Chuyện lớn nhất

03/08/2014 - 07:00

PNO - PNCN - Việc làm ăn của anh thất bại. Anh trút nỗi thất vọng lên em và hai đứa con.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi khi về, vừa dắt xe vào nhà, anh vừa bật chân chống rất mạnh, khiến cái chân chống kéo trên nền gạch rin rít, rất ghê tai. Anh cởi mũ bảo hiểm treo lên tường vang tiếng “cộp” mạnh như là đập, thảy cái cặp phịch xuống rồi theo đà nó trượt tới mép bàn, có khi rơi luôn xuống nền. Nếu lúc đó trên bàn có tờ báo và cuốn truyện các con đang đọc dở, anh gắt: “Cái bàn có phải là cái kệ không hả?”.

Đáp lại gắt gỏng của anh, em đùa: “Sách báo mà lúc nào cũng nằm gọn trên kệ thì thành gấu bông trang trí rồi còn gì”. Anh càng cau có hơn: “Em không dạy con tính gọn gàng, còn bao che cho thói bừa bãi. Đúng là con hư tại mẹ”. Em thủ thỉ với con là công việc của ba đang gặp khó nên mẹ con mình chính là chỗ dựa của ba lúc này. Vậy nên khi anh vừa dắt xe vào thì con gái chạy đi lấy tấm thảm lót chân chống để không trầy xước nền gạch hoa; con trai giành cái mũ bảo hiểm trong tay anh để treo lên. “Mấy cái việc lặt vặt này mà bu quanh làm chi cho vướng víu”, câu nói phũ phàng của anh khiến hai đứa trẻ khựng lại, con trai khẽ nhíu mày trong khi con gái rơm rớm nước mắt nhìn mẹ...

Buồn nhất là những bữa cơm. Khuôn mặt anh lạnh tanh, hoặc có nói năng thì anh chì chiết những người bạn lừa dối, những đối thủ ranh ma, những hợp đồng mà nếu anh xấu tính khai ra có kẻ phải bật khóc… Chính em đây, rất hiểu anh và rất cố gắng nín nhịn cho qua giai đoạn này mà nhiều khi cơm vô còn mắc nghẹn ngang cổ, huống hồ các con.

Anh có nhận ra dạo này các con thường tìm cớ làm gì đó trong phòng thật lâu khi anh ở nhà không? Anh có nhận ra hai ngày cuối tuần, lẽ ra cả nhà quây quần bên nhau thì hai đứa con xin phép sang nhà bạn học nhóm, tranh thủ luyện đàm thoại tiếng Anh? Nỗi sợ phải đối diện anh đã thay thế bằng cách tránh anh. “Lúc khó khăn này mẹ con mình không biết cách chia sẻ với ba mà còn né tránh thì thật có lỗi”, em nói với các con như vậy, nhưng chính em cũng không biết phải làm sao, vì mỗi lời nói ra đều bị anh độp lại bằng giọng bắt bẻ, khiển trách, cứ như em đang làm phiền anh, và nếu em tiếp tục nói thì anh có cớ để to tiếng hơn. Em càng nhỏ nhẹ, anh càng nặng lời, thành ra như là vợ chồng mình cãi nhau. Có hôm, hai đứa con vội đóng cửa sổ lại mỗi khi anh đi làm về. Con sợ hàng xóm nhìn qua thấy cảnh không vui nhà mình.

Chuyen lon nhat

Các con tưởng đóng cửa lại thì che giấu được mọi điều, đâu biết sự lớn tiếng của anh đã khiến hàng xóm xì xào nhiều rồi. Thậm chí có tin đồn vợ chồng mình sắp ly hôn và anh đang tìm cách giấu bớt tài sản bằng cách tung tin làm ăn thua lỗ.

Miệng lưỡi người đời thật khó lường, nhưng cũng tại anh tự làm cho mình trở nên xấu xí trong mắt mọi người. Tin đồn đó cũng là một thử thách với em. Đôi khi mệt mỏi quá, tưởng mình không kiên nhẫn được nữa, em tự nhủ chồng đã không tin cậy, không thèm nói thì việc gì phải chịu đựng. Nhưng đó chỉ là một thoáng yếu lòng. Thử hình dung ngôi nhà của mình không còn có anh đi về, em hoảng sợ không biết mình và các con sẽ ra sao. Sau cơn đay nghiến của anh và sau cơn tủi thân của em, em vẫn nhận ra mình sẵn sàng gồng gánh cùng anh.

Trước đây mỗi khi uống rượu, sợ em buồn, anh tìm cớ phân bua vì phải tiếp khách hoặc vì anh em cơ quan liên hoan mà mình không tham gia thì “coi không được”. Bây giờ, chiều nào anh cũng về trễ với mùi rượu nồng nặc. Thôi, nếu phải chọn lựa giữa hai điều xấu, thì thà anh cứ gay gắt, hãy cứ nặng lời với em, nếu điều đó khiến anh xả được chút ít ẩn ức. Đừng bia rượu, em sợ thấy anh tự hành hạ mình, tự hạ thấp mình bằng cách đó. Em không muốn người ta chứng kiến cảnh anh loạng choạng, lè nhè nôn mửa. Và lỡ ra, trong cơn say, anh không còn làm chủ được mình, quán rượu có biết bao trò vui thú, đến khi tỉnh ra người ta hối hận cũng không biết làm sao sửa sai.

Anh có nhớ kỳ thi chuyển cấp vừa rồi, ra khỏi phòng thi môn toán, con trai hớn hở khoe làm đúng hết, để rồi khóc nức nở khi phiếu báo điểm 4. Chính anh đã nói: “Nếu không có điểm 4 này thì ba không biết con trai ba yếu đuối cỡ nào”. Nhờ câu nói của anh mà em giữ được bình tĩnh khi hay tin con trai mình bị rớt trường chuyên cấp III, trong khi năm lớp 9 con là học sinh giỏi toàn diện, cộng thêm giải nhất cuộc thi toán cấp tỉnh. Con trai xấu hổ không muốn ra đường, không dám gặp gỡ bạn bè, tính tình bỗng thay đổi đáng ngại, nói năng cộc lốc với cha mẹ và hằn học với em, mở ti vi thật to, bất kể giờ giấc và đi đứng huỳnh huỵch như cố tình khiêu khích, gây gổ với mọi người. Anh đã xin nghỉ phép mấy ngày để trò chuyện với con, đưa con đi bơi, cùng con chơi bóng bàn. Và khi con đã bình tĩnh, anh cùng con lên mạng để giải lại đề toán đó, tìm ra những lỗi sai ngớ ngẩn mà học sinh giỏi thường mắc do chủ quan.

Em muốn nói với anh như anh đã nói với con, nếu không có thất bại này của anh thì em không biết anh yếu đuối đến cỡ nào. Thật vậy, anh còn định làm khổ mẹ con em đến bao giờ?

Đừng làm khổ nhau nữa. Hãy để em được chia sẻ với anh, ít nhất là được lắng nghe anh tâm sự nỗi khó khăn hiện tại và những dự định để vượt qua. Em và các con muốn được nhìn thấy anh như trước đây, mỗi khi em đi làm về than thở chuyện cơ quan thì anh gạt phăng bằng tiếng cười lạc quan: “Tưởng gì, chuyện nhỏ”. Mỗi khi các con xịu mặt kể lể điều bất mãn nào đó thì anh là người cao giọng ngạc nhiên: “Hả? Tưởng gì, chuyện nhỏ”.

Anh yêu, em biết lần thất bại này không thể nói là chuyện nhỏ, nhưng em tin hạnh phúc gia đình mình mới là chuyện lớn nhất của anh.

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI