Vượt hàng trăm cây số về miền Tây để... ly hôn
Có mặt tại Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu vào một buổi sáng sớm, chúng tôi bắt gặp cảnh một bé gái chừng 5 tuổi nằm cuộn tròn say giấc trong vòng tay bà. Vẻ mặt người bà hiện rõ nét mệt mỏi. Bà chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Bạc Liêu. Tối qua, mẹ con, bà cháu tôi bắt xe từ Bình Phước, đến đây lúc trời vừa hửng sáng. Mẹ con bé đang làm thủ tục ly hôn bên trong”.
Con rể bà rời Bạc Liêu đến Bình Phước sống cùng mẹ. Tại đây, con rể và con gái bà quen nhau rồi kết hôn. Hiện nay, hộ khẩu của con rể bà vẫn còn ở Bạc Liêu nên họ phải lặn lội hàng trăm cây số đến đây để nộp đơn ly hôn.
 |
2 bà cháu vượt mấy trăm cây số từ tỉnh Bình Phước đến huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để mẹ cháu bé nộp đơn xin ly hôn - Ảnh: Nhã Chân |
Cuộc hôn nhân của con gái bà kéo dài 7 năm. Do không hợp nhau, con gái bà quyết định ly hôn. Nhìn đứa cháu ngoại vừa tỉnh giấc lon ton chạy chơi quanh khu vực cầu thang, bà thở dài: “Tội nghiệp, nó còn nhỏ quá. Con gái tôi phải xin nghỉ làm 2 ngày, cháu tôi cũng phải xin nghỉ học để theo mẹ và bà. Chỉ mong thủ tục nhanh chóng, chứ đi lại cực quá”.
Bà Tào Ngọc Phượng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - cho biết, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân lặn lội từ các tỉnh xa đến địa phương nộp đơn ly hôn. “Có người ở tận Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam… cũng đến Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình để nộp đơn đơn phương ly hôn. Những trường hợp như vậy chúng tôi đều tạo điều kiện xử theo hình thức vắng mặt để người dân không phải đi lại xa, tốn kém, mất thời gian” - bà Tào Ngọc Phượng nói.
Cũng theo bà Tào Ngọc Phượng, các vụ ly hôn tại địa phương có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu xử lý 237 vụ, năm 2022 là 346 vụ, năm 2023 có 420 vụ và năm 2024 là 435 vụ. “Đa phần các cặp ly hôn rất trẻ, nằm trong khoảng 20-30 tuổi. Lý do ra tòa thường là không hợp nhau. Các cặp ly hôn chủ yếu là những người lao động xa quê, làm việc ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… nên chủ yếu được xử theo hình thức vắng mặt” - bà Tào Ngọc Phượng thông tin thêm.
Qua hơn 10 năm tư vấn và tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong các vụ ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, bức tranh ly hôn khu vực này giờ đã khác so với cách đây 6-7 năm. “Thực tế cho thấy, các cặp đôi ly hôn đều có học vấn cao hơn so với trước. Khá nhiều trường hợp có trình độ cao đẳng, đại học và nhiều trường hợp là doanh nhân thành đạt. Một đặc điểm khác khá phổ biến là đa số đều do 1 bên đơn phương nộp đơn xin ly hôn (đa số là nữ), chỉ có số ít là thuận tình ly hôn” - luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà nói.
Hôn nhân đang thiếu sự bền vững
Theo thống kê, tỉ lệ ly hôn ở khu vực miền Tây năm 2024 cao hơn nhiều vùng miền khác và đứng thứ hai cả nước (chỉ sau khu vực Đông Nam Bộ). Trong đó, Tiền Giang là tỉnh có số người ly hôn/ly thân cao nhất khu vực miền Tây. Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà nhìn nhận, ngoài việc độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp chỉ mới 20-22 tuổi đã ly hôn, thời gian chung sống trước khi ly hôn của các cặp đôi ngày càng ngắn, phổ biến chỉ từ 1-5 năm. Vấn đề đó cho thấy hôn nhân ngày nay đang thiếu đi sự bền vững so với trước.
 |
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà (Đoàn Luật sư TPHCM) - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Hiện nay, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ: vấn đề ngoại tình và vấn đề kinh tế (2 nguyên nhân này trước đây không nhiều). Tuy nhiên, trong một vụ ly hôn, thường có ít nhất 2-3 nguyên nhân đan xen mới dẫn đến ly hôn” - luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ.
Về tranh chấp trong vụ án ly hôn, ngoài quan hệ hôn nhân, các vấn đề chủ yếu xoay quanh quyền nuôi con và phân chia tài sản. Các tranh chấp khác như: tranh chấp các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân, tranh chấp quyền kinh doanh sau khi ly hôn… tuy có nhưng không nhiều.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết thêm, qua quá trình sinh sống và làm việc tại miền Tây, bà nhận thấy một số yếu tố địa phương cũng tác động rõ nét đến sự gia tăng tỉ lệ ly hôn của khu vực. Vị trí địa lý thuận lợi thúc đẩy quá trình giao thương và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhưng cũng kéo theo những mặt trái, trong đó có sự gia tăng tỉ lệ ly hôn. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong quan niệm về giá trị gia đình, sự suy giảm của các giá trị truyền thống (sự chung thủy và gắn bó), đề cao cái tôi, tự do cá nhân cũng góp phần vào tình trạng này. Ngoài ra, đặc điểm dân cư cũng là một yếu tố cần quan tâm.
Cũng theo nữ luật sư, ngày nay, việc nam giới đi làm xa nhà thường xuyên tạo ra khoảng cách về mặt tình cảm và trách nhiệm, dẫn đến sự xa cách và mâu thuẫn trong gia đình. Đồng thời, sự tự chủ kinh tế của phụ nữ giúp họ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định ly hôn khi hôn nhân không hạnh phúc.
Nhã Chân