Chuyện lạ chưa từng có: Bắc Cực cháy rừng!

25/07/2019 - 13:51

PNO - Hơn 100 vụ cháy rừng dữ dội đã tàn phá Vòng Bắc Cực kể từ tháng 6 vừa qua, thảm họa được các nhà khoa học mô tả là "chưa từng có".

Các vụ cháy rừng xảy ra khi Trái Đất đang trải qua một tháng 7 nóng nhất trong lịch sử khi những trận sóng nhiệt quét qua châu Âu và Hoa Kỳ.

Hình ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy những đám khói khổng lồ cuồn cuộn trên các vùng đất không có người sinh sống ở Greenland, Siberia (Nga) và một phần tiểu bang Alaska (Mỹ).

Chuyen la chua tung co: Bac Cuc chay rung!
Khói cháy rừng lan rộng từ Alaska qua đến nhiều vùng ở Canada.

Kể từ đầu tháng 6, Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS), nơi cung cấp dữ liệu về thành phần khí quyển và khí thải, đã theo dõi hơn 100 vụ cháy dữ dội ở Vòng Bắc Cực.

Chuyên gia nhiếp ảnh vệ tinh Pierre Markuse cho biết khu vực này từng có các vụ hỏa hoạn trong quá khứ, nhưng chưa bao giờ nhiều đến như vậy.

Nhiệt độ Bắc Cực đang tăng với tốc độ nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, tạo điều kiện thích hợp cho các vụ cháy rừng lan rộng, theo nhận định của Mark Parrington, một nhà khoa học cao cấp của CAMS.

Phát biểu với báo giới, ông Parrington nói "số lượng và cường độ các vụ cháy rừng ở Vòng Bắc Cực là bất thường và chưa từng có". Ông nhấn mạnh rằng tình hình rất đáng quan ngại “vì cháy rừng xảy ra ở một nơi rất xa trên thế giới và trong một môi trường mà nhiều người coi là nguyên sơ"

Chuyen la chua tung co: Bac Cuc chay rung!
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói các đám cháy rừng cuồn cuộn bốc lên từ Greenland và Alaska

Tiến sĩ Claudia Volosciuk, một nhà khoa học thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nói với CNN rằng nhiệt độ trung bình tháng 6 ở Siberia, nơi các đám cháy rừng đang hoành hành, cao hơn gần 10 độ so với mức trung bình dài hạn trong suốt giai đoạn 1981—2010. Trong khi đó, chuyên gia Parrington của CAMS cho biết dường như nhiều vụ cháy rừng có nguyên nhân do sóng nhiệt cục bộ ở Siberia, Canada và Alaska.

Các đám cháy rừng góp phần làm nóng lên toàn cầu thông qua việc thải khí COvào khí quyển. Ước tính chúng đã thải vào khí quyển 100 megaton khí CO2 trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 21/7, gần tương đương với lượng carbon nước Bỉ thải ra trong năm 2017.

Các vụ cháy rừng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách giải phóng các chất ô nhiễm vào khí quyển. Tiến sĩ Volosciuk cho biết, "khi các hạt khói rơi xuống tuyết và băng, chúng khiến băng hấp thụ ánh sáng mặt trời chứ không phản xạ như trước, và do đó thúc đẩy nhanh hơn tình trạng ấm lên của Bắc Cực”.

Thanh Hiền (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI