới lập nghiệp đi em”, chị Tuyến gật đầu cái rụp.

Quá trình gác lại tất cả để bỏ phố về vườn của vợ chồng chị Tuyến diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ trong vòng 1 tháng mọi thứ được giải quyết xong từ viết đơn xin thôi việc, tìm đất và hoàn tất hồ sơ pháp lý rồi thu dọn đồ đạc.

Lúc đầu, chị Tuyến thích “lái” chồng lên Hòa Bình, nhưng anh Hùng quyết tâm về với vùng đất Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để bắt đầu cuộc sống ở vườn, bởi anh trót yêu cái vị ngọt cam Vinh nổi tiếng.

Chân ướt chân ráo tới miền đất khách, khó khăn ban đầu họ phải đối mặt là sự thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt. Điện không, đường không, nước sạch không, khu vườn lại xa khu dân cư.

Ban đầu, những người dân quê nghĩ cặp đôi này “rửa tiền”, nhưng khi thấy họ suốt ngày cầm cuốc  ở trong chiếc lán không có điện, đến tận khuya mới mò mẫm đi trên đoạn đường gồ ghề toàn đất đá trở về căn nhà thuê cách đó 3 cây số. Không ít người ngần ngại hỏi chị Tuyến: “Mới đến mà không sợ ma à”. Chị chỉ biết cười thầm: “Về vườn là để sống chứ không phải để chơi”.

Tuy nhiên điều hai vợ chồng căng thẳng nhất là sự phản đối của gia đình. Gia đình chồng toàn nhân viên công chức nên kỳ vọng nhiều vào con trai, bên nhà chị Tuyến cũng mong con gái chân tay phải sạch sẽ, có công việc ổn định.

Mấy ai tin được rằng, ở nơi thiếu thốn như thế, vợ chồng họ lao động bằng niềm tin (Ảnh nhân vật cung cấp)
Mấy ai tin được rằng, ở nơi thiếu thốn như thế, vợ chồng họ đã lao động bằng... niềm tin (Ảnh nhân vật cung cấp)

Quyết định đi ngược lại mong muốn của cha mẹ khiến anh chị chịu nhiều áp lực. Nhưng họ vượt qua tất cả khi đứng giữa những chồi xanh, bên những người thôn quê thật thà chất phác, họ xoay chuyển áp lực thành động lực và chuyển từ “thích trồng cây” sang “nghiện trồng cây”.

Khu vườn rộng 1 hecta trên đó đã có những gốc cam 5 tuổi. Hướng đi rõ rệt của vợ chồng chị Tuyến là làm thực phẩm hữu cơ, không dùng thuốc hóa học hay thuốc kích thích, kỹ thuật sách vở ...dẹp sang một bên.

Anh chị chăm chỉ đi xin mùn cưa, xin trấu, tự bỏ các bao tải ở ngõ nhà hàng xóm dặn họ rác rau củ quả để vào cái bao ấy, đầy lại lấy mang vào vườn tấp gốc cây.

Những quả cam đầu mùa (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những trái cam đầu mùa (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau này cây cối đa dạng hơn, cỏ và chuối ở vườn chủ động được vật liệu che phủ cho đất, họ dành nhiều thời gian cho tìm hiểu sâu bệnh. Cho cây cối thuận theo tự nhiên, chỉ cắt cỏ, ủ gốc, trồng cây xen canh, xử lý bệnh tật bằng tỏi, gừng… 

Mùa cam đầu tiên là mùa quả được ủng hộ, bởi chất lượng quả chưa đều, chưa ngon, nhưng được bạn bè, anh chị em giới thiệu, những trái cam, quýt trong vườn anh chị cũng hết. Lúc này cô gái 31 tuổi mới ngồi nhìn cây thở phào, vỗ vỗ từng thân cây thì thầm: “Chúng ta vượt qua rồi”.

Đó là những ngày tháng của thành quả, còn những ngày trước đó thì khác. Trong đợt nắng hạn kéo dài, cây héo rũ, chị Tuyến cũng đi từng gốc cây ôm chúng và trò chuyện. Khi ấy chị tưởng nửa vườn cây sẽ chết, vậy mà may mắn thay chúng vượt qua được, để chủ nhân được nếm những trái cam đầu tiên của hành trình làm vườn.

Mùa thứ 2 cây ổn định hơn, quả ngọt hơn. Khách nhận xét: "Trái rất ngon, năm ngoái ăn chua quá mà chỉ dám nói là chưa được ngọt vì sợ làm tụi em buồn bỏ vườn".

Những trái cam chín mọng an toàn có xuất xứ từ Quỳ Hợp (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cam hữu cơ được trồng trên vùng đất Quỳ Hợp nổi tiếng (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bây giờ thì khu vườn của họ đã đón nhiều khách tới thăm quan. Khách quen nhận xét rằng bước vào khu vườn thấy khác xưa quá, rất lành. Đó là những lời động viên để anh Hùng chị Tuyến thêm động lực.

Nhìn những sản phẩm từ xen canh như trà đậu biếc, trà gừng, trà hoa cúc chi… cùng nhiều loại nông sản khác như chuối, bí ngô, ổi, đu đủ… mà chị Tuyến khoe trên Facebook, nhiều người nhắn tin: “Cuộc sống của anh chị thật đáng mơ ước, em cũng muốn được về làm vườn như thế”. Nhiều người có vườn rồi muốn đến thăm quan học hỏi cách làm vườn như vậy.

Nhờ linh hoạt, chị Tuyến sáng tạo nhiều món hàng nông sản an toàn mà giá cả bình dân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Tuyến linh hoạt trồng và sáng tạo ra nhiều món hàng nông sản an toàn giá bình dân (Ảnh nhân vật cung cấp)

Qua 2 năm, diện tích vườn của vợ chồng chị Tuyến tăng thêm 2 hécta, đồng nghĩa số lượng cây chủ lực và xen canh ngày một nhiều. Một tháng 2 lần cắt chuối cho người thu mua vào ngày rằm hay mùng 1, các loại đậu đủ loại cũng giúp anh chị trang trải chi tiêu hàng ngày.

Và thu nhập chính của "cặp vợ chồng ngược dòng" chủ yếu từ cam và quýt - loại trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quỳ Hợp. Ngoài dành dụm một ít cho tương lai, mua bảo hiểm, số tiền còn lại họ lên kế hoạch mua men vi sinh, phân trùn quế, giống cây mới… và trả tiền thuê nhà.

Sản phẩm sau, củ trong vườn đủ để ăn, cho và bán cho dân buôn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sản phẩm rau củ trong vườn đủ để ăn, cho và bán cho dân buôn (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi được hỏi về sự khác biệt về cuộc sống hiện tại so với trước đây, lúc còn ở thành phố, anh Hùng trả lời: “Chỗ chúng tôi ở cách chợ và đường quốc lộ 10 cây số, chúng tôi chọn lối sống tối giản: không tivi, không mua sắm nhiều, thức ăn chủ yếu là cá khô vì cả hai không thích ăn thịt. Rau trong vườn, trứng gà trên ổ. Vật dụng trong nhà chỉ có 2 chiếc điện thoại, 1 laptop và một ít sách”.

Chị Tuyến chia sẻ: “Trước kia làm phòng kinh doanh, tôi bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại không kể giờ giấc của khách hàng. Giờ về vườn, nghe tiếng gà gáy là 2 vợ chồng tỉnh giấc, không còn bị chi phối bây giờ là mấy giờ, ngày bao nhiêu, điện thoại khóa cả ngày cũng được”.

Gần gũi với thiên nhiên, họ xem chúng là bạn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Gần gũi với thiên nhiên, chị Tuyến xem thiên nhiên và vật nuôi là bạn (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thỉnh thoảng hai vợ chồng cũng có bất đồng, như anh Hùng thì luôn quy củ, làm việc có quy hoạch, trong khi chị Tuyến lại trồng cây theo ngẫu hứng, cứ thấy đất trống là nghĩ ngay phải có cây gì mà không biết khu đó chồng mình đã cuốc xới chờ cho 1 loại cây sắp sửa gieo lên.

Họ cũng có tranh luận, nhưng sợ “cây cối nghe được chúng lại buồn”, thế là đôi bên đều không nói nữa để chẳng bao lâu sau lại í ới “đỡ hộ anh buồng chuối”. Chị Tuyến tin rằng cây cối cũng có linh hồn, chúng có thể cảm được những giọt mồ hôi mình đổ ra.

Khu vườn cam đã trở thành nơi đón tiếp bạn bè gần xa (Ảnh nhân vật cung cấp)
Khu vườn của chị Tuyến, anh Hùng trở thành nơi đón tiếp bạn bè gần xa (Ảnh nhân vật cung cấp)

 2 năm làm vườn chưa phải là chặng đường dài, nhưng tìm được niềm vui trong những việc hàng ngày cùng nguồn thu nhập ổn định đang giúp họ có nhiều ý định hơn trong tương lai. Mong muốn thực phẩm hữu cơ có giá cả phải chăng đến được với mọi đối tượng tiêu dùng, đó là tâm nguyện của đôi bạn trẻ khi bỏ phố về rừng lăn lộn với từng luống đất, gốc cây.

Anh chị không hối hận mà thấy mình đang đi đúng hướng với thực phẩm hữu cơ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh chị không hối hận mà thấy mình đang đi đúng hướng với thực phẩm hữu cơ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Không hối hận với quyết định “bỏ phố về rừng”, càng không nghĩ tới việc trở lại nhịp sống đô thị, đôi vợ chồng trẻ đang dồn sức cho một mục tiêu: Cứ làm mọi chuyện cho tốt đã, ở đâu mang lại giá trị sống tích cực, nơi đó là quê hương.

                                                       Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI