Chuyện một người vợ liệt sĩ sinh con trong tù

27/07/2021 - 15:41

PNO - Sinh con trong tù, chưa kịp báo tin mừng thì chồng hy sinh. Nén đau thương người vợ liệt sĩ ấy đã chèo chống nuôi 5 con vào đại học.

52 năm qua như một cuốn phim quay chậm... Mỗi khi nhớ lại, bác sĩ Trịnh Minh Thế vẫn nghẹn ngào. Anh là người con út được mẹ sinh ra trong nhà tù, ba anh chưa kịp hay tin đã hy sinh sau đó 4 ngày.

Bác sĩ Trịnh Minh Thế (hiện là trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện C Đà Nẵng) là người con thứ 5 được mẹ sinh ra trong tù - Ảnh nhân vật cung cấp
Bác sĩ Trịnh Minh Thế (hiện là trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện C Đà Nẵng) là người con thứ 5 được mẹ sinh ra trong tù - Ảnh nhân vật cung cấp

Một mình sinh con trong tù

Quyết không khai chồng mình và đồng đội đã về làng và đang ẩn náu ở đâu, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Diện đã bị địch bắt giam và tra tấn. Để khai thác thông tin, chúng không từ bỏ thủ đoạn nào, kể cả trò đổ xà phòng và ớt bột vào miệng bà.

Cái thai 3 tháng tuổi cứ thế cùng mẹ chịu đau, chịu đói và nhục hình. Sự kiên cường của người phụ nữ Điện Bàn - Quảng Nam buộc kẻ thù chỉ biết kéo dài thời gian bắt giam bà mà không lấy được tin tức gì.

Anh Thế ra đời trong nhà tù khi chỉ có chiếc áo rách của mẹ ủ ấm. Điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu khiến cơ thể non nớt của anh nhiễm bệnh ngoài da. Không ai dám bế anh phụ mẹ, trừ bác hàng xóm tốt bụng chung hoàn cảnh.

Vừa xót con út đỏ hỏn đã bị giam cầm theo mình, vừa lo cho 4 đứa con lớn đang gửi ông bà, ruột gan bà Diện đứng ngồi không yên. Nào ngờ đó cũng là linh tính của người vợ khi ngoài kia chồng bà  đã vĩnh viễn đi xa.

Liệt sỹ Trịnh Quang Ngọc đã nằm lại trên mảnh đất thôn Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn vào năm 1969. Ông ra đi trong một trận càn mà chưa kịp biết mặt con, chỉ biết mỗi tin vợ đang mang bầu và bị bắt giam đã 6 tháng.

Niềm vui được trả tự do sau 20 tháng bắt giam chẳng tày gang, mẹ anh ôm các con ngã quỵ khi nghe tin chồng hy sinh mà xác vẫn còn nằm đâu đó trong cát bụi. Không còn nước mắt để khóc, bà cào bới đất cát tìm chồng trong vô vọng.

Cho đến một ngày có người làm đồng thấy một thảm cỏ mang hình dáng con người, nơi chồng bà ngã xuống. Chút an ủi còn lại với người vợ trẻ lúc này là để chồng nằm yên đấy để thường xuyên tới lui. Sau giải phóng năm 1975, gia đình làm lễ cải táng để đưa liệt sĩ Trịnh Quang Ngọc về gần hơn với vợ con.

Nhưng nỗi đau chiến tranh với gia đình anh Thế chưa dừng lại đó. Hai năm sau, mẹ anh ra vườn hái rau bị vướng mìn. Bà bị thương và mất đi chân trái. Trụ cột gia đình bây giờ đã bị khuyết đi một phần cơ thể.

Một mình nuôi con trưởng thành

Bà Diện trở thành góa phụ ở tuổi 32. Con trai lớn lúc đó mới chỉ 8 tuổi, 4 người còn lại cách nhau 2,3 năm. Ruộng ít, lúa chẳng đủ ăn, 6 mẹ con ăn rau, ăn khoai nhiều hơn ăn cháo. Biết con thèm một bữa no mà không có, mẹ anh chân thấp chân cao trên các bờ ruộng để bắt ốc mò cua. Giữa trưa hè, hình dáng mẹ chống nạng đi gặt thuê cho người ta đã hằn sâu vào tâm trí của các con. Có lẽ điều đó đã hun đúc trong họ khát vọng vượt lên nghịch cảnh.

Mẹ Diện cùng 5 người con đã thành đạt - Ảnh nhân vật cung cấp
Mẹ Diện cùng 5 người con đã thành đạt - Ảnh nhân vật cung cấp

Giờ đã là những người thành đạt khi 5 anh em, người là kỹ sư, người làm bác sĩ, người có niềm vui với bục giảng sân trường. Nhưng mỗi lần sum họp, trong câu chuyện của anh Thế, anh Thông, chị Thư, anh Thân, anh Thịnh còn nhắc đến những bài học từ sự nghiêm khắc của mẹ.

Anh Thế kể, thời ấy cái đói cái khổ che hết phần chữ của những đứa trẻ ở vùng nông thôn nghèo quê anh. Nhưng mẹ anh lại có cách nhìn khác, bà nói “Đứa nào không chịu khổ đi học thì ở nhà làm ruộng”. Chẳng ai nói với ai, anh lớn bày em nhỏ, các anh chị của anh Thế tự bảo nhau tự giác học để mẹ vui và mong thoát cảnh chạy ăn từng bữa.

Gia tài của mẹ - Ảnh nhân vật cung cấp
"Gia tài" của mẹ - Ảnh nhân vật cung cấp

“Gia tài” mẹ Diện bây giờ không có gì quý giá bằng  27 thành viên gồm con rể con dâu, cháu và chắt. Mọi người gọi vui bà bằng cái tên “Hoàng thái hậu”, bởi ai cũng thấm thía không dễ gì mẹ góa lại nuôi dạy được 5 con khôn lớn trưởng thành. Đã thế còn tạo được khuôn phép có trước có sau trong đại gia đình lớn. Nếp nhà là điều mà dâu con đến cháu chắt phải nể phục bà.

Giờ đã ở tuổi 85 nhưng mẹ Diện còn minh mẫn sắp đặt mọi chuyện đâu vào đấy. Mẹ còn truyền lửa động viên cháu gái mới tốt nghiệp trường y đi vào tâm dịch. Khi cháu chưa lên đường, bà nội bảo “Tuổi trẻ phải xông pha”, nhưng cháu Nam tiến, bà lại thao thức không ngủ được.

Đếm tuổi mẹ qua màu tóc phai, được thấy mẹ vui khỏe ngày nào, với anh Thế, chị Thư đó là hạnh phúc. Trong lòng họ, mẹ Diện ba Ngọc mãi là tượng đài của sự kiên trung, bản lĩnh.

                                                                                                           Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI