Chuyện lía quẩn quanh chuyện đời

19/08/2024 - 18:09

PNO - Lía dù chế biến kiểu gì chăng nữa thì chỉ duy nhất chấm với nước mắm me chua cay là hợp.

Theo chuyến xe chiều từ quê lên, đứa em họ của tôi khệ nệ khiêng chiếc thùng xốp vào nhà, gương mặt cứ hênh hếch lên ra chiều bí mật. Khi em mở thùng ra thì cả nhà tôi vô cùng bất ngờ. Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy con lía quê mình. Một trời ký ức nhớ thương cứ theo những câu chuyện rộn ràng của mấy anh em mà chảy tràn.

Chúng tôi cùng nhau làm lía rồi bày biện ra bàn, tranh nhau ăn và kể. Tưởng chừng mớ ký ức cũ càng theo năm tháng đã bị thời gian làm rêu phong mai một, vậy mà khi nhìn thấy những món ăn quen thuộc từ hồi còn nhỏ xíu ở quê, nỗi thèm thuồng lại dậy lên.

Lía xóc muối ớt trước khi phơi - Ảnh: TPB
Lía xóc muối ớt trước khi phơi - Ảnh: T.P.B.

Quê nội tôi ở xứ lụa Tân Châu nức tiếng một thuở với những cây lãnh Mỹ A xuôi ngược khắp Đông Dương. Nhưng với đám trẻ chúng tôi ngày đó, lía mới là thứ khắc cốt ghi tâm. Miệt An Giang trù phú mỗi bận nước nổi là những ngày chúng tôi thích thú. Lía theo con nước mà tràn về các con kênh, khúc lóng. Đám trẻ ngày đó cứ vậy mà lội xuống mò vớt. Chẳng mấy đỗi sẽ đầy rổ. Bữa cơm chiều vậy mà nao nức lạ thường.

Kỳ thực nhiều vùng giáp biên của An Giang vẫn có lía nhưng chẳng hiểu sao lía về Tân Châu nhiều nhất, lại ngọt thịt và dai cơm nhất. Lía Tân Châu có hình dạng tương đối giống con nghêu. Đây là loài hải sản thường sống ở vùng nước lợ cửa sông. Lía có vỏ cứng nhưng mỏng hơn nghêu. Lía chỉ lớn hơn đầu ngón tay người lớn một chút. Vỏ lía đa phần là hình bầu dục. Tuy nhiên, cũng có con hình tam giác, hình tròn.

Thông thường, sau khi gạn lía từ dưới sông đem lên, chúng tôi hay rọng nước vài ngày cho ra hết đất. Sau này, nội tôi chỉ cách đập ớt bỏ vào nước rọng, lía sẽ nhả hết chất nhớt, bùn đất từ trong miệng ra sau chừng mấy tiếng đồng hồ. Sau khi rọng phải rửa lại thật kỹ mới bắt đầu chế biến. Ngày đó, lía đi vào bữa cơm bằng các món xào tỏi, nấu canh rau răm hay luộc với sả. Bữa cơm mùa nước nổi vậy đó mà rộn ràng. Nội tôi hay nói, ông trời thương miệt chín nhánh sông, nước tràn đồng thì cũng bù lại cho người châu thổ những thứ khác để bữa cơm vẫn no đầy ấm bụng.

Lía sau khi rửa kỹ, nội luộc với sả cây, lá chanh và mấy lát gừng đập dập. Trên bếp lửa than của ngày gió đồng se lạnh, nội mở nắp xóc nồi lía luộc lên; hương thơm đậm đà của sả, gừng, lá chanh tỏa ra ngan ngát chái bếp. Pha thêm chén mắm me kèo kẹo, sền sệt nữa thì có ngay bữa cơm ngon lành theo kiểu đám trẻ miệt đồng chúng tôi hay khen là “ngon nhức nách”. Lía dù chế biến kiểu gì chăng nữa thì chỉ duy nhất chấm với nước mắm me chua cay là hợp.

Lía một nắng - Nguồn ảnh: Internet
Lía một nắng - Nguồn ảnh: Internet

Trong mớ ký ức về tháng ngày còn gắn với sóng nước Cửu Long, tôi vẫn nhớ đám anh em họ mỗi bận trời mưa rỉ rả mà nhà có lía thì thể nào cũng nằng nặc đòi nội nấu canh lía rau răm. Nội tách lía đã rửa sạch để lấy thịt. Phi hành tỏi cho thơm, nội đổ nước vào nấu sôi, sau đó cho lía và rau răm xắt khúc vào. Lạ kỳ là lía nấu canh rau răm ăn bắt miệng vô cùng. Lía ra chất ngọt, rau răm cay nồng, trộn với cơm nguội ăn cứ hít hà chắt lưỡi miết. Cái cay nồng của rau răm cũng làm ấm bụng đám con nít ngày trời mưa gió.

Nhưng đâu phải chỉ đám con nít chúng tôi thích lía mà người lớn trong nhà cũng ghiền lía. Tỉ như chú Út của tôi cũng hay khề khà bên chai rượu thốt nốt với món lía xào tỏi. Vô mùa, đôi khi chẳng cần chúng tôi lội sông, chú Út đã tự đi kiếm lía. Chú chỉ cần chạy ra sông một lát thì đã có một rổ đầy. Thậm chí vào mùa nước nổi, đôi khi lía lại là nguồn thu nhập chính của chú. Chú đi từ sáng đến chiều thì ghe đầy chừng chục rổ lía. Nội rọng nước cách đêm là sáng chú chở ra chợ bán hay từ Tân Châu, chú chạy về làng Chăm Châu Phong bán. Bởi như nội kể, món này khởi nguồn từ người Chăm của miệt An Giang mà ra.

Lía phải chấm mắm me mới đúng điệu - Nguồn ảnh: Internet
Lía phải chấm mắm me mới đúng điệu - Nguồn ảnh: Internet

Tôi là đứa mê mẩn mấy món lía của chú Út. Chỉ xào lía với tỏi và thêm mớ cọng rau muống mà ăn ngon chưa từng thấy. Đặc biệt là với tóp mỡ của nội, chú rưới lên, đảo vài cái cho nóng giòn là bắc xuống ngay. Lía vẫn giữ độ ngọt, tóp mỡ béo, rau muống xanh giòn, cứ vậy mà chú ngồi nhâm nhi từ chiều hôm đến khi trăng lên quá ngọn dừa. Chú còn hấp lía với rau quế. Giản đơn vậy nhưng chỉ cần mở nắp nồi là mùi quế xộc thẳng vô mũi thơm lừng.

Người Tân Châu còn có cách ăn lía lạ lùng mà chúng tôi hay gọi là lía “một nắng”. Trước khi đem phơi, lía sẽ được làm sạch và ướp gia vị (muối, ớt, bột ngọt) chừng 2 tiếng. Canh con nắng trưa mà phơi tầm 3 tiếng là lía chín.

Cái mâm nhôm của nội lúc nào cũng được phơi nắng cho thật nóng rồi mới đổ lía từ thau ngâm lên. Sau khi phơi đủ nắng, nội trùm một lớp ni lông lên. Lớp ni lông sẽ giữ được hơi nóng và nước trong mâm. Khi ăn, chỉ cần mở lớp ni lông, dùng tay tách vỏ rồi nút từng con lía vừa chín tới với đầy đủ sự đậm đà của mặn, ngọt, cay nồng quyện vào đầu lưỡi, lan từ từ xuống cuống họng.

Ngày đó, lía “một nắng” hay được bày bán trước các cổng trường học vì giá rất rẻ, chừng 500 đồng hay 1.000 đồng là có 1 lon ăn cho đã thèm.

Lía hấp gừng sả - Ảnh: TPB
Lía hấp gừng sả - Ảnh: T.P.B.

Chuyện lía quẩn quanh chuyện đời như dòng chảy phù sa neo vào ký ức đám trẻ chúng tôi. Quá nửa đời người mưu sinh nơi thị thành phồn hoa, món quê xứ như nhắc nhớ cả trời ký ức. Em họ tôi nói lía giờ thành đặc sản xứ lụa. Khách ghé Tân Châu đều đòi đi ăn lía. Giờ thành phố có nhiều hàng quán bán lía. Từ món ăn quê kiểng theo mùa nước nổi, nay lía được nuôi trồng để bán buôn như một thứ đặc sản của vùng biên An Giang. Lía lên đời vào quán, ngự trên thực đơn các nhà hàng. Người ta chế biến ra nhiều món từ lía. Đi khắp thành phố, đường nào cũng có quán bán lía chứ không như ngày xưa. Nhưng để có lía sông như hôm nay anh em chúng tôi ngồi ăn thì hiếm.

Mớ lía sông này chú Út tôi đãi được, nghe thằng con lên Sài Gòn thì nhớ đám cháu chắc lâu rồi không được ăn lía nên đóng thùng rọng nước làm quà quê. Dễ chừng bao lâu rồi đám cháu chưa về quê? Thậm chí quên đi ký ức với món ăn đặc sản xứ mình. Bao lâu nữa chú Út sẽ thôi không còn đãi lía? Tóc ba má tôi bạc trắng màu sương mai thì hẳn tóc chú Út cũng đâu còn đen nữa. Xòe bàn tay ra, đi hết một vòng 10 ngón vẫn chưa đếm hết năm tháng rời quê. Hình như chừng mười tám, đôi mươi là đám cháu như sáo sổ lồng, rồi lần lần sắm nhà rước ba má lên đây. Xứ quê, nhà tổ chỉ còn chú Út. Ngay cả ông bà nội cũng hóa mây trắng về miền thong dong.

Mấy con lía trên bàn ăn đã vơi đi gần nửa. Cũng quá nửa đời người đám cháu con mới thấm thía câu nhớ quê thèm vị. Lía bây giờ hay lía ngày xưa thì cũng là lía nhưng mấy đứa cháu chắc đâu còn như ngày đó. Nhưng đêm nay, món quê vị xứ lại là thứ níu giữ hồn châu thổ trong từng đứa cháu.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI