Chuyện không thể không buồn

08/06/2013 - 21:38

PNO - PN - Đề xuất sửa lời Quốc ca, đề xuất soạn thảo Luật Nhà văn... của các ông nghị đã khiến xã hội không khỏi giật mình.

Chuyen khong the khong buon
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành

Trong phiên thảo luận sửa Hiến pháp sáng 4/6, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (Gia Lai) đã đề xuất thay đổi lời của Quốc ca. “Tôi thấy Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ, nên sửa những câu chữ như “Đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác” - ông Thành phát biểu. Cũng theo mạch suy nghĩ đó, đại biểu này còn đề xuất chỉnh lại khoản 3, điều 13 thành “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao”.

Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề xuất thay Quốc ca. Năm 1981, sáng kiến này đã được mở thành một cuộc thi nhưng sau hơn một năm, cuộc thi đó không còn được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, người từng làm việc trong Ban chấm thi Quốc ca mới, việc chấm Quốc ca khổ ải vô cùng, nhốn nháo, phức tạp và có rất nhiều chuyện buồn cười.

Quốc hội còn vô số những luật cần thông qua, không thiếu những vấn đề xã hội bức thiết hơn cần giải quyết so với chuyện sửa lời Quốc ca mà ông nghị Huỳnh Thành đưa ra. Do đó, chắc Tiến quân ca vẫn được giữ nguyên bản gốc và tiếp tục là Quốc ca của nước nhà.

Việc một số ông nghị bàn về văn hóa khiến người ta giật mình, không chỉ có chuyện đề xuất sửa lời Quốc ca của ông Huỳnh Thành. Trước đó, năm 2011, dư luận cũng đã xôn xao về đề xuất của đại biểu Quốc hội, bác sĩ, nhà văn Nguyễn Minh Hồng về Luật Nhà văn. “Việt Nam đã có các luật về nhà báo, luật về thanh niên, luật về phụ nữ, luật về nông dân... mà lại chưa có Luật Nhà văn. Trong khi đó, Thái Lan có Luật Nhà văn từ năm 1931, trên thế giới nhiều nước cũng có luật này” - ông nghị Minh Hồng lý luận.

Không ít đại biểu Quốc hội đã phản ứng mạnh với đề xuất này của ông Hồng. Người ta đặt câu hỏi: Luật Nhà văn chế định cái gì, điều chỉnh cái gì mà lại được đưa vào chương trình? Chẳng lẽ lại bắt ông kia làm thơ, ông này không được làm? Nản hơn là trong thời điểm đó, những luật rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, Luật Biển… được đề nghị từ khóa trước nhưng vẫn còn nợ cử tri.

Đại biểu Quốc hội là đại diện nói lên những tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người dân. Người dân đã gửi gắm rất nhiều vào những người đại diện này, họ tin các ông nghị đều là những người có tâm và có tầm về tri thức, văn hóa.

Thế nhưng, những đề xuất như sửa lời Quốc ca, soạn Luật Nhà văn của các ông nghị đã cho thấy sự ngô nghê và thiếu hiểu biết về văn hóa của các ông, làm cho hình ảnh của các ông thêm mất điểm trong mắt cử tri. Liệu ai còn dám đặt những nguyện vọng của mình vào tay một đại diện như thế? Chuyện không thể không buồn.

 M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI