Chuyện lạ về đội bóng thứ 33 tại World Cup 2023

24/07/2023 - 13:27

PNO - World Cup nữ 2023 có đến 33 đội góp mặt. Đội thứ 33 – không thi đấu chính thức nhưng có mặt ở Úc, tham gia đại hội từ trên khán đài.

World Cup nữ 2023 tại Úc và New Zealand đã chính thức khởi tranh với 32 đội trong đó có Việt Nam, nhưng thực tế có đến 33 đội góp mặt. Đội thứ 33 – không thi đấu chính thức nhưng có mặt ở Úc, tham gia đại hội từ trên khán đài.

Các nữ cầu thủ Afghanistan - Ảnh: AP
Các nữ cầu thủ Afghanistan - Ảnh: AP

Các thành viên của đội tuyển nữ quốc gia Afghanistan, đã di chuyển đến Australia sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào năm 2021. Trước thềm World Cup, các cô gái Afghanistan đã gây chú ý đến thăm buổi tập của các nữ cầu thủ Ma Rốc. Tại sao họ lại đến thăm Ma Rốc mà không phải một đội bóng châu Á nào khác?

Với Ma Rốc, đây cũng là lần đầu tiên tham dự World Cup nữ. Không những vậy, họ là quốc gia Ả Rập đầu tiên vượt vòng loại để đến với vòng chung kết World Cup nữ. Giống như Afghanistan, quốc gia Bắc Phi này có đông đảo người dân theo đạo Hồi.

Các cầu thủ Afghanistan đang có mặt tại Úc hy vọng rằng sự tham gia của “bầy sư tử Atlas”tại World Cup giúp xây dựng thêm hình ảnh phụ nữ Hồi giáo có quyền được chơi bộ môn thể thao này.

Nữ cầu thủ Farida Mohammadi của Afghanistan cho biết: “Đây là một cơ hội lớn để đội Ma Rốc cho thế giới thấy rằng phụ nữ Hồi giáo ở mọi quốc gia đều có thể tham gia thể thao”.

Nouhaila Benzina - Ảnh: Twitter
Nouhaila Benzina - Ảnh: Twitter

Taliban không cho phép phụ nữ tham gia một số môn thể thao ở Afghanistan, dẫn đến việc đội tuyển bóng đá nữ giải thể và biến mất khỏi bảng xếp hạng FIFA. Dù vậy, các cầu thủ nữ vẫn kêu gọi FIFA công nhận sự tồn tại đội tuyển nữ để họ có thể thi đấu quốc tế.

Nữ cầu thủ Mursal Sadat của Afghanistan cho biết: “Chúng tôi muốn FIFA chấp nhận và cho phép đội tuyển nữ Afghanistan đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, gồm cả ở quê nhà”.

Tại Úc, các cầu thủ nữ Afghanistan vẫn thi đấu với các CLB khác trên khắp bang Victoria với tư cách là một phần của Melbourne Victory FC. Đội bóng tập hợp các nữ cầu thủ có độ tuổi từ 17 đến 23 gồm nhiều người Afghanistan đang làm việc hoặc học tập tại Úc.

Thực ra, không chỉ ở Afghanistan mà trong lịch sử, sự phát triển của bóng đá nữ ở một số vùng thuộc Trung Đông và Bắc Phi gặp phải những hạn chế về tài chính hoặc rào cản xã hội. Chỉ có ở Ma Rốc là thoáng hơn khi họ đã thành lập được giải chuyên nghiệp nữ với hai hạng đấu và vừa tổ chức Cúp bóng đá nữ châu Phi 2022.

Farida Mohammadi nói: “Chính phủ, người dân Ma Rốc đã chấp nhận các cô gái này đại diện cho đất nước của họ. Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, và chúng ta không cần phải rập khuôn theo những nếp suy nghĩ lỗi thời”.

Mohammadi nói thêm rằng các cầu thủ trong đội trước giờ chỉ được xem các trận đấu ở châu Âu và World Cup trên truyền hình, vì vậy được xem trực tiếp các trận đấu tại World Cup là “cảm giác phi thường”. Đó cũng là một lời nhắc nhở về giấc mơ của mọi nữ cầu thủ. Mohammadi nói: “Một ngày nào đó, sẽ có một đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Afghanistan, họ có thể đại diện cho đất nước của mình và tham dự tranh tài tại World Cup".

Nữ cầu thủ bóng đá người Ma Rốc, Nouhaila Benzina, sẽ làm nên lịch sử khi trở thành vận động viên đầu tiên đội khăn trùm đầu tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới.

Vào năm 2007, FIFA đã ban hành lệnh cấm tất cả các loại khăn trùm đầu, với lý do là trang phục này gây nguy cơ đối với an toàn của các cầu thủ. 7 năm sau, FIFA phải dỡ bỏ lệnh cấm.

Tuy nhiên, phụ nữ theo đạo Hồi trên khắp thế giới tiếp tục gặp trở ngại trong việc thi đấu với trang phục đặc biệt như vậy. Do vậy, việc Benzina quyết đội khăn trùm đầu trong trận Ma Rốc gặp Đức vào 24/7 này được coi là một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tạo ra nhiều không gian thân thiện hơn cho phụ nữ theo đạo Hồi chơi bóng đá.

Tú Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI