Chuyện lợn trong tranh dân gian

13/02/2019 - 11:30

PNO - Lợn đi vào phong tục, lễ nghi, ca dao, điêu khắc và hội họa bởi sự gần gũi của nó. Trong tranh dân gian, lợn trở thành biểu tượng của sự sung túc, phồn thực.

“Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, trong tâm thức người Việt, con lợn tượng trưng cho sự no ấm, an nhàn, phồn thực bởi vẻ ngoài béo tốt và mắn đẻ. Cùng với chó, mèo, gà, vịt, lợn là một trong những con vật gần gũi với đời sống hàng ngày với mỗi gia đình.

Lợn không chỉ nhặt nhạnh cơm thừa, canh cặn mà lợn đất còn trở thành nguồn “tiết kiệm” nho nhỏ cho bà, cho mẹ, có thêm tấm áo, đồng quà cho trẻ nhỏ hoặc để dành mỗi dịp giỗ chạp, tết nhứt. Chẳng thế mà, “ngân hàng” đầu tiên rèn dạy tính tiết kiệm cho trẻ nhỏ được mô phỏng bằng một chú lợn đất. Lúc đầy xu thì đem ra “mổ lợn”, mua giấy bút, quà bánh, háo hức chẳng kém gì khi mở bao lì xì!

Lợn còn bước vào tranh dân gian, ngộ nghĩnh, sinh động, khi thì đề huề con cái, lúc dũng cảm, anh hùng. Cho dù được vẽ bằng chất liệu, màu sắc gì thì ý nghĩa từ hình tượng con lợn vẫn nhất quán trong cách diễn tả: béo tốt, lưng võng bụng xệ, mõm ngắn, chân thấp. Vóc dáng bề ngoài cho thấy tính hiền lành, hay ăn chóng lớn của lợn, cầu mong sự đầm ấm, sum vầy. Chẳng vậy mà, mỗi dịp tết đến xuân về, người xưa dù dư dả hay nghèo khó cũng đều mua cho bằng được một bức tranh hình lợn (hoặc gà) treo trong nhà. Cái hay của tranh dân gian ở chỗ, nó chẳng kén hoàn cảnh. Nhà tranh vách đất treo tranh sẽ thêm phần sáng sủa, nhà ngói gỗ lim treo tranh vẫn không mất đi nét bình dị.

Chuyen lon trong tranh dan gian
Lợn nái - tranh Đông Hồ

Cũng cần nói thêm rằng, tranh dân gian chia thành hai dòng rõ rệt, một là tranh thờ với những đề tài trang nghiêm, hai là tranh trang trí gắn liền với các chủ đề chúc phúc, cầu mong may mắn, yên ấm, no đủ, mang màu sắc hài hòa, vui nhộn. Tranh lợn thuộc dòng thứ hai.

Lợn trong tranh Đông Hồ

Nhắc đến tranh dân gian vẽ lợn, tranh Đông Hồ được nhớ đến đầu tiên, bởi nét vẽ gần gũi, màu sắc tươi vui, mộc mạc. Đây đồng thời là dòng tranh dân gian phổ biến và được biết đến nhiều nhất trong thời hiện đại. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, lợn trong tranh Đông Hồ có tạo hình đẹp nhất, bởi nó chuyển tải được cái nhìn duyên dáng, trìu mến về con vật gắn liền với đời sống nông nghiệp giữa bức tranh làng quê thanh bình.

Tranh Đông Hồ có rất nhiều chủ đề riêng về lợn, nhưng phổ biến nhất là hai bức: Lợn nái (Lợn đàn, Đàn lợn Âm-Dương)Lợn ăn cây dáy

Bức Lợn nái ngụ ý cầu chúc sự sinh sôi, nảy nở, cuộc sống ấm no, sung túc. Tranh cận tả một “bà” lợn sề với bầy lợn năm con quấn quít xung quanh. Trên mình lợn mẹ có vòng xoáy Âm-Dương. Nét độc đáo của tranh là miêu tả được sự viên mãn của lợn mẹ và sự mũm mĩm, đáng yêu của đàn lợn con chỉ bằng bốn năm đường cong hình trăng khuyết.

Chuyen lon trong tranh dan gian
Tranh Lợn ăn cây dáy

Bức Lợn ăn cây dáy vẽ một con lợn đực to khỏe, với hai vòng xoáy Âm-Dương trên thân, miệng ngậm chặt cây dáy, mắt trừng mở, lông dựng ngược, chân đóng chắc xuống đất như lời cảnh báo những ai có ý định giành thức ăn, thể hiện sự chắc chắn, dũng cảm. Màu sắc và bố cục chặt chẽ, không thể thêm vào và bớt ra.

Theo Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam, tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh Lợn ăn cây dáy in ba bản màu một bản nét, tranh Lợn nái là bốn bản. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là “thuốc cái”. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp.

Có lẽ vậy nên, bao giờ ngắm tranh Đông Hồ, người xem cũng cảm thấy gần gũi, hồn hậu, thân thương.

Lợn trong tranh Kim Hoàng

Có đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng nét độc đáo của tranh Kim Hoàng kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Về màu, tranh Kim Hoàng dùng mực tàu, trắng là thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm và các màu hóa học. Giấy in không quét điệp như tranh Đông Hồ (tranh giấy điệp trắng hay còn gọi là tranh trắng), cũng không dùng giấy xuyến, giấy dó như tranh Hàng Trống (tranh trắng mộc) mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy tầu vàng.

Chuyen lon trong tranh dan gian
Tranh Lợn độc

Tranh lợn nổi tiếng nhất của dòng tranh Kim Hoàng còn lại đến ngày nay là tranh Lợn độc. Trên nền đỏ của giấy điều, con lợn được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng, cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ - đen - trắng mang đến vẻ cô đọng, tương phản cho tranh.

Theo Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam, nếu tranh lợn Đông Hồ được ca ngợi bởi nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét khắc, dáng chắc khỏe, chắt lọc của con vật trong  cái thế vững chãi thì con lợn trong tranh Kim Hoàng có tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên hơn. Hình ảnh con lợn được cách điệu nhiều hơn, với nét vẽ tay phóng khoáng; hai lỗ mũi được thay bằng họa tiết mây. Cái tai chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc với các nét phẩy bút song song hướng về phía sau. Lợn trong tranh Kim Hoàng không có xoáy âm dương, thay vào đó là các nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình thêm vui.

Lợn trong hội họa hiện đại

Cả hai bậc thầy hội họa là Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đều có những bức tranh lợn độc đáo. Đặc biệt, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm dành tình yêu rất lớn cho chùm tác phẩm Con giống, trong đó có lợn. Lợn trong tranh của hai ông tinh giản về đường nét nhưng vẫn giữ nguyên bản màu tươi vui, sự nghịch ngợm và nét sống động trong biểu hiện như tranh dân gian.

Chuyen lon trong tranh dan gian
Tranh Con giống - họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Thế hệ họa sĩ hiện đại sau này, vẽ tranh lợn đẹp và đáng chú ý, từ phối màu, đường nét cho đến ý tưởng, phải nhắc đến Tào Linh.

Lê Phan (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI