Chuyện một ngôi làng bảo vệ rừng như báu vật

10/11/2020 - 07:52

PNO - Gió bão như hung thần lao vào bên trong cửa biển Mỹ Á thì bị chặn đứng bởi rừng Sầu Đâu. Làng quê được che chắn, bình yên trong bão giông...

"Rừng tan thì làng mạt"

Bão qua, người dân làng Hải Môn (nay là tổ dân phố 4, phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) trở lại cuộc sống thường ngày. Nơi đây có những căn nhà bị gió bão gây thiệt hại, nhưng đỡ hơn hẳn các nơi khác. Ấy là nhờ có sự che chắn bởi khu rừng Sầu Đâu, được người dân xem như thần hộ mệnh của làng.

Ông Huỳnh Thanh Mười bên gốc cây trong rừng
Ông Huỳnh Thanh Mười bên gốc cây trong rừng

“Cửa biển Mỹ Á nằm giữa động cát và Núi Cửa, là cửa hứng gió nên ngày thường gió vẫn ầm ào. Nếu không có rừng này che chắn thì đợt bão vừa rồi gió đã cuốn nhà cửa bay sạch trơn. Bởi vậy nên dân làng luôn nhắc nhở nhau bảo vệ rừng", ông Huỳnh Văn Cứ - Tổ trưởng dân phố 4 - chia sẻ.

"Gió bão mạnh lắm. Cây rừng bị ngã rạp nhưng bão qua vẫn đứng dậy như thường. Núi Sầu Đâu và cây cối cản phân nửa sức gió chứ không thì nhà cửa nào còn", ông Nguyễn Văn Mật, Bí thư chi bộ phường, góp chuyện. 

Rừng Sầu Đâu có diện tích gần 7ha, đỉnh cao khoảng 50m, nằm cạnh tổ dân phố 4 với hơn 200 căn nhà. Nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với 2 vụ lúa trong năm cùng việc canh tác hoa màu để cải thiện cuộc sống.

80 năm gắn bó với quê hương, cụ Thới Văn Tốt rành rẽ chuyện dân làng chung tay bảo vệ rừng cây tươi tốt. Từ thuở xa xưa, dân làng nhắc nhau bảo vệ rừng với lời răn "rừng tan thì làng mạt" lưu truyền qua bao thế hệ. Các vị chức sắc cùng mọi người đề ra hương ước hết sức nghiêm ngặt, bất kể ai cũng không được vào rừng khi chưa được làng cho phép. Duy nhất ngày rằm một tháng mùa hạ trong năm, làng cho phép người dân vào rừng nhặt cành khô và gom lá rụng mang về đun nấu.

Ngày đó, sớm tinh mơ, tiếng mõ tre vang lên trên đường quê, báo hiệu người dân được phép vào rừng theo lệnh của làng ban ra tại cuộc họp đêm trước. Mọi người mang quang gánh tụ tập tại nơi quy định, đợi hồi mõ xuất phát rồi cùng nhau vào rừng. Họ chỉ lượm củi khô, nhặt lá rụng chứ không được phép bẻ gãy cành tươi xanh. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng theo lệ làng. Chiều tối, mọi người mang sản phẩm thu lượm ra khỏi rừng đợi các vị chức sắc và bô lão kiểm tra trước khi về nhà.

Ông Huỳnh Thanh Mười bên khe đá từng tránh bom pháo
Ông Huỳnh Thanh Mười bên khe đá từng tránh bom pháo

"Lúc trước làm gì có bếp điện hay bếp ga nên củi quý lắm, nhưng không ai dám chặt nhánh cây tươi. Hết cành khô để đun nấu thì dùng đến rác và rơm rạ. Khi hạ cây lấy gỗ để phục vụ cho việc chung thì cũng phải được sự đồng ý của làng..." - cụ Tốt cho biết.

Trước đó, chiến tranh, bao người nhìn về phía rừng với ánh mắt đẫm lệ rồi dắt díu nhau phiêu dạt khắp nơi. Quê hương yên bình, họ lần lượt về làng dựng lại nhà cửa, cần mẫn cuốc xới vun trồng. Cuộc sống ngày càng yên vui khi đồng lúa trĩu hạt, vườn cây trĩu quả, rừng lại xanh tươi. Nhưng họ vẫn không quên chuỗi ngày ly tán khi rừng bị tàn phá nên nhắc nhau gìn giữ, xem đấy là báu vật của làng.

Những cây sến, dum, ngành ngạnh, bời lời… thân to cỡ vòng tay người ôm vươn thẳng lên trời xanh. “Thuở trước, chim về trú ngụ ở cánh rừng phía tây nhiều lắm, phía đông thì có gió từ biển thổi vào khá mạnh nên chúng không ở. Sáng sớm, lũ chim thức dậy hót líu lo trước khi bay đi tìm mồi. Chiều tối, chúng kéo về làm náo động cả xóm làng” - cụ Lê Hòa (94 tuổi) kể.  

Một góc rừng Sầu Đâu sau bão
Một góc rừng Sầu Đâu sau bão

Biểu tượng của làng

Nhìn từ trên cao, tuyến đường tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua trung tâm thị xã Đức Phổ, tựa nét vẽ tài hoa của người họa sĩ trên bức tranh làng quê rực rỡ sắc màu. Phía đông tuyến đường là làng Hải Môn bình yên hai buổi sớm chiều. Cạnh làng là ngọn núi sừng sững như bức tường thành che chắn bão giông cho dân làng. Những người con tha hương trở về quê chợt xao xuyến cõi lòng khi khu rừng thân thương hiện ra sau bao ngày xa cách.

"Nhiều người ở xa trở về thăm quê thường đứng ngắm rừng mà nước mắt rưng rưng. Họ bảo, ở nơi xứ lạ luôn nhớ người thân, bà con xóm giềng cùng ngọn núi sừng sững nằm cạnh làng…” - cụ Thới Văn Tốt tâm sự.

Gió từ biển ngược dòng Thoa giang khiến cho đàn cò trắng thường ngày kiếm ăn trên đồng phải tìm nơi trú ẩn giữa chiều đông. Gió ào ạt đuổi nhau vào gần đến xóm nhà thì bị rừng Sầu Đâu như bức tường thành che chắn làm xào xạc cây lá. Cuồng phong trên biển cả vào bờ với những cơn gió gào thét đều bị chặn đứng, làng quê vẫn yên bình trước bão giông. “Rừng là tường thành chắn gió và là lá phổi xanh của làng. Vào mùa nắng nóng, rừng tỏa không khí mát dịu làm vơi đi oi bức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác lúa trên các cánh đồng bên cạnh” - ông Mười cho biết.

Ông Phạm Văn Tân - Phó bí thư Đảng ủy phường Phổ Minh cho biết, chính quyền thị xã Đức Phổ đã đưa rừng vào diện rừng cộng đồng và giao cho nhân dân tổ dân phố 4 quản lý. Rừng được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái nên phải bảo quản nghiêm ngặt.

"Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét, công nhận di tích để nơi đây trở thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước, yêu thiên nhiên, nhất là đối với thế hệ trẻ...", ông nói. Đấy cũng là ước muốn của bao người chung sức giữ cho rừng xanh tươi trên xứ sở.

Rừng che cách mạng

Cũng cánh rừng này, cụ Lê Hòa nhớ như in ngày đầu đi theo cách mạng. Đầu kháng chiến chống Pháp, cụ cùng nhiều người dùng cuốc, xẻng và rổ tre đào bốn tuyến địa đạo với chiều dài hơn 500m ẩn dưới tán rừng um tùm cây lá. Họ đào sâu vào núi với nóc hầm dày khoảng 5m, rộng hơn 1m và cao gần 2m, cửa ra vào khá thuận tiện. Địa đạo có nhiều ngách nhỏ thông nhau và lỗ thông hơi, là nơi trú ẩn cho cán bộ và nhân dân phòng khi quân Pháp càn vào làng.

Thời Mỹ ngụy, khi chính quyền Ngô Đình Diệm áp đặt sự cai trị trên lãnh thổ miền Nam, núi Sầu Đâu được chọn là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 5-10/1955. Dưới tán cây rừng, Văn phòng Tỉnh ủy in tài liệu, truyền đơn và Báo Thống Nhất (cơ quan tuyên truyền của Tỉnh ủy lúc đó) trước khi đến tay độc giả. Khi ấy, cụ Hòa có nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đường cho cán bộ. Ban ngày, cụ nghe ngóng thông tin để đến đêm đưa cán bộ xuống cơ sở cách mạng trong vùng. “Nhiều đợt mấy ảnh xuống ở cả tuần. Ban ngày, trú trong địa đạo trên núi rồi đến đêm mới xuống làng” - cụ hồi tưởng.

Minh Kỳ 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Đoàn Nhật Hồng 11-11-2020 23:43:58

    Một điển hình đáng nêu gương và khen thưởng .Cây sầu đâu (sầu đông) loại cây lớn nhanh ,phát triển chiều cao mạnh nên vững chãi trước gió bão Lá sầu đông có vị đắng như kí -ninh, thời chín năm kháng Pháp ,quân giải phóng chúng tôi vắt nước uống chống sốt rét .
    Còn nhà báo :thay vì dùng chế độ Mỹ nguỵ bằng cụm từ dễ nghe hơn trong chính sách đoàn kết dân tộc .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI