Chuyện lì xì làm vợ chồng tôi bất hòa

11/02/2024 - 13:26

PNO - Việc giải quyết trước mắt cho tết được vui là em hãy kiềm chế tự ái và giảm bớt sự nhất quyết phải tranh cãi cho ra ai đúng ai sai.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Mới có mùng Một tết mà vợ chồng em lại có chuyện cãi cọ nhau. Chung quy cũng chỉ vì cách vợ em coi chuyện lì xì như một nguồn thu nhập trong ba ngày tết của cô ấy.

Trước tết, cô ấy dạy con phải đứng khoanh tay, ngoan ngoãn chúc tết ra sao, rồi phải nói những gì cho đẹp lòng người khác thì mới có nhiều tiền lì xì. Em bực, nên nói vợ đừng làm hư con. Cô ấy cứ cười cười, bảo chuyện vui thôi mà.

Hôm qua, dịp tụ tập gia đình hai bên họ hàng vào đầu năm, nhà nào cũng dẫn con theo thì em không nói làm gì. Nhưng trưa về thấy hai mẹ con hí hửng đếm tiền, rồi vợ em khen con khi thằng bé kể là "con khôn lắm, cậu Ba lì xì rồi mà quên mất nên khi cậu Ba đưa nữa, con cũng nhận luôn", thì em giận lắm.

Em cự với vợ làm thế là dạy con sai, khiến con hiểu sai ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm. Vợ em cười cười, nói: "Thấy thằng bé lanh quá thì em mắc cười thôi".

Thế nhưng, đến chiều, khi tụi em chuẩn bị đi tụ tập với bạn bè, vợ em cứ nhất quyết đòi dắt con theo. Em phản đối thì vợ bảo, lỡ bạn bè có đưa con đi cùng, nếu mình lì xì "một chiều" sẽ bị lỗ.

Em "mắng" vợ vài câu có hơi nặng về sự tham lam, dạy con hám tiền và lợi dụng lòng tốt của mọi người. Vợ chồng cãi nhau to lắm, rồi cuối cùng không đi gặp gỡ bạn bè, em xách xe ra ngoài đi uống cà phê, vợ ở nhà khóc lóc. Không khí trong nhà mùng Một tết đã chẳng vui.

Tết vẫn còn mà đã mất vui. Nhưng em không muốn nhượng bộ vợ chuyện này, vì tết còn đến vài ba ngày nữa. Em nên nói với vợ làm sao đây chị?

Thanh Hùng

Em Thanh Hùng thân mến,

Những băn khoăn, bực bội, tranh cãi của em đã xuất hiện từ rất lâu, trong suy nghĩ nhiều người và nhiều gia đình rồi, chứ không phải là chuyện gì mới mẻ. Nhiều người cũng cho rằng chuyện cho con trẻ tiền bằng cách này là không đúng. Người khác lại cho rằng đã là phong tục thì không thể bàn chuyện đúng sai, "xưa bày, nay làm" thôi. 

Hạnh Dung thì nghĩ rằng quan niệm thế nào và làm theo ra sao là tùy theo từng gia đình, theo cách nghĩ, cách hiểu, cách dạy con và cách "theo phong tục" như thế nào thôi. Mang đến cho con trẻ những niềm vui nhỏ nhỏ đầu năm là chuyện cũng nên làm. Thậm chí, đó cũng là niềm vui được cho đi của người phát lì xì, mừng tuổi. Nhưng làm sao để hiểu được và làm theo phong tục một cách đúng đắn thì lại là chuyện cần phải có sự sáng suốt.

Tranh cãi giữa các gia đình có nếp sống và văn hóa khác nhau thì là chuyện bình thường. Sự việc quan trọng và nghiêm trọng hơn khi tranh cãi ngay trong gia đình, ngay trong ngày tết. Tất nhiên cách nghĩ, cách làm và cách khuyến khích con lợi dụng chuyện lì xì, láu cá và gian dối của vợ em là sai, nhưng đấu tranh sai đúng trong gia đình giữa người thân, cần rất nhiều sự khéo léo, nhẹ nhàng, kiên nhẫn.

Giờ đây, việc giải quyết trước mắt cho ba ngày tết còn lại được vui vẻ là em hãy kiềm chế tự ái và giảm bớt sự nhất quyết phải tranh cãi cho ra ai đúng ai sai, về làm hòa với vợ, nhẹ nhàng xin lỗi vì những lời nặng nề của mình và... chở vợ con đi chơi. Khôn ngoan chọn nơi nào... không có chuyện lì xì mừng tuổi để gia đình được vui vẻ đã.

Hạnh Dung nghĩ, sau cuộc cãi nhau này, chắc chắn vợ em cũng sẽ tránh bớt lặp lại tình huống để gây cãi cọ tiếp, vì chẳng ai muốn xung đột trong ngày đầu năm nhất là các cô vợ, luôn sợ... xui. Nên em cũng nương theo đó mà xử sự.

Chuyện lâu dài là năm nay, năm sau năm sau nữa... sẽ còn lặp lại những điều như thế này, nên các em nên có những trò chuyện, thỏa thuận ngay từ trước tết. Nếu đã nghĩ rằng mình đúng thì em nên chuẩn bị những lý lẽ chắc chắn và bình tĩnh thuyết phục vợ.

"Nói phải, củ cải cũng nghe". Hãy nhấn trọng tâm vào việc giáo dục ý thức, tư duy, hành động của con cái thì vợ em dần dần sẽ quan tâm. Vợ em đôi khi ham cái lợi nhỏ trước mắt mà quên chuyện lâu dài, nên em phải nói cho cô ấy hiểu. Cái lợi vài ba đồng lì xì, làm sao so sánh được với ý thức của con cái với đồng tiền.

Mong rằng vợ chồng em sớm hòa giải và có được cái tết trọn vẹn vui.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI