Chuyển mùa, bệnh cúm lại tăng

18/11/2023 - 06:03

PNO - Miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, số bệnh nhân nhập viện điều trị cúm đang có xu hướng tăng. Trong đó, cúm A vẫn có tỉ lệ mắc cao nhất.

Nhiều trường học cảnh báo

Nằm điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung Ương), bé N.T.N. (3 tuổi, tỉnh Nam Định) thỉnh thoảng lại quấy khóc ngặt nghẽo. N. vừa được chẩn đoán mắc u lympho, khuôn mặt em méo lệch do khối u chèn ép. Theo kế hoạch, trẻ sẽ truyền hóa chất để trị bệnh. Tuy nhiên chưa kịp tiến hành, N. bất ngờ sốt cao, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ dương tính với cúm B. Do mắc cúm trên bệnh nền, có nguy cơ tiến triển nặng nên bệnh nhi được chỉ định điều trị nội trú.

Nằm cùng khoa với N. là bệnh nhi T.H.A. (2 tuổi, TP Hà Nội). Bố của H.A. cho hay, trước khi nhập viện 1 ngày, bé sốt cao, gia đình cho con nghỉ học và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ, trẻ sốt cao 39,5 độ C và xuất hiện cơn co giật kéo dài 3 phút. Gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung Ương cấp cứu và trẻ được chẩn đoán mắc cúm A. 

Trẻ mắc cúm mùa được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung Ương - ẢNH: H.A
Trẻ mắc cúm mùa được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung Ương - Ảnh: H.A

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - Phó trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - cho biết: trong 10 ngày đầu tháng Mười một, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 40 cháu bị cúm, tăng so với thời điểm 1 tháng về trước. Trong đó, cúm A vẫn có tỉ lệ mắc cao nhất. Lứa tuổi vào viện thường là trẻ dưới 5 tuổi, hoặc các cháu lớn có bệnh nền. Theo bác sĩ, miền Bắc đang ở giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông, vì vậy, các bệnh về hô hấp, trong đó cúm mùa có xu hướng tăng. Nếu không điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như tổn thương phổi, suy hô hấp phải thở máy. 

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nhấn mạnh nguy cơ với các trường hợp có bệnh nền như bại não, ung thư... Bởi những trẻ này có tình trạng miễn dịch kém nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những trường hợp này cũng dễ gặp phải các biến chứng nặng như viêm não, viêm cơ tim, tổn thương các cơ quan khác… 

Tại TP Hà Nội, nhiều trường học cũng cảnh báo nguy cơ bệnh cúm gia tăng và lây lan trong cơ sở giáo dục. Trường tiểu học - THCS Newton 5 (huyện Thanh Oai) đã phát thông báo tới phụ huynh về việc phòng tránh dịch cúm mùa.

Theo đó, trường đã ghi nhận một số học sinh mắc cúm A và cúm C dẫn đến đau họng, sốt. Nhà trường khuyến cáo học sinh có thể đeo khẩu trang, mang theo nước sát khuẩn tay khô để sử dụng ở trường. Khi học sinh sốt trên 38,5 độ C, phụ huynh nên đưa con đi xét nghiệm, xác định nhiễm cúm gì để có phương án điều trị.

Tương tự, Trường tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên) cũng thường xuyên phát loa cảnh báo, hướng dẫn giáo viên, học sinh và phụ huynh phòng tránh cúm mùa trước bối cảnh bệnh có thể lây lan.

Không nên tự test, dùng thuốc kháng vi rút

Cứ đến mùa cúm, việc mua bán test nhanh lại nhộn nhịp từ nhà thuốc tới mạng xã hội. Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, việc mua bán online khá khó kiểm soát về nguồn gốc, cũng như độ chính xác của các bộ test. Đặc biệt, trong quá trình tự xét nghiệm, kỹ thuật lấy mẫu không chính xác có thể dẫn tới kết quả xét nghiệm cho âm tính giả hoặc ngược lại.

“Khi trẻ có các biểu hiện của tình trạng bệnh lý, các bậc phụ huynh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, tránh đưa trẻ tới quá muộn khi đã có các biến chứng và kéo dài thời gian điều trị” - bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nói. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo về việc phụ huynh tự ý mua thuốc kháng vi rút Tamiflu để điều trị khi nghi ngờ, hoặc có kết quả chẩn đoán trẻ mắc cúm A. “Không phải cứ nhiễm cúm thì điều trị Tamiflu” - bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nhấn mạnh. Tamiflu là thuốc kháng vi rút được chỉ định cho các trường hợp thích hợp là đối tượng có nguy cơ cao. Thuốc cũng được lựa chọn phụ thuộc vào thời điểm trẻ phát hiện bệnh. Cụ thể, nếu chỉ định thuốc vào giai đoạn sau của cúm thì không có hiệu quả, gây lãng phí và có thể dẫn tới các tác dụng phụ.

Theo các bác sĩ, đôi khi theo tiến triển tự nhiên, bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh cúm nhưng gia đình lại cho rằng, đó là tác dụng của Tamiflu, dù sử dụng không đúng cách.

Để phòng, chống bệnh cúm mùa lây lan, các chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình, trường học thực hiện tốt công tác dự phòng như với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Bản thân người mắc bệnh cần chủ động đeo khẩu trang, vệ sinh tay để không lây bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn này, bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, nâng cao sức khỏe. Tiêm chủng vắc xin cúm mùa cũng là một trong những biện pháp dự phòng nên thực hiện hằng năm để phòng ngừa mắc cúm hoặc làm giảm nhẹ các biến chứng trong trường hợp người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI