Chuyển mùa, bệnh hô hấp diễn biến phức tạp

07/12/2023 - 06:14

PNO - Số ca bệnh hô hấp phải nhập viện gia tăng. Đặc biệt, các bệnh nhân hô hấp nặng cũng chiếm tỉ lệ cao gấp 3 lần so với bình thường. Các bác sĩ cảnh báo người dân cần có những biện pháp phòng ngừa và đi khám ngay khi thấy triệu chứng bất thường.

Ca bệnh nặng thở máy tăng gấp 3 lần

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - cho biết hiện tình hình bệnh hô hấp đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cụ thể, tổng số bệnh nhân phải nhập viện đang tăng khoảng 40% so với bình thường. Không chỉ vậy, ca bệnh nặng phải thở máy (có xâm lấn và không xâm lấn) cũng tăng gấp 3 so với bình thường, chiếm khoảng 30% tổng số ca nội trú. Điều đáng nói, tất cả bệnh nhân này chuyển biến nặng thành viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh chỉ sau khi bị sổ mũi và có dấu hiệu cảm cúm từ 2-3 ngày. Đa số bệnh nhân hô hấp nhập viện là người cao tuổi và có cả những người đang ở độ tuổi lao động.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường - Phó khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường - Phó khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp

Khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất ghi nhận các bệnh nhân trong giai đoạn này nhập viện vì 3 nhóm bệnh lý. Thứ nhất là nhóm cấp tính - viêm phế quản cấp, viêm phổi. Thứ hai là nhóm bệnh phổi mạn tính - hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, khí phế thủng, xơ nang, bệnh phổi kẽ. Cuối cùng là các bệnh lý khác như lao, ung thư phổi… Trong 3 nhóm bệnh kể trên, nhiều nhất là các bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi nặng, hen phế quản cấp và bị khởi phát đợt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng.

Nguyên nhân khiến tình hình bệnh hô hấp trở nên phức tạp là do thời tiết chuyển mùa. Người cao tuổi có sự lão hóa và suy giảm chức năng các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch và hệ thống hô hấp. Những thay đổi này làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Thêm nữa, ở những người hút thuốc, khói thuốc lá làm cho niêm mạc và các hệ thống phòng vệ trong đường hô hấp bị tổn thương, từ đó suy giảm chức năng và tăng nguy cơ bội nhiễm. Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, nhà ở không thông thoáng cũng là những yếu tố khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhất là thời điểm thời tiết chuyển lạnh như hiện nay.

Bên cạnh đó, người cao tuổi thường có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn, thận mạn, xương khớp, rối loạn nội tiết. Đây cũng là lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa. Đó còn chưa kể nhóm người cao tuổi dinh dưỡng kém, hay tắm khuya, bị mắc mưa, nghiện thuốc lá, tai biến nằm lâu một chỗ thì càng dễ bị viêm phổi.

Từ cảm nhẹ đến thập tử nhất sinh

Ngày 5/12, tại Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất đang điều trị 3 trường hợp suy hô hấp nặng mà khởi phát chỉ như cảm cúm nhẹ. Chính các bệnh nhân cũng không thể ngờ mình vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.
Bà L.T.K.O (61 tuổi, cư trú tại Nam Định) có tiền sử mắc bệnh hen nên cứ vào mùa đông bà lại vào TPHCM ở nhà người em để tránh cơn hen khởi phát. 3 ngày trước, bà O. chỉ bị ho vài tiếng và chảy nước mũi. Nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường và sẽ lướt qua được nên bệnh nhân tự mua thuốc về uống. Ai ngờ đêm 4/12, bà bị sốt, có đàm, lên cơn khó thở, tím tái, được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tại thời điểm nhập viện, chỉ số nồng độ ô xy trong máu của bệnh nhân chỉ còn 88% và phải thở máy.

Cụ ông N.V.H. (78 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có tiền căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hút thuốc lá. Cách đây 1 tuần, ông H. bị viêm họng. Tưởng nhẹ nhưng ngay tối đó bệnh nhân đã khó thở. Lúc nhập viện, chỉ số nồng độ ô xy trong máu của ông H. còn có 80%, phải khẩn cấp thở máy. Bác sĩ Ngô Thế Hoàng nhấn mạnh, nếu gia đình chủ quan, đưa bệnh nhân tới trễ chút nữa là có thể không cứu kịp.

Một trường hợp khác là bà N.T.T. (45 tuổi) bị cảm cúm, sau đó phải nhập viện vì suy hô hấp. Kết quả xác định bệnh nhân bị nhiễm phế cầu. Chị T. đã được điều trị phối hợp bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, tới nay tình trạng đã ổn định nhưng vẫn còn phải thở máy. Bệnh nhân chưa từng tiêm vắc xin cúm hay vắc xin phế cầu và cũng không biết gì về sự nguy hiểm của cúm và phế cầu.

Bác sĩ Ngô Thế Hoàng khuyến cáo ở thời điểm này, mọi người cần có các biện pháp để phòng tránh mắc các bệnh đường hô hấp nguy hiểm. Người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh hô hấp mạn tính cần dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn, giữ ấm cơ thể, không được tắm khuya. Khi thấy bất cứ triệu chứng bất thường dù nhẹ như ho, sổ mũi cũng cần đi khám ngay để điều trị sớm.

Ngoài ra, mọi người nên tiêm phòng cúm mỗi năm/lần và tiêm phòng phế cầu mỗi 5 năm/lần. Tháng Ba, tháng Tư, tháng Chín, tháng Mười là thời điểm bệnh hô hấp bắt đầu tăng cao, đỉnh điểm sẽ là tháng Mười hai. Chính vì vậy, cần tiêm vắc xin phòng bệnh trước những thời điểm này từ 3-4 tuần để cơ thể kịp tạo ra đề kháng bảo vệ. 

Phải nhập viện vì tự ý mua thuốc chữa cảm cúm

Bác sĩ chuyên khoa 1 Quách Minh Phong - Trưởng đơn vị hô hấp Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, khoa đang điều trị cho một nữ bệnh nhân bị phù toàn thân do tác dụng phụ sau khi tự mua thuốc về uống để chữa cảm cúm. Bác sĩ Quách Minh Phong nhấn mạnh: dược sĩ ở hiệu thuốc chỉ có chức năng bán thuốc theo toa của bác sĩ chứ không thể ra chỉ định điều trị được. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân có tiền sử mắc hen suyễn, khi ra tiệm thuốc nếu cho biết mình bị đau xương khớp và được người bán đưa cho thuốc kháng viêm là chắc chắn sẽ khiến bệnh nhân khởi phát cơn suyễn ngay. 

Thời điểm hiện nay thời tiết rất khắc nghiệt. Nhiều bệnh nhân chia sẻ mình không đi ra đường, chỉ ở nhà mà cũng bị viêm phổi. Hiện nay, lượng bệnh nhân hô hấp nội trú tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang tăng 40% so với bình thường, đa số người bệnh ở độ tuổi từ 60. Bác sĩ Quách Minh Phong cảnh báo, mọi người không nên tự mua thuốc điều trị khi có dấu hiệu bất thường. Nếu thấy mệt, ho gia tăng, ớn lạnh, có đàm, sốt thì lập tức đi khám để tránh bệnh diễn tiến nặng.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI