Chuyện “mì gói” - có phải như chúng ta vẫn nghĩ?

13/12/2021 - 08:38

PNO - Ai cũng phải công nhận hương vị hấp dẫn khó chối từ của mì gói, nhưng vẫn còn nhiều sự nghi ngại xoay quanh chất lượng của gói mì khiến chúng ta ái ngại. Vậy thực hư của các câu chuyện về mì gói là như thế nào?

Có nên sợ mì chiên?

Nhắc đến mì gói, hầu như mọi người đều nghĩ mì không chiên sẽ an toàn và tốt cho sức khỏe hơn mì chiên. Liệu điều này có chính xác? 

Có thể thấy, trên thị trường hiện có rất nhiều loại mì gói khác nhau, nhưng về cơ bản, mì gói có thể được phân thành hai loại là mì chiên và mì không chiên, dựa trên phương pháp làm khô (giảm độ ẩm) trong quy trình sản xuất. Theo đó, với mì không chiên thì ở công đoạn làm khô, mì được sấy bằng nhiệt gió ở khoảng 65 - 80oC (trong khoảng 30 phút). Còn mì chiên thì được làm khô bằng cách chiên qua dầu ở nhiệt độ khoảng từ 160 - 165oC trong khoảng 2,5 phút. 

Theo quan sát, tại các nhà máy sử dụng quy trình chiên mì hiện đại, khi chiên mì, dầu được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước, sau đó được dẫn vào chảo chiên bằng đường ống kín. Suốt quá trình chiên, nhiệt độ dầu luôn duy trì ổn định và được kiểm soát về nhiệt độ, cùng các thông số hóa lý của dầu như chỉ số oxy hóa dầu - acid value (AV) nhằm đảm bảo chất lượng dầu theo đúng quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế Codex và tiêu chuẩn Việt Nam đã đưa ra.

Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mì chiên hay mì không chiên đều an toàn như nhau, bởi sấy hay chiên mì đều là công đoạn làm khô sợi mì, loại bỏ độ ẩm để ngăn ngừa vi sinh vật phát triển, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nói chung. Và công nghệ hiện đại ngày nay đã giúp cho việc chiên hay sấy đều đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phẩm. 

Thực hư chuyện mì ăn liền không tốt cho sức khỏe? 

Lời đồn mì ăn liền chứa nhiều chất béo nên ăn vào đầy bụng khiến nhiều người lo ngại và hạn chế sử dụng thực phẩm này. Thật ra, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (khoảng 40-50g), còn lượng chất béo chỉ khoảng 10-13g. Lượng chất béo này chỉ chiếm 16 - 17% so với nhu cầu chất béo một người trưởng thành cần trong một ngày. Vì thế, chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định được rằng mì ăn liền do chứa nhiều chất béo nên gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

Vì vậy, nếu ăn mì gói mà bạn cảm thấy chướng bụng, khó tiêu thì có thể bạn phải kiểm tra từ yếu tố bệnh lý đường tiêu hóa, tình trạng sử dụng một số loại thuốc, cho tới lối sống thiếu khoa học… Các nhà khoa học cho rằng, người có chế độ ăn uống thiếu cân bằng, không hợp lý dễ bị tình trạng khó tiêu, nhất là ít ăn rau xanh, trái cây dẫn đến thiếu chất xơ. Do đó nếu bạn muốn thưởng thức mì gói mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng thì cần bổ sung chất đạm (từ thịt, trứng) và rau xanh để có đủ vitamin và chất khoáng. Còn thực phẩm nói chung không phải là nguyên nhân gây tình trạng khó tiêu.

Ngoài ra, có người nghĩ mì ăn liền bảo quản được lâu hẳn phải sử dụng nhiều chất bảo quản. Thực tế, dùng nhiều chất bảo quản trong mì gói là không cần thiết, thậm chí còn làm tăng giá thành sản phẩm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mì ăn liền bảo quản được lâu là nhờ qua quá trình chiên, sấy thực phẩm và diệt khuẩn ở nhiệt độ cao như đã phân tích ở trên. Đồng thời, cả mì chiên và mì không chiên đều được đóng gói cẩn thận, đảm bảo vi khuẩn không thể xâm nhập, nên thời hạn sử dụng kéo dài đến 5 - 6 tháng là điều dễ hiểu. 

Vậy thì, có phải mì mắc tiền, cao cấp sẽ an toàn cho sức khỏe hơn? Sự thật là mì ăn liền cũng có sự phân cấp, nên có nhiều giá khác nhau. Khác biệt về giá là do sự khác nhau về khối lượng, thành phần và lượng nguyên liệu sấy sử dụng trong sản phẩm. Chẳng hạn, bạn chọn các dòng sản phẩm cao cấp chứa nhiều nguyên liệu sấy như thịt, tôm, trứng, rau sấy thì có giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường. Ngoài ra, các dòng sản phẩm tô, ly, khay sẽ tốn nhiều chi phí bao bì và thành phần bên trong gói mì còn bổ sung nhiều nguyên liệu sấy nên chắc hẳn giá thành sẽ cao hơn sản phẩm dạng gói. 

Xuân Lộc

 

Nguồn: ACV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI