Chuyện kinh doanh làm bẽ mặt nhà buôn Pháp của tỷ phú ôtô ở Sài Gòn

04/02/2017 - 11:49

PNO - Công cuộc làm ăn của ông bà Hảo ngày càng phát đạt. Ông cho mở thêm một cửa hàng tại Trà Vinh. Lợi nhuận cũng từ đó tăng dần biến ông trở thành một tỷ phú lúc nào không hay.

Từ một thanh niên quê mùa ở Càng Long (Trà Vinh), ông Nguyễn Văn Hảo lên Sài Gòn làm việc với người anh khác mẹ ở một tiệm sửa xe hơi và bán phụ tùng trên đường Nguyễn An Ninh. Từ đó, cuộc đời ông bước sang trang mới.

Người vợ "đồng cam cộng khổ" phía sau tỷ phú ôtô

Làm với anh trai một thời gian, tích lũy được chút vốn liếng, ông xin phép ra làm riêng. Ông thuê căn nhà số 21- 23 đường Trần Hưng Đạo rồi đưa vợ con lên cùng sinh sống.

Tiệm bán phụ tùng và cây xăng ông giao cho vợ phụ trách. Nhờ vốn tiếng Pháp, ông chỉ chuyên lo về giao dịch, mua bán hàng. Vợ ông tuy là một phụ nữ ở nông thôn như rất tháo vát. Bà không nề hà bất cứ việc gì miễn phục vụ tốt cho công việc làm ăn của gia đình.

Chuyen kinh doanh lam be mat nha buon Phap cua ty phu oto o Sai Gon

Logo NG.V.HAO trên tường biệt thự 4 mặt tiền.

Những khách hàng là tài xế đến mua hàng thường được bà hỏi thăm, rằng mua cho chủ hay mua cho chính mình. Bà luôn dành một khoản tiền nho nhỏ để gọi là phụ vào tiền xe, tiền uống nước cho những anh tài xế mua phụ tùng về cho chủ. 

Nhờ vậy mà tiếng đồn lan dần. Sức bán tăng cao và dĩ nhiên lợi nhuận cũng tăng theo. Bà Hảo không nề hà giờ giấc dù là nửa đêm. Bà cũng không ham lãi nhiều mà chỉ vừa đủ lấy công làm lời. Theo quan điểm của bà, lãi ít mà bán được nhiều còn hơn lãi nhiều mà không có người mua.

Công cuộc làm ăn của ông bà Hảo ngày càng phát đạt. Ông cho mở thêm một cửa hàng tại Trà Vinh. Lợi nhuận cũng từ đó tăng dần biến ông trở thành một tỷ phú lúc nào không hay.

Mặc dù đã quá giàu nhưng ông Hảo không hề xao nhãng chuyện bán buôn. Những nhân viên ông thuê đều phải thuộc nằm lòng những điều ông căn dặn. Ông nói, phải xem khách hàng là người đã nuôi sống mình và phải biết ơn họ để có cách đối xử cho phải đạo.

Ông bà Hảo đều xuất thân từ vùng quê. Cả hai ông bà đều không qua một trường lớp đào tạo kinh doanh nào. Nhưng, từ việc tặng cho khách chút tiền xe tiền nước, đến những cử chỉ nhiệt tình, thái độ ân cần cho thấy ông bà có tầm nhìn rất xa trong kinh doanh. Dường như những cung cách làm ăn như thế đến nay vẫn chưa lỗi thời mà đã có nhiều doanh nghiệp phát huy rất tốt để có lợi nhuận cao.

Bẽ mặt nhà buôn Pháp

Ông Hảo tiếp tục phát triển việc kinh doanh. Ông xây tòa nhà với 4 mặt tiền. Tại đây, ông dùng phía sau nơi tiếp giáp với đường Lê Thị Hồng Gấm làm garage buôn bán xe hơi.

Chuyen kinh doanh lam be mat nha buon Phap cua ty phu oto o Sai Gon

Mặt sau của tòa nhà trên đường Lê Thị Hồng Gấm là Garage buôn bán xe hơi của ông Hảo.

Một buổi sáng nọ, có một người khách quê mùa bước vào. Anh nhân viên bước ra hỏi, "Bác cần mua gì?". Ông ta bình thản trả lời: "mua xe".

Anh nhân viên đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông mà mua nổi chiếc xe hơi sao? Nhìn ông mặc áo dài đen đội khăn đóng. Tất cả đã cũ kỹ. Chân ông mang đôi dép đã sờn, thế mà đòi mua xe.

Anh nhân viên không muốn mời vào nhưng ở góc phòng ông Hảo đang ngồi làm việc. Đôi mắt ông theo dõi mọi việc nên anh không dám có một thái độ nào làm mất lòng khách.

Anh dẫn ông đi khắp garage. Cuối cùng ông chỉ vào chiếc xe du lịch 4 chỗ ngồi rồi nói: "Anh lên đề tôi xem thử". Bất đắc dĩ anh leo lên và nổ máy. Tiếng máy nổ giòn. Ông hài lòng rồi leo lên xe ngồi. Nhún vài cái, ông nói: "thêm mỡ bò vào nhíp nhé. Còn kêu lắm. Bao nhiều tiền chiếc xe này ?". Dạ 3.000 đồng (tiền lúc đó 1 đồng = 17 Franc Pháp).

Ông ngồi bệt xuống đất rút từ phía sau lưng chiếc mo cau và mở bạch ra. Anh nhân viên tái mặt. Trong mo cau là một đống tiền. Ông đếm đủ và giao cho anh ta ...

Ông Hảo từ xa bước tới bắt tay và cám ơn ông. Hỏi thăm, thì ra ông là bạn với ông hội đồng Trạch (hội đồng Trạch là cha của công tử Bạc Liêu). Ông Hảo ngỏ ý muốn tặng ông một bình xăng đầy để chạy về nhưng ông khoát tay từ chối. Ông chỉ xin 5 lít để đến một nơi cần đến.

Ông lên xe chạy một mạch tới garage Scama trên đường Bonard (Lê Lợi bây giờ). Tại đây cũng có một cây xăng. Ông vào đổ xăng và nói với ông chủ người Pháp bằng tiếng Pháp: "Lúc nãy tôi vào garage của anh để mua chiếc xe Ford tôi thích nhưng bị các anh đuổi. Các anh nhìn bề ngoài chê tôi nghèo hèn. Tôi qua garage ông Hảo mua chiếc xe Nash này. Tôi được đối xử rất tốt".

Ông chủ người Pháp trơ mặt không nói nên lời. Ngay sau đó, ông cho ngay viên quản lý và anh bán hàng nghỉ việc. Trong khi đó, ở cơ sở của ông Hảo, bán được chiếc xe Nash vợ chồng ông lãi được 600 đồng, một số tiền không nhỏ.

Không mưu mô xảo quyệt, cách kinh doanh của ông Hảo rất lành mạnh và trong sáng. Ông không nhìn người bằng hình thức bên ngoài và cho dù có mua hay không với ông điều đó không quan trọng. Quan trọng là gây được ấn tượng để mọi người luôn nhớ đến rồi cũng sẽ có ngày họ tìm đến ông.

Đúng là tầm nhìn của một người kinh doanh chuyên nghiệp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI