Chuyện lớp 3: Con làm gì khi bị bạn trai…dê?

25/02/2017 - 11:50

PNO - Tôi dặn dò cháu: “Thay vì bỏ chạy, con hãy đứng lại, nhìn thẳng vào mắt của bạn và nói rằng: Tui không cho phép bạn làm vậy”.

Con trai tôi năm học lớp 3. Mỗi buổi chiều đón cháu về, tôi hay hỏi han cháu chuyện này chuyện kia. Một ngày cháu kể: “Ở lớp con có bạn H.A. dê lắm, suốt ngày dí theo các bạn gái, khi thì dở váy bạn gái lên coi, khi thì ép bạn vào trong tường để hôn, mà hôn môi đó mẹ”.

Chuyen lop 3: Con lam gi khi bi ban trai…de?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi nghe mà ớn lạnh, nhưng giữ giọng bình thản: “Rồi bạn gái kia làm gì? Có bạn nào méc cô giáo không con”. Con trả lời: “Có bạn méc cô giáo, nhưng bạn H.A. không sợ. Những lúc không có cô, bạn ấy lại “dê” và các bạn gái trong trường thấy H.A. chỉ biết bỏ chạy”.

Tôi hỏi tiếp: “Rồi phản ứng của con với bạn H.A. như thế nào? Con có bảo vệ các bạn không? Có cản bạn ấy và nói làm vậy là xấu không?”. Con trai tôi ấp úng một hồi rồi nói: “Nhưng mà bạn H.A. mạnh hơn con. Con có nói một lần nhưng bạn ấy chửi thề với con nữa mẹ”.

Thật là khó khi bắt một đứa trẻ phải chịu trách nhiệm dạy một đứa trẻ khác điều đúng, sai. Là một người mẹ, tôi thấy thật khó để dạy con phản ứng trước những điều không đúng. Tôi chọn cách nhẹ nhàng nói: “Mẹ biết nếu con phải gánh trách nhiệm này thì quá mệt. Nhưng nếu thấy điều xấu mà im lặng thì không đúng phải không con?”.

Câu chuyện trong bữa cơm chiều hôm ấy của chúng tôi tiếp tục xoay quanh chuyện bạn H.A. Con tôi kể, H.A. còn hôn bạn trai nữa. Có hôm cháu lại kể chuyện các bạn trong lớp lên kế hoạch tụt quần bạn H.A. và “úp” lên facebook. Nhưng kế hoạch không thực hiện được vì bạn gì đó quên mang ipad… May quá, tôi nén tiếng thở dài.

Những người lạc quan có thể nói: “Bọn con trai ấy mà, thời nào chẳng bày trò nghịch”. Nhưng con trai tôi kể nhiều về H.A. đến mức đứa con gái nhỏ sắp vào lớp 1 của tôi một sáng kia thẽ thọt: “Mẹ ơi, mai mốt con không học chung trường với anh đâu. Lỡ con gặp bạn H.A. thì sao?”. Quãng đường đến trường hôm ấy, tôi đành phải đặt tình huống với con: "Nếu gặp bạn H.A. con sẽ làm gì. A: bỏ chạy. B: méc cô. C: kể với mẹ. D: Cố gắng vùng vẫy để thoát ra. E: Tất cả những điều trên".

Sau cuộc trò chuyện, tôi không quên dặn dò cháu: “Thay vì bỏ chạy, con hãy đứng lại, nhìn thẳng vào mắt của bạn và nói rằng: Tui không cho phép bạn làm vậy”. Con tôi hồn nhiên: “Vậy là bạn ấy sẽ không làm nữa hả mẹ? Vậy đó là câu thần chú cho những bạn như bạn H.A. hả mẹ?”. “Cho tất cả mọi điều khi con không muốn”, tôi nói. Tôi đồng thời cũng dặn dò con luôn luôn đi cùng bạn bè. Có bất cứ điều gì cũng phải kể cho mẹ hoặc cho cô giáo biết nhen con…

Chiều nay, trên đường về nhà, như thường lệ, tôi lại hỏi thăm hai con ngồi sau xe. Cậu con trai lớn kể chuyện này chuyện kia một hồi, chợt nhớ ra: “Bạn H.A. đó mẹ, dạo này bạn ấy không rượt đuổi các bạn gái nữa. Dạo này có bạn Quốc Anh, bạn Hoàng Hùng chơi với bạn. Chắc là hồi đó không ai chơi nên bạn bày trò này trò kia. Giờ có người chơi rồi, bạn vui, nên không rượt đuổi nữa”. Tôi tiếp chuyện con: “Ờ há, chắc bạn đã qua cái thời tò mò, muốn tìm hiểu cái này cái kia rồi con hen”.

Tôi quay sang con gái: “Con nghe anh nói rồi nghen. Bữa nay bạn H.A. khác rồi, con đừng sợ học chung trường với anh nữa nhé. Mà nếu có bạn nào đó làm giống như bạn H.A., thì hãy nhìn thẳng vào mắt bạn ấy, đọc câu thần chú của mẹ. Nhưng có cái này hay hơn câu thần chú nè con: Hãy mạnh dạn làm bạn với bạn ấy nhé. Anh con nói rồi đó, khi có bạn bè và vui, bạn ấy sẽ không cần phải bày trò này trò kia nữa đâu con”.

Trương Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI