PNO - Họ là những chàng trai cô gái đôi mươi, những người vợ, người mẹ với mong ước sống cuộc đời bình thường, giản dị. Họ đã cùng nhau bước vào cuộc chiến vì tình yêu Tổ quốc, và ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử…
Đêm mùng Một tết Mậu Thân (31/1/1968), lực lượng Biệt động đồng loạt nổ súng tấn công Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy và Bộ Tư lệnh Hải quân. Cuộc tấn công diễn ra vào giờ khắc lịch sử, nhưng “làm thế nào vũ khí được đưa về thành phố để ngày N, giờ G, các đội Biệt động đã có sẵn hàng tấn vũ khí, thuốc nổ tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của địch?”.
Tác phẩm Chuyện năm 1968
Nhà văn Trầm Hương đã đi tìm câu trả lời và viết truyện ký Chuyện năm 1968 (tác phẩm đạt Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018). Chị bắt đầu bằng cuộc lần tìm về với đơn vị F100 mà những chiến sĩ biệt động đã gắn bó. F100 có chín đội biệt động, mỗi đội từ 15-20 cán bộ, chiến sĩ, ba đội đặc công - biệt động ven đô, và hai đội vận chuyển vũ khí về nội thành, tổ chức đường dây giao liên, xây dựng hầm vũ khí bí mật.
Từ đó, lịch sử về một giai đoạn không quên được lần giở với những câu chuyện được kể từ những người trong cuộc. Đảm nhận công tác giữ kho vũ khí ngày ấy là những người phụ nữ anh hùng của Sài Gòn - Gia Định. Họ tiếp bước cha anh, làm hậu phương vững chắc cho chồng con ra mặt trận. Họ cũng là một phần của lịch sử. Những người phụ nữ đã chọn cách che giấu vũ khí mà địch không thể ngờ đến: bỏ chất nổ TNT trong quả dừa, giấu súng AK, đạn trong những bao than, cần xé hai đáy đựng cóc ổi, giấu súng lục dưới những thùng đồ nấu tiệc cưới, giấu thuốc nổ, kíp, dây cháy chậm dưới những gánh khoai củ, trong những chậu mai ngày tết… Bằng cách ấy, họ đã qua mắt được kẻ thù.
Nhà văn Trầm Hương tìm đến những nhân chứng sống để lắng nghe, ghi chép về cuộc đời, số phận của những người phụ nữ từng làm “bà chúa kho dũng cảm”, những nữ giao liên/trinh sát gan dạ, đã sống và chiến đấu bằng tình yêu Tổ quốc, bằng ngọn lửa đấu tranh căm thù. Họ, có người hy sinh, có người bị tù đày, rồi được trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng hòa bình lập lại, họ đã không còn chồng, con bên cạnh. Rất nhiều khoảnh khắc, chi tiết xúc động được nhà văn khai thác khiến người đọc lặng đi. Năm ấy, có người vợ đau đớn chứng kiến kẻ thù khiêng xác chồng mình. Có người mẹ chết điếng khi thấy hai con nhỏ bị địch bắt mà vẫn phải tỏ ra như không để giữ đường dây bí mật. Có nữ trinh sát phải gạt nước mắt vĩnh biệt những người lính cảm tử, để thay họ mang về kỷ vật và lời thề “Thà chết không đầu hàng giặc”…
“Càng tiếp cận với những tư liệu Mậu Thân 1968, tôi càng cảm nhận vẻ đẹp thành phố mình đang sống một cách sâu thẳm hơn, bởi đâu đó trên những con đường, góc phố ta qua, xương máu của người lính năm xưa còn gửi lại. Tôi đặc biệt rung cảm với số phận những người phụ nữ trong máu lửa Mậu Thân 1968: “Có nơi nào như ở Sài Gòn/ Chúng ta mắc nợ những người con gái đẹp/ Có gì quý bằng nhan sắc và nhân phẩm/ Khi Tổ quốc cần, những người con gái biết hy sinh” - nhà văn Trầm Hương viết trong lời tựa.
Viết tiếp “Cái giá của hòa bình”
Nhà văn Trầm Hương là cây bút nữ hiếm hoi dấn thân với đề tài chiến tranh cách mạng. Chị không ngừng tìm kiếm tư liệu, nhân vật và viết về những con người, giai đoạn không quên của lịch sử. Trước truyện ký Chuyện năm 1968, chị cũng từng có tiểu thuyết về đề tài Mậu Thân Đêm Sài Gòn không ngủ (Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2008). Chị bộc bạch: “Có quá nhiều người nằm xuống đã thôi thúc tôi cầm bút. Trong trận Mậu Thân 1968, có hơn 10.000 quân đã được đưa vào các mục tiêu trong nội thành một cách an toàn. Và trên đường tiến về Sài Gòn, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại vùng ven đô, trong những mục tiêu chiến đấu, ở những góc phố, con đường. Tôi không khỏi chạnh lòng với những mất mát của những thường dân vô tội, khi máu lửa, bom đạn ập xuống ngôi nhà mình, phải tháo chạy tán loạn, gia đình ly tan…”.
Nhà văn Trầm Hương
Văn chương trao sứ mệnh cho người cầm bút. Nhiều người hỏi nhà văn Trầm Hương, sao chị không viết những câu chuyện về tình yêu, về hiện tại, mà cứ mãi dấn bước vào những câu chuyện của quá khứ, của chiến tranh? Hành trình ấy, nếu không đủ kiên nhẫn, yêu thương, rung cảm sẻ chia, thì sẽ rất khó để theo đến cùng. Trầm Hương nói, chị có thể không ăn nhà hàng sang trọng, không uống rượu vang, mà để dành tiền cho những chuyến đi thực tế của mình. Chị đã đi tìm những người mẹ anh hùng từ miền sông nước Cửu Long đến miền Trung gió cát, về những vùng quê Bắc bộ, lên tận những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc để được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử. Và chị mang về những trang viết là câu chuyện ý nghĩa, tư liệu quý giá cho thế hệ sau.
Chị vừa hoàn thành bản thảo Khoảng lặng nước mắt, về các Mẹ Việt Nam anh hùng, giờ là bản thảo Cái giá của hòa bình.