Giảng viên trái chuyên môn
Lý giải việc phân công bà Lê Thị Ái Liên giảng dạy và chấm thi tuyển sinh ngành đạo diễn sân khấu, Ban giám hiệu Trường đại học (ĐH) Sân khấu - Điện ảnh (SK-ĐA) TP.HCM cho biết: “Do bà Ái Liên tốt nghiệp lớp Sân khấu K19, hệ chính quy, khoa Quản lý Văn hóa (QLVH), Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội, năm học 1998-2002”.
Theo bảng điểm do Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM cung cấp, trong suốt quá trình học, bà Ái Liên có học một số môn liên quan đến kỹ thuật diễn xuất, kỹ thuật, công tác đạo diễn. Tuy nhiên, về kỹ thuật biểu diễn chỉ có tám đơn vị học phần (cả lý thuyết và thực hành) và 19 đơn vị học phần về đạo diễn trong tổng số hơn 230 đơn vị học phần của bốn năm đại học.
Như vậy, bằng tốt nghiệp lớp sân khấu, khoa QLVH của bà Ái Liên có phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành bà đang giảng dạy và chuyên môn đó có đủ để giảng dạy nghiệp vụ cho sinh viên đại học ngành đạo diễn sân khấu?
|
Để có một tác phẩm sân khấu hay, những người làm sân khấu chuyên nghiệp phải được đào tạo từ những người thầy giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm - Ảnh minh họa
|
Trong khi đó, mục tiêu đào tạo của khoa QLVH, Trường ĐHVH Hà Nội xác định rõ: “Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quản lý văn hóa để quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật”.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là việc tốt nghiệp chuyên ngành QLVH khóa 1998-2002 của bà Liên có chính xác? Phần giới thiệu khoa QLVH trên website của ĐH Văn hóa Hà Nội ghi rõ: “Giai đoạn 1977-2004: khoa đào tạo cán bộ văn hóa quần chúng bậc đại học với các chuyên ngành thông tin - cổ động, âm nhạc, sân khấu… Từ năm 2000 mới bắt đầu đào tạo chuyên ngành QLVH”.
Cả ông Phan Văn Tú (Trưởng khoa QLVH) lẫn ông Trương Đại Lượng (Trưởng phòng Đào tạo) đều khẳng định với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM là không có lớp sân khấu trong đào tạo QLVH.
Thiếu trách nhiệm hay cố ý làm sai?
(Trưởng khoa Sân khấu, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)
Nghệ thuật là ngành đặc thù. Tính chất của nghệ thuật là tính hình tượng, nó tách biệt với những ngành nghề khác, đòi hỏi người làm nghề phải hiểu rất rõ về nghề. Với đặc thù này, công tác đào tạo càng phải đòi hỏi cao hơn và chắc chắn phải được học đúng chuyên môn thì mới có thể tham gia đào tạo. Với công tác quản lý văn hóa, kiến thức về sân khấu được học chỉ là những điều rất cơ bản, là kiến thức bổ sung để người học sau khi tốt nghiệp có thể làm tốt công tác quản lý. Không bao giờ và không thể dùng những kiến thức đó để giảng dạy nghệ thuật chuyên nghiệp.
|
Số học phần về kỹ thuật biểu diễn và công tác đạo diễn như bà Liên được đào tạo có lẽ chỉ đủ để biết vài điều cơ bản về biểu diễn, dàn dựng. Từ biết đến hiểu còn một khoảng cách rất xa, chưa kể phương pháp giảng dạy để trở thành nhà quản lý và phương pháp đào tạo để trở thành người làm nghệ thuật chuyên nghiệp cũng hoàn toàn khác biệt.
Nghệ thuật có đặc thù rất riêng: việc chọn lựa năng khiếu, tài năng đòi hỏi người thẩm định phải am hiểu về chuyên môn lẫn có bề dày kinh nghiệm thực tế sáng tác và công tác giảng dạy. Một quy trình đào tạo có vấn đề ngay từ đầu và gây bức xúc khi người không có chuyên môn ngồi tuyển sinh, sau đó đào tạo nghiệp vụ sẽ dẫn đến việc cho ra trường những người làm nghề thiếu năng khiếu, yếu kỹ năng.
Thật lạ, dù không có bằng cấp chuyên môn, giảng viên Ái Liên vẫn nằm trong danh sách đủ tiêu chuẩn tham gia thi tuyển viên chức năm 2017 của trường với vị trí thi tuyển là giảng viên nghiệp vụ đạo diễn sân khấu - khoa Đạo diễn SK-ĐA.
Lạ hơn, trong thông báo tuyển dụng viên chức bổ sung năm 2017 (ngày 15/5/2017) của nhà trường, yêu cầu cho vị trí giảng viên khoa Đạo diễn SK-ĐA, dạy môn nghiệp vụ đạo diễn sân khấu là “tốt nghiệp đại học loại khá trở lên chuyên ngành đạo diễn sân khấu hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành quản lý văn hóa, giáo dục”.
Trong khi đó, giảng viên dạy môn nghiệp vụ đạo diễn điện ảnh lại chỉ có yêu cầu “tốt nghiệp đại học loại khá trở lên chuyên ngành đạo diễn SK-ĐA và truyền hình”. Chuyên ngành quản lý văn hóa, giáo dục có liên quan thế nào đến nghiệp vụ đạo diễn sân khấu hay là bước mở để bà Ái Liên đủ tiêu chuẩn thi tuyển viên chức? (Bà Ái Liên tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý giáo dục).
Những người có trách nhiệm ở trường ĐH SK-ĐA dường như đang quá xem thường chính môi trường đào tạo của mình nên dễ dãi trong việc tuyển dụng, đặt để giảng viên. Người hiểu biết về nghệ thuật, người làm nghề có tâm huyết sẽ không bao giờ chấp nhận lời giải thích rằng đây là giải pháp trước mắt để giải quyết thực trạng thiếu giảng viên có đủ bằng cấp theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng giảng viên phản ánh chất lượng đào tạo của trường. Đừng để những bất cập trong tuyển dụng, quản lý làm mất đi hình ảnh đẹp của ngôi trường nghệ thuật từng đào tạo nhiều thế nghệ sĩ tài năng.
Điều 6, Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV (quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập) quy định giảng viên hạng III “phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy”, “phải nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm”. |
Nhóm PV VHVN