|
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hiệu quả về mặt doanh thu, lợi nhuận |
Hiệu quả tăng rõ rệt
Những ngày giáp tết Quý Mão 2023, chúng tôi đến thăm những nông dân trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi vịt và nuôi cá ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Năm ngoái, xã Phú Thành A có 8 hộ, gieo trồng khoảng 20ha lúa theo hướng hữu cơ; đến mùa lũ thì thả cá giống vào ruộng để nuôi tự nhiên, thu được hàng trăm triệu đồng.
Trên các ruộng này, các nông dân bón vùi phân hữu cơ rồi sạ giống ST25. Khi lúa cứng cáp, họ thả vịt ra ruộng để làm giảm sâu, rầy. Ông Nguyễn Minh Tuấn - nông dân tham gia mô hình này - bộc bạch: “Lâu nay, huyện Tam Nông là vùng sản xuất lúa lớn của tỉnh. Mô hình nuôi trồng kết hợp này bước đầu cho thấy phù hợp với vùng đất trũng như Tam Nông”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao tính sáng tạo của nông dân xã Phú Thành A. Theo ông, việc sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên là theo quy trình tuần hoàn, giảm phát thải, tăng thêm nguồn thu nhập trên một diện tích đất giới hạn: “Mô hình này rất khả quan, do đó địa phương và ngành nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô, nghiên cứu nhân rộng ra những vùng có điều kiện tương tự”.
Ông Phan Hoàng Em - Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ (huyện Tam Nông) - cho hay, vụ hè thu 2021, hợp tác xã này canh tác hơn 70ha lúa theo hướng hữu cơ với quy trình sản xuất được kiểm soát chặt cả đầu vào lẫn đầu ra, kết quả đạt năng suất khoảng 6,5 tấn/ha. Sang vụ lúa đông xuân 2021-2022, năng suất tăng lên 8 tấn/ha, cao hơn từ 12 - 15% so với phương thức sản xuất thông thường. Ông nhận xét: “Việc sử dụng nhiều phân hữu cơ giúp giảm chi phí, thân thiện môi trường, tạo ra hạt gạo an toàn cho sức khỏe nên được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao và rất dễ bán”.
Ở xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đông Thái trồng dưa lưới trong nhà kính, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm trên vùng đất phèn mặn. Anh cho biết, để tăng thêm thu nhập bên cạnh nghề giáo, anh tìm hiểu việc trồng dưa lưới trong nhà kính rồi vay 300 triệu đồng từ hội nông dân, cộng với hơn 400 triệu đồng tích cóp được để đầu tư khu nhà kính rộng 1.000m2, trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản.
Anh trồng dưa lưới bằng tro trấu, thu được khoảng 4-4,6 tấn/vụ. Mỗi năm, anh trồng 4 vụ, thu hoạch hơn 16 tấn dưa lưới, lãi ròng từ 250-300 triệu đồng. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô canh tác và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu dưa lưới Vĩnh Thuận.
|
Doanh nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cường liên kết với nông dân sản xuất lúa sạch, chất lượng cao để xuất khẩu |
Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP rộng gần 1ha của gia đình, ông Nguyễn Văn Tính (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho hay, đợt tết mới đây, ông thu được khoảng 400 triệu đồng. Trước kia, nông dân trồng bưởi da xanh theo phương pháp truyền thống để tiêu thụ nội địa nhưng mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu bưởi da xanh sang Trung Quốc và một số nước nên đã liên kết với nông dân xây dựng vùng chuyên canh bưởi, canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhờ đó, giá trị trái bưởi được nâng lên.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Trong năm 2022, xuất khẩu nông sản, thủy sản của tỉnh Đồng Tháp đạt gần 1,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây là kết quả sau nhiều năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay, dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường, UBND tỉnh đã xác định 5 ngành hàng chủ lực để tập trung phát triển, gồm lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Trong đó, cá tra được quan tâm nhiều nhất nên tỉnh tích cực giúp các doanh nghiệp và hộ nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn, nhờ đó lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, Đồng Tháp trở thành địa phương nuôi và xuất khẩu cá tra lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
|
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Thành công bước đầu trong phát triển nông nghiệp bền vững của Đồng Tháp là nhờ chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, kéo được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và liên kết với nông dân. Khoảng 6 năm trở lại đây, có hàng chục dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào nông nghiệp. UBND tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình hợp tác, với sự hình thành hơn 180 hợp tác xã, 940 tổ hợp tác, 110 trang trại. Đây cũng là cơ sở để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn một cách thuận lợi.
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao và nuôi tôm công nghệ cao cũng rất được chú trọng ở tỉnh Bạc Liêu. Trong vài năm nay, UBND tỉnh này dồn sức để xây dựng tỉnh thành “thủ phủ tôm” của cả nước. Theo ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - UBND tỉnh đang khẩn trương xúc tiến việc hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển ngành tôm gắn với phát triển du lịch.
Mỗi năm, tỉnh Kiên Giang sản xuất hơn 4,3 triệu tấn lúa, đứng đầu cả nước, phần lớn là lúa chất lượng cao. Hiện các hợp tác xã và nông dân cùng liên kết với các doanh nghiệp xây dựng hơn 5.000ha lúa hữu cơ, lúa trồng theo quy trình đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, SRP… để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, việc sản xuất lúa của tỉnh được định hướng là tập trung vào chất lượng nhằm nâng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Trước mắt, trong đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện khoảng 200.000 - 220.000ha.
Xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, tư duy về kinh tế nông nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét. Đó là nhờ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cùng nhận ra rằng, phải hướng đến những thị trường xuất khẩu nông sản cấp cao hơn nhằm mang về giá trị và lợi nhuận cao hơn. Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất đã giúp hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. “Chúng tôi luôn khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân, dẫn dắt từ khâu giống, thị trường đến số lượng, đồng thời nêu yêu cầu về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cụ thể cho từng thị trường và hỗ trợ nông dân cách làm. Đây cũng là bước chuyển đổi đáng ghi nhận. Giờ đây, phải nghĩ cho đường dài, nghĩ cho các bên cùng tham gia vào chuỗi giá trị nông sản” - ông Lê Minh Hoan nói. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu định hướng, phải chủ động thay đổi nhằm xây dựng hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Tại hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 26, Việt Nam đã cam kết vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, vừa bảo vệ được môi trường, xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu… Những cam kết này cần được chuyển hóa thành những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của ngành chức năng, của doanh nghiệp, nông dân. |
Huỳnh Lợi