Nhà hàng thương tình đem ly trà túi lọc cùng với đá để phục vụ nhưng chỉ làm nỗi nhớ thêm sâu. Tự hỏi lòng, sao kiều bào ra đi mang theo cả quê hương mà lại bỏ quên… ly trà đá huyền thoại. Quay về xứ sở, lang thang ba miền thì thấy trà đá có đó nhưng không phải kiểu Sài Gòn. Vậy trà đá Sài Gòn là gì mà ta cứ phải quay cuồng mãi thế?
|
Muốn cho ra ly trà đá Sài Gòn đúng điệu thì phải tuân theo vài điều… luật bất thành văn |
Đi qua những mùa nóng
Trước khi vào chủ đề chính, xin phép dành vài hơi để nói về người anh chịu số phận hẩm hiu của ly trà đá - chính là ca nước đá. Đến nhà người Sài Gòn với bộ dạng mồ hôi đầm đìa, chẳng ai mời ta dùng ngụm trà mà chỉ là “Uống nước đá hông?”, “Để lấy ca nước đá cho uống”…
Hóa ra thứ dân dã này lại là thức uống vĩ đại cho mọi mùa hè. Đúng kiểu người Sài Gòn, uống nước đá lạnh phải bằng… ca mới thỏa. Cái ca nhôm hay inox to to vừa chạm vào đã thấy cái lạnh lan dần hạ nhiệt đôi bàn tay. Nhiều khi ham uống, hớp một ngụm thật to để rồi buốt cả óc.
Đây cũng là thức uống chịu thiệt thòi nhất trong danh sách các món giải khát của Sài Gòn. Nó thông dụng đến nỗi người ta quên mất tên, quên mất sự hiện diện của ca nước đá thần thánh luôn có trong mọi nhà.
Rồi ca nước đá quen thuộc trong mọi nhà khi ra đường, ra phố bỗng trở thành một thức uống làm dậy sóng giang hồ. Hình ảnh ly trà đá mà nhiều người còn nhớ nhất chính là những ly trà đá ở bến xe. Có thể là những bịch trà đá treo lên khúc tre được quẩy bán trong bến xe hay là ấm trà đá của mấy đứa con nít quần cụt, nhỏ thó, đen đúa, vừa đi vừa rao, khách ngoắc lại rót ra uống xong trả tiền cái rẹt. Giữa cái bến xe không bóng cây, mùi khó chịu nồng lên, trên xe quạt cóc quay lẹt phẹt thì ly trà đá là niềm an ủi quá lớn.
Rồi, trà đá Sài Gòn có từ khi nào? Chẳng có cột mốc nào được đưa ra. Và chắc không ai đủ sức làm khảo cứu lịch sử ly trà đá đâu.
Mấy lời đồn thổi khiến nhiều người nghi ngờ món này chỉ là do người ta lấy nước phông-tên, thêm vô đó mấy cốt trà cặn cho thơm tho rồi đem bán. Nhiều người còn diễn dịch theo kiểu kinh tế, ai rảnh tốn củi tốn công đun nước sôi bán ly trà đá rẻ rề. Nghe mà chột dạ, nao lòng ghê. Rồi khối người thi hứng bất chợt ca ngợi bất tử Đông Tây, cổ kim gặp nhau ở Sài Gòn ở trong ly trà đá. Hay đến Sài Gòn phải uống ly trà đá, gặm ổ bánh mì thịt mới đúng điệu… Nói chung, món nước quốc dân này (theo cách bọn trẻ gọi bây giờ) có một thời cũng lắm sóng gió chứ chẳng giản đơn.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Nhưng vì cái sự nóng, sự tiện lợi, từ rẻ đến công dụng giải nhiệt hiệu quả, trà đá nhanh chóng xuất hiện trong mọi ngóc ngách của đô thị. Dần dà vào thập niên 90 của thế kỷ trước trở về sau, trà đá hết được bán kiểu lang thang độc nhất một món mà xâm nhập vào quán ăn làm thức uống cho dịu cổ họng để ăn ngon hơn.
Như luật bất thành văn, ly trà đá thành món đón khách của các quán cà phê. Chú ý kỹ, khách sẽ thấy cũng có chút phân biệt ở đây. Ly trà đá trong các quán cà phê đông khách nam thường thật nhiều đá. Cho vào ly đầy ắp đá rồi châm nước được bao nhiêu thì châm để khách còn cắn đá nghe rộp rộp. Ở những quán sang chảnh hay xinh xinh thì ly trà cũng tinh ý, đá ít thôi để phái đẹp nhấp môi.
Chế biến trà đá dễ chưa từng thấy. Nói vậy chứ muốn cho ra ly trà đá Sài Gòn đúng điệu thì phải tuân theo vài điều… luật bất thành văn. Điều bắt buộc là đá phải nhiều hơn nước, không có kiểu vài viên đá nổi lênh đênh lẻ loi trên mặt nước như trà đá vỉa hè phía Bắc. Phần cốt trà bỏ vô gọi là cho có, kiểu như chỉ dùng mùi để át đi sự tanh tanh của nước lọc, vị cũng nhẹ hều. Chẳng ai buồn tìm hiểu hay nhớ cái vị trà trong cái ly nước màu vàng nhạt đầy ắp đá. Trà vụn khô quắt queo bán theo ký cứ thế mà pha, mà quen thuộc dễ uống.
Đá phục vụ trà đá cũng đáng để bàn. Tốt nhất phải là loại to, lâu tan để khách thong thả ăn. Đá cây giờ gần như bị loại khỏi ngành thức uống nên quán tinh tế phải dùng đá tinh khiết loại đá bia (to cỡ ba ngón tay thường dùng cho uống bia) cho trà đá chứ không nên dùng đá bi (loại nhỏ cỡ lóng tay người lớn). Ly uống trà đá nhất thiết phải là loại to, phổ biến nhất là ly uống bia có quai, có những mắt thủy tinh to. Lý do ư? Loại ly này vừa rẻ vừa khó bể. Lý do “có tâm” hơn là thành ly dày nên giữ lạnh tốt hơn.
Xa xưa hơn, ly trà đá là loại ly uống bia không quai, có dáng trên bè dưới túm, thủy tinh màu đùng đục, lấm chấm bọt. Loại này giờ rất hiếm, chỉ còn vài quán như lẩu mắm 140 (Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận, TPHCM) còn phục vụ. Mùa hè, nhìn ly trà đá “chảy mồ hôi” mà thấy dịu cả mắt, mát cả họng. Các loại ly mica hầu như bị kỳ thị bởi vừa cầm không đã tay, lại dễ trầy xước nhìn bầy hầy.
Trong khi đó, phía Bắc lại chuộng ly nhựa nhiều màu. Gần đây, các loại ly nhựa dùng một lần đang dần xâm lấn. Cái ly vừa mỏng manh, vừa chán, chỉ mỗi cái lợi khỏi rửa nhưng lâu dài lại hại cho môi trường. Rồi câu chuyện uống trà đá có cần ống hút không cũng gây tranh cãi. Người thì đòi cho bằng được cái ống hút để thấy vệ sinh hơn, kẻ thì thấy uống trà đá nên ực từng hớp mới đã. Riêng tôi thấy không quen với kiểu uống trà đá bằng ống hút và càng không thích dùng ống hút vì không muốn góp thêm rác thải nhựa ra môi trường.
Chút dông dài quanh ly trà đá
Ở Sài Gòn hay khu vực phía nam, trà đá tuyệt không phải thứ thức uống chính để dẫn chuyện vỉa hè như phía Bắc. Chẳng có quán nào chịu bán mỗi ly trà đá rồi để khách ngồi tâm sự dông dài. Bạn cứ gọi món khác rồi quán sẽ sẵn sàng phục vụ trà đá miễn phí cho bạn suốt buổi.
Đã nổ ra nhiều cuộc cách mạng nhằm “lật đổ” trà đá truyền thống. Nhiều quán “chơi sang”, pha trà túi lọc hay chè tươi, uống không có vấn đề gì nhưng thật tình dân Sài Gòn vẫn “hoài cổ” hơn. Nhiều quán “tập” cho khách uống nước lọc có chút hương như lá dứa, chanh... hay nước năm loại đậu rang vừa thơm vừa có thêm tác dụng thanh lọc cơ thể. Thế nhưng tất cả đều thất bại bởi người Sài Gòn vẫn quen với trà đá.
Có một thời kỳ, bán trà đá là sướng nhất do giá vốn là bạc cắc nhưng tiền thu bạc ngàn. Quán ăn nào có trà đá miễn phí là chơi sang với khách. Quán nem nướng 79 (Bà Hạt, Q.10, TPHCM) có hẳn một góc tươm tất cho khách tự phục vụ trà đá. Ngày trước, quán bánh ướt chiều vỉa hè góc Võ Thị Sáu (Q.1, TPHCM) trên bàn luôn có ca trà đá lạnh buốt.
Tinh tế ở chỗ, dọn chung với đĩa bánh ướt là cái ly thủy tinh nho nhỏ. Mỗi khách một ly, không lo chuyện mất vệ sinh. Khách uống xong, chủ quán rửa sạch, úp lên ngăn kính cho ráo nước. Mấy năm gần đây, trên vỉa hè của nhiều con đường ở Sài Gòn thường xuyên xuất hiện những bình trà đá miễn phí. Của một đồng nhưng tâm giá cả chục lượng vàng khiến lòng người lỡ đường hạ hỏa, mát dịu.
Sao tôi hay hàng ngàn người khác lại luôn nao nao nhớ ly trà đá Sài Gòn 2.000 đồng mà chẳng đoái hoài gì đến các thức uống mỹ vị khác? Đơn giản như ly trà đá thôi, bởi thứ nước ấy cùng tình yêu xứ sở vẫn “rót” vào người tôi không ngừng nghỉ từ khi vừa chập chững đến tận hôm nay. Ly trà đá bất bại là vì thế.
Phạm Doãn Đoàn